05/11/2024

“Mình máu O, đăng ký 1 suất nhé”

Chưa đầy 10 phút sau khi đăng thông tin “cần giúp đỡ tiểu cầu máu O cứu người” trên Facebook đã có hai thanh niên xin được hiến tiểu cầu.

  

“Mình máu O, đăng ký 1 suất nhé”

 

Chưa đầy 10 phút sau khi đăng thông tin “cần giúp đỡ tiểu cầu máu O cứu người” trên Facebook đã có hai thanh niên xin được hiến tiểu cầu.

 

 

 

 

"Mình máu O, đăng ký 1 suất nhé"
Sơn (trái) và Thảo trong lúc cho tiểu cầu cứu Hiếu – Ảnh: T.MAI

Mình cũng như mọi người thôi, thấy Hiếu bệnh nguy kịch cũng muốn giúp lắm, nhưng lại không trùng nhóm máu mới nghĩ ra cách kêu gọi mọi người. Mình cảm thấy rất vui khi anh Sơn và Thảo đã kịp thời cho tiểu cầu duy trì sự sống cho Hiếu

Anh PHAN DUY NHẬT 
(người chia sẻ thông tin bệnh tình của Hiếu trên Facebook)

Chủ nhân của Facebook cá nhân này là anh Phan Duy Nhật (31 tuổi, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). 

Người cần tiểu cầu là cậu bé Nguyễn Khắc Hiếu (10 tuổi) đang nằm ở phòng hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi trong tình trạng suy nhược nghiêm trọng: xuất huyết, ho, nôn ra máu… do mắc chứng suy giảm tiểu cầu bẩm sinh, cấp độ nặng.

Cho tiểu cầu trong giờ làm việc

Hai người cho tiểu cầu là anh Đào Đình Sơn (29 tuổi, TP Quảng Ngãi), hiện là cán bộ tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và anh Nguyễn Văn Thảo (40 tuổi), bí thư Xã đoàn Đức Hiệp (huyện Mộ Đức). Cả hai cho biết đã xin phép lãnh đạo cơ quan vắng mặt để đi hiến máu sau khi đọc được thông tin mọi người chia sẻ trên Facebook.

Anh Thảo cho biết lúc thấy dòng trạng thái tìm người hiến tiểu cầu cứu người của anh Nhật thì thấy mình trùng nhóm máu O và nhanh chóng sắp xếp công việc liên hệ với anh Nhật và vượt gần 30km ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi xét nghiệm máu. “Lúc đó mình chỉ nghĩ là ra càng sớm càng tốt vì một người đang cần nguồn máu của mình” – anh Thảo nói.

Còn Sơn chỉ kịp bình luận trên Facebook: “Mình máu O đăng ký một suất nhé” rồi lên thẳng bệnh viện xét nghiệm máu. Sơn nói khi xin tạm vắng mặt trong giờ làm việc, lãnh đạo còn hối khẩn trương lên viện, nên anh cảm thấy rất vui. 9g cùng ngày khoa huyết học bắt đầu lấy máu của cả hai, chuẩn bị tiểu cầu truyền cho Hiếu. Trong lúc lấy máu, cả hai trò chuyện và làm quen nhau. Họ gặp nhau khi có cùng một nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người.

Ngồi bơ phờ ngoài khoa huyết học chờ tiểu cầu lấy ra từ nguồn máu của Thảo và Sơn để cứu con, ông Nguyễn Khắc Nước (48 tuổi, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) cho biết Hiếu đau từ lúc 3 tháng tuổi, ông đã đưa con đi Bệnh viện Huyết học TP.HCM, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

Còn ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi thì chẳng biết bao nhiêu lần ông mang con lên cấp cứu. Tiền bạc hết mà bệnh tình vẫn không giảm. Khoảng hai tháng trước, ông đã lấy máu truyền cho con nên không thể lấy máu thêm lần nữa.

Sáng 22-5, ông đưa con đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng gần như ngất lịm, da xanh tái và liên tục nôn ra máu, dù rất muốn lấy máu cho con nhưng đành bất lực. “Tối qua đến giờ tôi như ngồi trên lửa, may sao có Thảo và Sơn giúp chứ không chẳng biết làm cách nào” – ông Nước tâm sự.

Hơn 30 lần hiến máu 
cứu người

Tính tổng cộng, Thảo và Sơn đã có hơn 30 lần hiến máu cứu người. Trong đó Thảo có hai lần tiếp máu khẩn cấp cho bệnh nhân tại bệnh viện, còn Sơn có bốn lần lấy gấp nguồn máu của mình cho người khác đang ở bên lằn ranh sinh tử. Thậm chí Sơn còn để lại số điện thoại cho bệnh viện, khi có người cần máu khẩn cấp thì liên hệ, Sơn sẽ đến cho. Y bác sĩ khoa huyết học đã quen mặt với chàng trai thường mặc áo Đoàn mỗi lần hiến máu này.

Còn với Thảo, lần đầu tiên hiến máu khi đang theo học tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam – phân hiệu miền Nam. Bắt đầu từ năm 2006 mỗi lần phát động phong trào hiến máu tình nguyện, Thảo lại tham gia, đến nay đã 16 lần anh cho người khác nguồn máu của mình.

“Tôi cùng bạn bè kêu gọi thành lập ngân hàng máu sống ở huyện Mộ Đức và đã có 16 thành viên. Khi mọi người thấy hiến máu cứu người là điều đáng quý sẽ tích cực tham gia thôi. Mỗi lần hiến máu tôi chỉ nghĩ đơn giản góp thêm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Hi vọng lớn nhất của tôi là sẽ có thêm nhiều người hiến máu cứu người, đó cũng là một cách chống lại thói vô cảm của giới trẻ hiện nay” – anh Thảo tâm sự.

Hiếu đã khoẻ hơn

"Mình máu O, đăng ký 1 suất nhé"
Hiếu đang được điều trị tại phòng hồi sức tích cực, khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi – Ảnh: T.MAI

Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ – trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi – cho biết tình trạng sức khỏe của Hiếu rất yếu bởi bệnh tật bẩm sinh. Hiện nay y khoa chưa có cách điều trị hữu hiệu bệnh tình của Hiếu. “Với tình trạng bệnh lý nặng như Hiếu, sống dựa vào tiểu cầu của người khác, nếu không truyền tiểu cầu kịp thời cơ thể sẽ bị xuất huyết, có thể dẫn đến tình trạng nguy kịch bắt buộc phải truyền máu toàn phần để giữ lại mạng sống” – bác sĩ Phụ nhận định.

Trưa cùng ngày, tiểu cầu của anh Sơn và Thảo đã được các bác sĩ truyền cho Hiếu. Sau khi nhận được sự sẻ chia “nguồn sống” của hai anh, Hiếu đã khoẻ hơn rất nhiều. Bà Lê Thị Tâm (46 tuổi) – mẹ của Hiếu – xúc động mắt rơm rớm, chẳng nói nên lời.

TRẦN MAI