23/12/2024

Bí tích Rửa Tội là một cuộc tái sinh trong Chúa Thánh Thần

Bí tích Rửa Tội là cánh cửa cho phép Chúa Kitô đến ở trong con người chúng ta và cho phép chúng ta dìm mình trong Mầu nhiệm của Ngài. Nó trao ban cho chúng ta cuộc sống mới của Thần Khí và làm cho chúng ta trở thành chi thể của Thân Mình Mầu nhiệm Chúa là Giáo hội.

 Bí tích Rửa Tội là một cuộc tái sinh trong Chúa Thánh Thần

 

 

ĐTC Phanxicô chụp hình với một nhóm di cư trong buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư 11-4-2018 tại Quảng trường Thánh Phêrô. – AP

Bí tích Rửa Tội là cánh cửa cho phép Chúa Kitô đến ở trong con người chúng ta và cho phép chúng ta dìm mình trong Mầu nhiệm của Ngài. Nó trao ban cho chúng ta cuộc sống mới của Thần Khí và làm cho chúng ta trở thành chi thể của Thân Mình Mầu nhiệm Chúa là Giáo hội.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương 5 châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hằng tuần 11-4-2018.

Quảng diễn lệnh truyền của Chúa Kitô Phục Sinh nói với các môn đệ – “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20) – ĐTC nói: Năm mươi ngày của phụng vụ phục sinh thích hợp giúp duy tư về cuộc sống bắt nguồn từ chính Chúa Kitô. Chúng ta là kitô hữu trong mức độ chúng ta để cho Chúa Giêsu Kitô sống trong chúng ta. Khởi đầu từ đâu để có được ý thức ấy, nếu không phải là từ Bí tích đã thắp lên trong chúng ta cuộc sống Kitô, là Bí tích Rửa Tội? Với sự mới mẻ của nó sự Phục Sinh của Chúa Kitô đến với chúng ta qua Bí tích Rửa Tội để biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Ngài: các người đã được rửa tội là của Chúa Kitô, chính Ngài là Chúa cuộc đời họ. Bí tích Rửa Tội là “nền tảng toàn cuộc sống Kitô” (GLCG, 1213). Đó là Bí tích đầu tiên trong các Bí tích, trong nghĩa nó là cánh cửa cho phép Chúa Kitô đến ở trong con người chúng ta, và cho phép chúng ta dìm mình trong Mầu nhiệm của Ngài. 

ĐTC giải thích ý nghĩa từ “rửa tội” trong tiếng Hylạp:

Động từ Hylạp “rửa tội” có nghĩa là “dìm mình” (x. CCC, 1214). Tắm với nước là một nghi thức chung của nhiều tôn giáo, diễn tả việc từ một điều kiện bước sang một điều kiện khác, dấu chỉ của sự thanh tẩy cho một khởi đầu mới. Nhưng đối với chúng ta là kitô hữu cần nhớ rằng nếu thân xác được dìm trong nước, thì linh hồn được dìm trong Chúa Kitô để nhận ơn tha tội và rạng ngời ánh sáng thiên linh (x. Tertulliano, Về sự phục sinh của các kẻ chết, VIII,3: CCL 2,931; PL 2,806). Nhờ Chúa Thánh Thần, Bí tích Rửa Tội dìm chúng ta trong cái chết và sự sống lại của Chúa, dìm chết trong giếng rửa tội con người cũ bị tội lỗi thống trị chia rẽ với Thiên Chúa, và làm nảy sinh ra con người mới, được tái tạo dựng trong Chúa Giêsu. Trong Ngài các con cái Adam được kêu gọi sống cuộc sống mới.

** Nghĩa là Bí tích Rửa Tội là một sự tái sinh. Tôi chắc chắn, tôi rất chắc chắn là chúng ta tất cả đều nhớ ngày sinh của chúng ta: chắc chắn. Nhưng tôi tự hỏi, hơi nghi ngờ một chút, tôi xin hỏi anh chị em: mỗi người trong anh chị em có nhớ ngày rửa tội của mình không? Vài người nói có – tốt rồi. Nhưng một tiếng có hơi yếu ớt, bởi vì có biết bao nhiêu người có lẽ không nhớ điều này. Nhưng nếu chúng ta mừng ngày sinh ra, thì tại sao lại không mừng hay ít ra là nhớ ngày tái sinh? Tôi cho anh chị em một bài tập ở nhà, một bài tập hôm nay làm ở nhà. Những người trong anh chị em không nhớ ngày rửa tội của mình, thì hãy hỏi mẹ, hỏi các bác các cậu, hỏi các cháu: “Có nhớ ngày rửa tội không?” và đừng bao giờ quên nó. Và trong ngày đó hãy cảm tạ Chúa, vì chính trong ngày đó Chúa Giêsu đã bước vào trong tôi, Chúa Thánh Thần đã vào trong tôi. Anh chị em đã hiểu bài tập phải làm ờ nhà chưa? Chúng ta tất cả phải biết ngày rửa tội của mình. Đó là một ngày sinh nhật khác. Xin anh chị em đừng quên làm điều này nhé!

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói: Chúng ta hãy nhớ rằng các lời sau cùng Chúa Phục Sinh nói với các Tông đồ là một lệnh truyền chính xác: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20). Qua phép rửa tội, ai tin nơi Chúa Kitô thì được dìm mình trong chính Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thật thế nước của Bí tích Rửa Tội không phải bất cứ một thứ nước nào, mà là nước trên đó Thần Khí trao ban sự sống đã được khẩn nài đến (Kinh Tin Kính). Chúng ta hãy nghĩ tới điều Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô để giải thích cho ông việc sinh ra trong sự sống thiên linh: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3,5-6). Vì thế, Bí tích Rửa Tội cũng được gọi là sự “tái sinh”: chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã cứu chúng ta “vì lòng thương xót của Ngài, với một thứ nước tái sinh và canh tân trong Thần Khí” (Tt 3,5).

Bí tích Rửa Tội vì thế là dấu chỉ hữu hiệu của việc tái sinh, để bước đi trong cuộc sống mới. Thánh Phaolô nhắc cho các kitô hữu Roma nhớ điều này khi viết: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6,3-4). 

ĐTC giải thích thêm:

** Khi dìm mình trong Chúa Kitô, Bí tích Rửa Tội cũng khiến cho chúng ta trở thành chi thể của Thân Mình Ngài là Giáo Hội, và tham dự vào sứ mệnh của Ngài trong thế giới (x. CCC 1213). Là những người đã được rửa tội chúng ta không bao giờ cô đơn: chúng ta là chi thể của Thân Mình Chúa Kitô.

Sức sinh động phát xuất từ giếng rửa tội được minh giải bởi các lời này của Chúa Giêsu: “Thầy là cây nho, các con là ngành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người đó, thì mang nhiều hoa trái.” (x. Ga 15,5). Cùng một sự sống, sự sống của Chúa Thánh Thần, chảy từ Chúa Kitô sang các người đã được rửa tội, kết hiệp họ trong một Thân Thể duy nhất (x. 1 Cr 12,13), được xức đầu thánh hiến và được dưỡng nuôi nơi bàn tiệc thánh thể.

Bí tích Rửa Tội cho phép Chúa Kitô sống trong chúng ta và cho phép chúng ta sống hiệp nhất với ngài, để cộng tác trong Giáo hội cho việc biến đổi thế giới, mỗi người trong điều kiện riêng của mình. Được lãnh nhận một lần duy nhất phép rửa tội soi sáng toàn cuộc sống chúng ta, hướng dẫn chúng ta bước tới thành Giêrusalem trên Trời. Có một thời điểm trước và sau Bí tích Rửa Tội. Bí tích giả thiết một con đường lòng tin, mà chúng ta gọi là con đường dự tòng, nó hiển nhiên khi một người lớn xin lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Nhưng ngay từ thời xa xưa cả trẻ em cũng được rửa tội trong đức tin của cha mẹ (x. Lễ nghi Rửa tội Trẻ em, Dẫn nhập, 2). Liên quan tới việc này tôi muốn nói với anh chị em một điều. Có vài người nghĩ rằng: mà tại sao lại phải rửa tội cho một trẻ em không hiểu biết gì? Chúng ta hy vọng nó lớn lên, hiểu biết và chính nó xin chịu Bí tích Rửa Tội. Nhưng như thế có nghĩa là không tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần, bởi vì khi chúng ta  rửa tội cho một trẻ em, Chúa Thánh Thần vào trong trẻ em đó, và Chúa Thánh Thần làm cho lớn lên trong trẻ em đó các nhân đức Kitô, và các nhân đức này sẽ nở hoa. Phải luôn luôn cho mọi người cơ may này, cho tất cả các trẻ em, có trong chúng Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng suốt cuộc đời. Anh chị em đừng quên rửa tội cho các trẻ em!

Không có ai xứng đáng nhận Bí tích Rửa Tội, nó luôn luôn là ơn nhưng không được ban cho tất cả mọi người, người lớn cũng như trẻ em. Nhưng như xảy ra đối với một hạt giống tràn đầy sự sống, ơn này đâm rễ và sinh bông hạt trong một thửa đất được dưỡng nuôi bởi đức tin. Các lời hứa rửa tội, mà hàng năm chúng ta lập lại trong Thánh lễ Vọng Phục Sinh, phải được tái sinh mỗi ngày để Bí tích Rửa Tội “Kitô hoá”: chúng ta không được sợ hãi từ này; Bí tích Rửa Tội “Kitô hoá” chúng ta, ai đã nhận Bí tích Rửa Tội và được Kitô hoá thì giống Chúa Kitô, được biến đổi trong Chúa Kitô, và nó biến người ấy thực sự trở thành một Kitô khác.

** ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau. Trong các nhóm đến từ Pháp, Bì và các nước nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt chào các bạn trẻ thuộc nhiều trường trung học và cao học. Ngài cầu mong việc canh tân các lời hứa rửa tội luôn giúp họ sống kết hiệp với Chúa Kitô Giêsu để sống đời sống mới và cộng tác với Giáo Hội trong việc biến đổi thế giới.

Ngài cũng chào các nhóm đến từ Anh quốc, Bỉ, Hoà Lan, Na Uy, Nam Phi, Australia, Indonesia và Hoa Kỳ, đặc biệt là một nhóm các dân biểu Anh đặc trách việc liên lạc với Toà Thánh. ĐTC xin Chúa Phục Sinh đổ tràn tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha trên họ và gia đình họ.

Chào các tín hữu nói tiếng Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, ngài cầu mong cuộc sống mới Chúa ban trong Bí tích Rửa Tội giúp họ trở thành các thừa sai giữa lòng xã hội. Nó là một món quà quý giá khiến cho chúng ta ý thức mình thuộc về Chúa và được mời gọi là nhân chứng cho Chúa trong môi trường cuộc sống thường ngày. Được rửa tội có nghĩa là được mời gọi nên thánh. Xin Chúa cho chúng ta sống các dấn thân Kitô như là những người noi gương Chúa Giêsu, là sự bình an và niềm hy vọng của chúng ta.

Chào các tín hữu nói tiếng Ả Rập, ngài khích lệ họ canh tân các lời hứa rửa tội mỗi ngày, sống kết hiệp với Chúa Kitô, cộng tác với Giáo Hội biến đổi thế giới, mỗi người trong điều kiện sống của mình.

Với các đoàn hành hương Ba Lan, ĐTC nói khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội chúng ta đã từ bỏ Satan dẫn đưa chúng ta tới tội lỗi, và tuyên xưng niềm tin vào Chúa và trung thành với Ngài. Chúa ở trong chúng ta và giúp chúng ta phụng sự Ngài suốt đời.

Trong các nhóm Ý, ĐTC đặc biệt chào đoàn hành hương Genova do ĐHY Angelo Bagnasco hướng dẫn, và tín hữu nhiều giáo xứ, cũng như nhóm sinh viên Học viện Sinh học Roma nhân kỷ niệm 25 năm thành lập. Ngài khích lệ họ tận tụy phục vụ các bệnh nhân và làm chứng cho niềm vui và các giá trị tin mừng. ĐTC cũng chào các tham dự viên cuộc đua xe hơi quốc tế Formula E.

Sau cùng, ngài chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn; ngài cầu chúc ngọn lửa phục sinh tiếp tục cháy sáng trong con tim họ, để mỗi người sống kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô trên con đường đời sống và gắn bó với các giáo huấn của Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

AP4429780_Articolo
 

Linh Tiến Khải