01/01/2025

Cậu bé chăn vịt và tấm bằng tiến sĩ

Khi chúng tôi hỏi về giảng viên 31 tuổi Lê Trung Hiếu, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ (hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp) nói ngay: “Đó là cậu học trò rất đặc biệt về mọi thứ”.

 

Cậu bé chăn vịt và tấm bằng tiến sĩ

 

Khi chúng tôi hỏi về giảng viên 31 tuổi Lê Trung Hiếu, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ (hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp) nói ngay: “Đó là cậu học trò rất đặc biệt về mọi thứ”.

 

 

 

 

Cậu bé chăn vịt và tấm bằng tiến sĩ
TS Lê Trung Hiếu hướng dẫn sinh viên học tập – Ảnh: Vân Trường

Ông Đệ kể năm 2003 Trường ĐH Đồng Tháp tuyển sinh khoá đầu tiên. Cái tên Lê Trung Hiếu khiến ông đặt câu hỏi vì “em này trúng tuyển nguyện vọng 1 Trường ĐH Cần Thơ sao không học mà lại chọn nguyện vọng 2 về Đồng Tháp học sư phạm toán?”.

Rồi ông âm thầm tìm hiểu, quan sát quá trình học tập, rèn luyện của Hiếu suốt bốn năm ĐH. Khi Hiếu vừa thi tốt nghiệp, ông Đệ cũng quyết định giữ anh lại trường bởi ông nhìn thấy hình ảnh một giảng viên có tài, có tâm trong tương lai. Mới đây Hiếu hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ trong hai năm, bốn tháng trong khi người khác phải mất ít nhất ba năm.

Hai anh em chỉ có một chiếc xe đạp đi học. Nhà cách trường hơn 3km. Hai anh em quy ước với nhau là nếu ai nghỉ tiết về sớm thì đi bộ về nhà. Nhiều hôm hai anh em cùng nghỉ tiết, về tới nhà gặp nhau mới biết xe đạp còn ở trường. Thế là một trong hai anh em lại cuốc bộ ra trường lấy xe

TS LÊ TRUNG HIẾU

Bụng đói đến trường

Quê của Lê Trung Hiếu ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười – nơi đã đi vào thơ ca với những cánh đồng sen đẹp đến nao lòng. Có điều cuộc sống của gia đình anh thì không đẹp như vậy.

Cha của anh bỏ đi lấy vợ khác khi anh còn nằm trong bụng mẹ. Mãi đến năm 4 hay 5 tuổi gì đó Hiếu mới được gặp cha lần đầu tiên và cũng là lần cuối khi về quê nội ở An Giang. Ký ức, hình ảnh người cha rất mờ nhạt, không thay thế được hình ảnh rất đậm nét về người mẹ.

Hiếu kể: “Nhà tui nghèo lắm. Đến bây giờ vẫn vậy. Một mình mẹ chăm sóc ngoại suốt ngày chỉ nằm, ngồi một chỗ vì mắt không nhìn thấy gì; mẹ cũng đứng vai cha chăm sóc, nuôi dạy hai con và lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Mẹ làm quần quật từ mờ sáng đến khuya cũng không đủ ăn, vậy mà đứa nào xin nghỉ học thì mẹ giận”.

Nhắc đến mẹ, đôi mắt Hiếu đỏ hoe. Anh bảo không bao giờ quên được hình ảnh hằng ngày mẹ trèo cây me hái trái để khuya chèo xuồng ra chợ bán. Hai anh em thức dậy từ lúc gà gáy rồi xuống xuồng nằm cạnh giỏ me ngủ ngon lành đến khi tới chợ.

Có lần bà Huỳnh Thị Phú (mẹ của Hiếu) trèo hái me bị té úp mặt xuống đất, chiếc răng cửa bị lún sâu dưới hàm. May mà không chết. Một mình bà làm hết mọi chuyện đồng áng từ cuốc đất, gieo mạ đến xịt thuốc, rải phân, bơm nước… không thuê mướn ai.

Hiếu nhìn xa xăm ra sân trường: “Hồi đó mẹ nuôi heo nái quanh năm suốt tháng để bán heo con. Những lúc heo đẻ mẹ thức trắng đêm, mắt thụt sâu. Có hôm tui đi học về thì thấy bà chủ nợ đang đứng trước nhà chửi mắng rất nặng nề.

Dù mẹ không nói nhưng anh em tui biết gia đình mắc nợ nhiều lắm. Lúc đó tui xách cuốc chạy ra ruộng đào hang bắt chuột, tát mương bắt cá mong kiếm tiền giúp mẹ trả nợ”.

Bà Huỳnh Thị Phú vốn là một giáo viên trước và sau ngày đất nước thống nhất. Cuộc sống khó khăn nên bà phải rời bục giảng về nhà làm đủ nghề kiếm sống.

Cho dù nợ nần tứ giăng, có lúc nhà không có một hạt gạo nhưng bà không cho phép hai con nhắc đến chuyện nghỉ học. Bà luôn nói với hai anh em Hiếu rằng chỉ có học và càng học lên cao thì mới có cơ hội thoát được cảnh nghèo túng.

Bà kể: “Nhiều lúc nhà hết gạo, thằng Hiếu mở nắp nồi thấy không có cơm, nó lặng lẽ ôm cặp đi học chứ không nói gì. Đi học về nó ra ruộng đào khoai mì về nấu cho cả nhà ăn trừ cơm”.

Chăn vịt mướn nuôi giấc mơ đại học

Bà Phú kể tiếp: “Năm học lớp 6, thằng Hiếu âm thầm đi gặp một người nuôi vịt chạy đồng trong xóm xin giữ mướn. Nó không nói tui biết vì tui không bao giờ cho. Người ta giao đàn vịt 1.000 con cho hai anh em nó giữ trong ba tháng hè, tiền công 20 giạ lúa.

Nó xin làm một mình nhưng vẫn được lãnh hết số lúa đó và được đồng ý. Xong chuyện nó mới về nhà năn nỉ tui cho nó chăn vịt để phụ giúp gia đình”.

11 tuổi, một mình giữ bầy vịt chạy đồng cả ngàn con không hề đơn giản. Gặp cánh đồng chưa thu hoạch xong, vịt nhìn thấy lúa thì nhào qua đó ăn. Chặn chỗ này thì vịt chạy qua chỗ khác để vào ruộng.

Thế là Hiếu thường bị chủ ruộng mắng. Mỗi khi vịt ăn đồng, Hiếu phải đứng phơi nắng (lúc thì dầm mưa) cả buổi trời canh, không cho vịt ăn lúa hoặc nhập bầy với vịt của người khác. Ăn hết lúa rụng ở đồng này, Hiếu lùa vịt sang đồng khác.

Hết ba tháng, chủ kêu bán vịt thì Hiếu mới được về nhà. Ba mùa hè liên tục Hiếu đều nhận đi chăn vịt mướn. Tiền công được chủ vịt trả bằng lúa đã giúp gia đình có gạo ăn.

Trong túi quần áo đi chăn vịt mướn của Hiếu lúc nào cũng có sách và từ điển tiếng Anh. Những lúc vịt ăn no nằm ngủ thì Hiếu lấy sách tiếng Anh ra học. Dù không biết đọc nhưng Hiếu nhìn từ tiếng Anh riết thì nhớ luôn nghĩa tiếng Việt.

Ba năm đi chăn vịt Hiếu thuộc gần hết từ vựng trong quyển từ điển nhỏ của anh hai cho. “Tui sợ nhất là đi dự lễ khai giảng vì lúc đó bạn bè ai cũng ăn mặc đẹp trong khi tóc tui cháy nắng khét lẹt, tay chân thì đen thui, mốc cời, mắc cỡ lắm” – Hiếu nhớ lại.

Hiếu học môn toán giỏi bẩm sinh nên từ lớp 10 đến lớp 12 luôn đứng đầu lớp và là học sinh giỏi toán cấp tỉnh. Từ lớp 9 Hiếu không đi chăn vịt mướn nữa mà đi bắt chuột đồng, cắm câu, soi ếch nhái, hái rau dại đem bán, vác lúa mướn kiếm tiền phụ mẹ.

Cậu bé chăn vịt và tấm bằng tiến sĩ
TS Lê Trung Hiếu giải đáp thắc mắc cho sinh viên trong một giờ giảng của mình – Ảnh: V.TR.

Tiến sĩ trẻ nhất Đồng Tháp

Hiếu bảo rằng con đường đến trường của anh gập ghềnh suốt từ lớp 1 đến khi cầm trong tay tấm bằng tiến sĩ. Nhiều lúc anh chỉ dám nghĩ cố gắng học hết lớp nào hay lớp đó, học càng nhiều càng tốt.

Bước ngoặt đáng nhớ nhất với Hiếu là sau khi thi ĐH. Biết mẹ không thể lo nổi cho hai anh em học ĐH nên cả hai quyết định chọn ngành sư phạm để khỏi đóng học phí.

Khi Hiếu thi ĐH thì anh hai đang là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ. Hiếu cũng thi vào trường này vì muốn hai anh em ở gần đùm bọc, nương tựa lẫn nhau. Hiếu còn cẩn thận đăng ký nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Đồng Tháp ngành sư phạm toán. Kết quả là trúng tuyển cả hai trường.

“Năm đó sức khoẻ ngoại yếu lắm rồi. Tui nghĩ nếu học ở Cần Thơ thì xa nhà, tốn kém hơn nên quyết định học ở Đồng Tháp để thường xuyên về thăm ngoại, thăm mẹ. Vả lại tiền thuê nhà trọ, tiền ăn ở đây cũng rẻ hơn. Học xong năm nhất thì ngoại mất…” – Hiếu tâm sự.

Để có tiền học ĐH, Hiếu bươn chải làm đủ việc. Lúc thì làm bốc vác, khi thì làm nhân viên chạy bàn quán ăn hay đi dạy kèm tiếng Anh và toán. Hầu như tuần nào Hiếu cũng đạp xe gần 50km về quê thăm mẹ. Do việc học và làm thêm kín hết thời gian nên Hiếu thường xuyên về quê từ lúc 2-3g sáng.

Bà Huỳnh Thị Phú kể: “Nó vừa đạp xe vừa nghe nhạc tiếng Anh hay nghe tài liệu tiếng Anh chuẩn bị sẵn để không bị lãng phí thời gian. Lần nào nó về tới nhà trời vẫn còn lờ mờ chứ chưa sáng hẳn. Tui ra mở cửa, nhìn thấy đứa con hiếu thảo lưng áo đẫm mồ hôi mà nước mắt lưng tròng”.

Rồi trong những năm học cao học Hiếu vẫn miệt mài đi dạy kèm để có tiền trang trải cuộc sống. Trong gần ba năm nghiên cứu sinh tiến sĩ, Hiếu được các giáo sư hướng dẫn cho tham gia các công trình nghiên cứu lớn; tự mày mò nghiên cứu các đề tài riêng; có một số bài báo quốc tế và giải thưởng nên cũng đỡ vất vả.

Người đồng hành với Hiếu trong những năm qua là người vợ, đồng nghiệp Nguyễn Thị Bích Thuận (thạc sĩ khoa kinh tế Trường ĐH Đồng Tháp).

Họ đến với nhau vì có hoàn cảnh giống nhau. Hiếu kể: “Hồi đi học, tui để ý thấy Thuận mang hoài một đôi giày rách trong khi bạn nữ cùng lớp, cùng trường đều có quần áo, giày đẹp, xài điện thoại xịn, đi xe máy…

Bà xã tui học giỏi nên cũng được giữ lại trường. Vợ chồng có con nhỏ được 2 tuổi, hiện vẫn còn ở chung với gia đình bên vợ tại huyện Lấp Vò”.

Cậu bé chăn vịt và tấm bằng tiến sĩ
Lê Trung Hiếu và vợ con trong ngày nhận bằng tiến sĩ – Ảnh: V.TR.

Xuất sắc

Ngày 19-12-2013, bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thưởng cho 77 công trình toán học xuất sắc. TS Lê Trung Hiếu có tên với công trình “New criteria for exponential of nonlinear difference systems with time-varying delay” (Một vài tiêu chuẩn mới cho tính ổn định mũ của các hệ phương trình sai phân phi tuyến có chậm phụ thuộc thời gian).

Ngày 31-12-2015, bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định khen thưởng 86 công trình toán học xuất sắc năm 2015. TS Lê Trung Hiếu cũng có tên với công trình “On exponential stability of nonlinear Volterra difference equations in phase spaces” (Về tính ổn định mũ của các phương trình sai phân Volterra phi tuyến trong không gian pha).

Trong quá trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiếu có 5 công trình nghiên cứu toán học được đăng trên các tạp chí quốc tế. Trong 5 bài báo đó có 4 bài thuộc chuẩn ISI – là chuẩn khoa học có uy tín hàng đầu quốc tế và 1 bài có chuẩn MR (Mathematical Review).

Theo GS Trần Văn Nhung (ĐH Quốc gia Hà Nội), Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, ISI, Hoa Kỳ) xét chọn chất lượng của các tạp chí trên thế giới một cách khắt khe và kỹ lưỡng. ISI là cách phân loại được thừa nhận và sử dụng rộng rãi khi bàn luận về chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu.

PGS.TS Phạm Hữu Anh Ngọc (Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM), người trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh Lê Trung Hiếu, cho biết Hiếu là người rất nghiêm túc với khoa học, chịu khó, kiên trì, chỉn chu trong học tập, nghiên cứu. Các bài báo được đăng trên tạp chí đạt chuẩn ISI cho thấy năng lực lao động và khả năng khoa học của Hiếu. Riêng đề tài tiến sĩ của Hiếu được hội đồng phản biện kín lẫn phản biện chính thức đánh giá xuất sắc.

VÂN TRƯỜNG ([email protected])