23/12/2024

Hành trình trở lại nghề của nữ thẩm phán bị tạt axit

13 năm trước, báo chí từng đăng một câu chuyện xót xa về nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan bị tạt axit. Niềm tin mãnh liệt đã cho chị sức mạnh vượt qua những gian nan, đau đớn để trở lại với nghề.

 Hành trình trở lại nghề của nữ thẩm phán bị tạt axit

 
13 năm trước, báo chí từng đăng một câu chuyện xót xa về nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan bị tạt axit. Niềm tin mãnh liệt đã cho chị sức mạnh vượt qua những gian nan, đau đớn để trở lại với nghề. 
 
 
 

Chị NGUYỄN THỊ KIM LOAN hiện là phó tổng biên tập tạp chí Toà Án Nhân Dân. Vào thời điểm gặp nạn, chị đang được quy hoạch để bổ nhiệm phó chánh án T án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội).

Hành trình trở lại nghề của nữ thẩm phán bị tạt axit - Ảnh 1.

* Trước ngày định mệnh đó chị thế nào?

– Khi ấy hai con tôi còn nhỏ, cháu lớn 11 tuổi, cháu bé mới 2 tuổi. Trước ngày định mệnh đó, tôi nhận được kết quả thi đỗ vào khóa đào tạo thạc sĩ và đang được xem xét thủ tục để bổ nhiệm phó chánh án. Tôi sống lạc quan, yêu nghề, luôn đặt cho mình một nguyên tắc không khuất phục trước những sai phạm. Và dĩ nhiên tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có thể rơi vào bi kịch.

* Sau này, chị có ân hận về quyết định trong vụ án cuối cùng chị xét xử, lý do dẫn tới việc kẻ thua kiện trả thù chị không?

Hành trình trở lại nghề của nữ thẩm phán bị tạt axit - Ảnh 2.

 

– Không bao giờ. Vụ tranh chấp đất đai, liên quan tới kẻ tạt axit tôi sau này khi xử phúc thẩm chỉ sửa về án phí vì lên cấp phúc thẩm họ có đơn xin miễn giảm án phí. Trước đó, đối tượng muốn tiếp cận tôi để thực hiện hành vi tiêu cực, nhưng tôi không chấp nhận nên anh ta dùng cách trả thù. Tôi không hối hận điều mình đã làm và thực sự cũng không nghĩ nhiều đến kẻ đã gây thương tích cho tôi. Sức lực còn lại, tôi dành cho việc quyết tâm để sống.

Tôi vốn dĩ là người rất sợ đau. Lúc xảy ra chuyện, tôi lờ mờ hiểu được ai đã gây ra chuyện này (người đó sau này chịu hình phạt theo đúng pháp luật), nên khi đó tôi nghĩ nếu sợ hãi thì tôi không thể vượt qua nỗi sợ của chính bản thân mình, có nghĩa tôi đã thua kẻ phạm tội. Với tôi lúc đó, sống được cũng là một nỗ lực để chứng minh những gì tôi làm là đúng, là đấu tranh để không gục ngã.

Và điều tôi nghĩ nhiều nhất suốt 9 năm với 41 ca phẫu thuật là phải làm sao để trở lại nghề. Trong một ca phẫu thuật, khi đã nói được trở lại, tôi hỏi bác sĩ: “Liệu tôi có thể ngồi xét xử được nữa không?”.

* Câu trả lời chị được nghe là gì?

– Bác sĩ không trả lời. Sau này, có bác sĩ đã nói với chồng tôi là nếu may mắn nhất thì tôi còn giữ được đôi mắt để nhìn thấy con là tốt rồi, chứ sự nghiệp thì xem như chấm dứt, đừng hi vọng gì nữa. Đó là chặng đầu tiên với 61 ngày điều trị trong tình trạng mắt không nhắm được, miệng không mở được, phải ăn qua ống xông. Phần da bị bỏng như bêtông, nó giống như quả mướp khô đã xơ cứng nên mọi người đều tin vào phán đoán của bác sĩ.

Chỉ trừ tôi vẫn không tắt hi vọng.

Hành trình trở lại nghề của nữ thẩm phán bị tạt axit - Ảnh 3.

* Ngày chị bước ra khỏi giường bệnh thế nào?

Hành trình trở lại nghề của nữ thẩm phán bị tạt axit - Ảnh 4.

 

Nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan trước khi bị tai nạn

– Sau 61 ngày đó, tôi mới chỉ thoát chết. Có bác sĩ khuyên chồng tôi trước khi đón tôi về thì nên tháo hết các gương treo trong nhà, kể cả những cái gương bé nhất. Vì nếu nhìn thấy mình trong gương, tôi có thể tự tử vì tuyệt vọng.

Nhưng sau đó khi tôi sang Singapore điều trị, bác sĩ lại khuyên tôi điều ngược lại. Họ cho rằng tôi nên đối diện với sự thật nghiệt ngã. Vì chỉ có như thế tôi mới vượt qua, mới có cơ hội hòa nhập. Và tôi chọn cách đó.

* Rất kinh khủng phải không ở lần đầu chị soi gương ấy?

– Phải, nhưng nó không kinh khủng bằng việc con tôi không nhận ra mẹ. Con thứ hai 2 tuổi hàng đêm ôm bức ảnh tôi khi còn lành lặn để ngủ vì cháu nhớ mẹ. Nhưng khi gặp mẹ, cháu kiên quyết không nhận, vì nhìn tôi xấu xí quá. Lần đó, tôi đã chạy vào toilet khóc lặng một mình.

Sau này, mỗi ngày tôi ngồi trước gương chừng 6-8 tiếng. Tôi học cách đối diện với tôi của hiện tại và bắt đầu tập theo chỉ dẫn của bác sĩ. Từ chỗ miệng bị sẹo co kéo méo xệch, tôi đã tập để nó trở lại bình thường.

* Những lần phẫu thuật sau đó thì thế nào?

– Tổn thương trên vùng mặt, cổ rất sâu, axit ăn cả vào màng xương nên tôi phải trải qua nhiều lần phẫu thuật. Các bác sĩ đã lấy mảng da ở đùi, ở vai, ở cánh tay ghép lên vùng mặt. Người tôi chỉ trừ hai chân (từ đầu gối trở xuống), còn lại đều không lành lặn.

* Chị đã học lấy bằng thạc sĩ khi nào trong thời gian điều trị với những ca phẫu thuật dày đặc ấy?

– Năm 2006, ngay sau khi những vết sẹo tạm lành, tôi đăng ký đi học. Xen kẽ giữa các đợt học, tôi đặt lịch với bác sĩ để phẫu thuật, phẫu thuật xong tôi lại về đi học. Tôi không bỏ một buổi học nào. Để bảo vệ các vết sẹo và tránh những ánh mắt tò mò, tôi thiết kế cho mình những bộ quần áo theo kiểu phụ nữ Hồi giáo che kín mít và đã đến trường học trong diện mạo ấy.

Tôi chưa bao giờ ngừng nghĩ tôi sẽ trở lại làm việc. Tôi có niềm tin và niềm tin cho tôi sức mạnh. Tôi đi học là để chuẩn bị cho sự quay lại với công việc.

Hành trình trở lại nghề của nữ thẩm phán bị tạt axit - Ảnh 5.

* Và chị đã thành công.

– Tôi lấy bằng thạc sĩ về đề tài “Nâng cao năng lực thẩm phán toà án nhân dân” với kết quả 9,9 điểm.

* Chị trở lại làm việc khi nào? Chị có gặp trở ngại gì không?

– Đó là năm 2014. Chồng tôi kêu trời khi biết ý định của tôi, vì khi đó dù đã cải thiện rất nhiều nhưng sức khỏe tôi rất yếu. Tôi vẫn phải tránh ánh nắng mặt trời và phải tuân thủ chế độ tập luyện vất vả. Nhưng vì tôi đã quyết tâm nên chồng phải nghe theo. Tôi gửi đơn xin đi làm trở lại.

Trường hợp của tôi lãnh đạo toà án các cấp đều rõ và đơn của tôi cũng dễ dàng được chấp nhận. Tôi về công tác ở Viện Khoa học xét xử của T án nhân dân tối cao. Dù không còn trực tiếp ngồi xét xử, nhưng tôi đã được làm việc. Thời gian ở Viện Khoa học xét xử, tôi được tham gia xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự. Vậy là gián tiếp tôi vẫn được làm việc ở lĩnh vực đã thu hút sự quan tâm, say mê của tôi. Não tôi từng như tê liệt khi không được làm việc thì khi đó nó như kích hoạt trở lại.

* Trải qua một biến cố như thế, quan điểm nhìn nhận cuộc sống cũng như với công việc chuyên môn của chị có thay đổi không?

Hành trình trở lại nghề của nữ thẩm phán bị tạt axit - Ảnh 6.

 

– Cá nhân tôi luôn giữ một thái độ sống tích cực. Từ thời trẻ, tôi mơ ước và phấn đấu trở thành một thẩm phán giỏi. Nhưng sau biến cố, công việc có những chuyển biến nhưng ở vị trí nào tôi cũng tìm cho mình niềm say mê, chỉ cần công việc đó có ích. Tôi vẫn giữ nguyên tắc làm việc mà tôi từng có từ trước khi biến cố xảy ra. Đó là sự nghiêm túc, cẩn trọng, công tâm.

Nhiều người vẫn nghĩ người làm trong tòa án luôn phải tìm ra bằng chứng sai phạm của người khác. Nhưng với tôi thì không hẳn như thế, nhất là ở lĩnh vực dân sự. Ở vị trí người phán xử hay nhà xây dựng luật thì đều cần hiểu và đặt mình vào các tình huống cuộc sống để có cái nhìn tích cực, dẫn dắt những người liên quan theo cách giải quyết tích cực, giảm bớt mất mát nhất.

* Từ tai nạn xảy ra với mình, chị có suy nghĩ gì về các biện pháp bảo vệ người thi hành luật pháp?

– Đây là điều tôi băn khoăn rất nhiều. Thực tế khi tôi gặp nạn, tình cảm của đồng nghiệp từng là điểm tựa cho tôi lúc khó khăn, đau đớn nhất. Nhưng nếu nói về chính sách đãi ngộ, về cơ chế bảo vệ thẩm phán ở Việt Nam thì còn nhiều bất cập.

Đã có đồng nghiệp đề cập đến câu chuyện của tôi ở các hội nghị, kiến nghị về chế độ cần thiết dành cho thẩm phán bị tai nạn do công việc. Nhưng tới nay đó vẫn chỉ là kiến nghị. Tôi mong muốn có một thay đổi tốt hơn trong việc này, không phải cho tôi, mà cho đồng nghiệp, nhất là những người còn trẻ dấn thân vào nghề này. Làm sao để họ vững tâm, làm đúng trách nhiệm của mình.

heading-04

 

Ông Chu Thành Quang

Ông Chu Thành Quang (vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, TAND tối cao)

 

Từ sự việc xảy ra với chị Kim Loan, có những điều rất đáng suy nghĩ. Cơ chế pháp lý để bảo vệ thẩm phán tuy đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa hiệu quả, trong khi nguy hiểm luôn thường trực bên cạnh những người làm công việc xét xử. Chế độ, chính sách để ghi nhận cống hiến, hỗ trợ những thẩm phán gặp nạn trong khi làm nhiệm vụ còn thiếu.

Xã hội và nhân dân luôn đòi hỏi thẩm phán phải phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư; phải độc lập, liêm chính tận tụy và thượng tôn pháp luật, nhưng mức lương của thẩm phán chưa được quy định đặc thù, chưa bảo đảm về mặt vật chất để thẩm phán thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, công bằng và lẽ phải.

Trong khi ở các nước trên thế giới, thẩm phán được đãi ngộ đặc biệt, có cơ chế pháp lý cụ thể để bảo vệ, được xã hội tin tưởng và trân trọng.

Người ta dễ nhớ đến những tiêu cực nào đó khi người giữ cán cân công lý phạm sai lầm, nhưng lại ít biết đến một người như chị Kim Loan vì không chấp nhận hành vi tiêu cực mà bị tạt axit, phải chống chọi vượt qua khó khăn và vẫn tiếp tục cống hiến hết mình ở những vị trí công tác mới.

Những bất cập này rất cần được các cấp có thẩm quyền quan tâm và xây dựng những cơ chế pháp lý cụ thể bảo vệ thẩm phán.

 

 

 

VĨNH HÀ

 

BẢO SUZU

 

TRANG TRẦN