Bán cát thu ngân sách kiểu lợi bất cập hại
Hơn 857.000 m3 cát ven biển tận thu từ tuyến đường cứu hộ, cứu nạn ở Quảng Nam đã mang ra đấu giá, thu nộp vào ngân sách khoảng 20 tỉ đồng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng không nên xúc bán vì lợi bất cập hại…
Bán cát thu ngân sách kiểu lợi bất cập hại
Hơn 857.000 m3 cát ven biển tận thu từ tuyến đường cứu hộ, cứu nạn ở Quảng Nam đã mang ra đấu giá, thu nộp vào ngân sách khoảng 20 tỉ đồng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng không nên xúc bán vì lợi bất cập hại…
Công ty công trình đầu tư thuỷ điện Quảng Nam đã trở thành chủ nhân của lô hàng 857.315 m3 cát tận thu từ 3 dự án phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn ở H.Thăng Bình, H.Núi Thành và TP.Tam Kỳ (gọi tắt là dự án) sau phiên đấu giá do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Nam thực hiện hôm 18.4.
Trong tổng số cát thừa mang ra bán đấu giá, mới chỉ có khoảng 50.000 m3 tập kết tại bãi thải Sông Đầm (TP.Tam Kỳ), còn lại đang nằm rải rác tại hiện trường.
|
Cùng với phạm vi rộng lớn của dự án cầu Cửa Đại, đây là “miếng bánh” khiến nhiều nhóm người sử dụng cả xe đào và ô tô vận chuyển khai thác cát trộm với quy mô lớn, diễn ra vào ngày nghỉ, ngày lễ và ban đêm.
Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã gửi nhiều văn bản đề xuất chính quyền TP.Tam Kỳ, H.Thăng Bình và các xã có tuyến đường đi qua tăng cường ngăn chặn, xử lý nhưng tình hình ngày càng diễn biến phức tạp.
Sao không dự trữ?
Trên thực tế, lượng cát thừa tại vệt dự án ven biển này nhiều hơn thế. Biên bản do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai lập ngày 28.11.2015 xác định tổng khối lượng cát thừa tại 3 dự án này lên đến 908.713 m3, trong đó Công ty TNHH Phú Long khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường hơn 51.000 m3. Câu hỏi đặt ra là tại sao không tìm cách giữ lượng cát trắng khổng lồ này?
Mặc dù chủ đầu tư giải thích chỉ tác động vào mặt cắt ngang, không ảnh hưởng lớn đến địa hình và tuyến đường chạy dọc cách mép biển bình quân 2 km, tuy nhiên một số người vẫn tỏ ý lo ngại.
Ông Võ Hồng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng việc lấy chỗ đất cao để đắp chỗ thấp là nguyên tắc cơ bản trong thi công, nhất là đối với đồi cát trắng rất thuận lợi trong khai thác tận thu.
“Vấn đề đặt ra là số tiền thu về được bao nhiêu? Có ảnh hưởng môi trường và khả năng chắn gió khi đồi cát định hình cả trăm năm nay bị thay đổi? Có tạo đồng thuận trong nhân dân về nguồn nguyên liệu cho tương lai? Cả 3 yếu tố kinh tế, môi trường, tác động xã hội này có thể đã chưa được đánh giá hết”, ông Hồng nói.
Dẫn kinh nghiệm xây dựng tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng vào Hội An khởi động từ năm 2002, ông Hồng cho biết thời điểm đó lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chọn phương án không “cào bằng” tất cả cốt nền, vì thế vẫn giữ được “dáng vóc” của con đường du lịch, nhất là đoạn thuộc địa bàn xã Điện Dương (H.Điện Bàn).
Đáng chú ý, với gần 75% diện tích đồi núi, Quảng Nam có nguồn cung vật liệu xây dựng khá dồi dào. Khi mở đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết điều chỉnh các mỏ đất để bổ sung nguồn đất cát.
“Nếu cần thiết, địa phương sẽ tiếp tục quy hoạch đồi núi, vừa tạo mặt bằng sản xuất, bố trí dân cư ở miền núi vừa cung ứng đất cát san lấp. Việc này đã được triển khai hiệu quả ở nhiều huyện, thị xã. Chứ ai lại đi lấy cát ven biển, chưa nói đến chuyện dự trữ cho chế biến sâu”, ông Hồng nói.
Một chuyên gia khi đề cập chuyện xúc bán cát ven biển cũng lưu ý: không nên khai thác quá mức độ; cần giữ cốt nền, không được hạ thấp độ cao mặt đường và tăng diện tích rừng phòng hộ.
“Nếu làm ngược lại, sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tạo hậu quả không thể lường trước”, chuyên gia này nói. Trên thực tế, quá trình giải phóng mặt bằng và thi công đào cống thoát nước toàn tuyến đường cứu hộ cứu nạn ven biển, mực nước ngầm ở một vài khu vực rộng vài trăm mét vuông bị tụt khiến cây cối chết, chủ đầu tư đã phải đền bù cho người dân.
Dưới góc độ quản lý môi trường, ông Dương Chí Công, nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh, gợi ý cần giữ những đồi cát ven biển để làm “đê biển” tự nhiên.
Theo ông Công, tỉnh Quảng Nam từng có chủ trương hoàn thổ hết sức nghiêm túc khi khai thác mỏ cát trắng khu vực Quế Sơn – Thăng Bình: lấy đi 1 khối cát trắng, phải trả lại 1 khối đất để đảm bảo cốt nền tự nhiên. Trong khi đó, ý tưởng quy hoạch khu đất dự trữ ven biển trong phạm vi Khu kinh tế mở Chu Lai (bên cạnh khu vực làm dự án du lịch, xây khu đô thị, sắp xếp dân cư ven biển…) đang xúc tiến hiện được nhiều người quan tâm, đánh giá cao.
Hứa Xuyên Huỳnh