28/12/2024

Dự án thuỷ điện đâu ngờ giờ là bãi vàng tan hoang

Tám năm kể từ ngày được UBND tỉnh Kon Tum cho chủ trương, dự án thuỷ điện Đắk Brot tại xã Đắk Kroong (huyện Đắk Glei) vẫn giậm chân tại chỗ.

Dự án thuỷ điện đâu ngờ giờ là bãi vàng tan hoang

 

Tám năm kể từ ngày được UBND tỉnh Kon Tum cho chủ trương, dự án thuỷ điện Đắk Brot tại xã Đắk Kroong (huyện Đắk Glei) vẫn giậm chân tại chỗ. 

 

 

 

 

Dự án thủy điện đâu ngờ giờ là bãi vàng tan hoang
Dự án thuỷ điện Đắk Brot đến nay là bãi vàng, đất đai bị cày xới tan hoang – Ảnh: Thái Bá Dũng

Hiện tại trên huyện Đắk Glei chúng tôi đang có 6-7 dự án thuỷ điện, nhưng tới giờ chưa có cái nào phát được ra điện. Cái thì đang làm bị bể đập, cái thì đói vốn quá phải bỏ dở, cái thì bê trễ như Phúc Kim Tâm… Huyện quá vất vả để đi giám sát, rồi giải quyết các hệ quả phát sinh

Một cán bộ 
huyện Đắk Glei

 

 

Chủ đầu tư hợp đồng với một đơn vị thi công, đơn vị này không làm thuỷ điện mà lại… đào đãi vàng sa khoáng khiến môi trường tan hoang..

Ngày 9-5, một lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum cho biết liên quan đến tiến độ dự án thủy điện Đắk Brot do Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm (trụ sở tại TP Kon Tum) làm chủ đầu tư, sắp tới UBND tỉnh sẽ thu hồi dự án, bàn giao lại quỹ đất cho huyện quản lý.

Lòng hồ biến thành… bãi vàng

Ngày 9-5, chúng tôi tiếp cận được lòng hồ vùng dự án thuỷ điện Đắk Brot – nằm cách trung tâm huyện Đắk Glei khoảng 13km. Lòng hồ này nằm trong thung lũng được bao quanh bởi các dãy núi, một bên là đất sản xuất của người dân xã Đắk Kroong, một bên là rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ xã Đắk Nhoong.

Theo thông tin mà Công ty Phúc Kim Tâm thuyết trình và được UBND tỉnh cho phép đầu tư làm thuỷ điện, khu vực lòng hồ này sẽ được ngăn dòng để làm một nhà máy thuỷ điện có công suất 2 MW, dự án gồm hai tổ máy, một tuyến đê ngăn dòng và các công trình phụ trợ như nhà xưởng cho công nhân, đường công vụ. Thế nhưng đến thời điểm này dự án chỉ là một bãi đất tan hoang!

Một người dân có mặt tại khu vực này cho biết mấy tháng trước có nhiều công nhân, máy móc hoạt động rầm rộ tại lòng hồ, nhưng không phải làm thủy điện mà… đi đào đãi vàng.

“Có hai máy múc đất rất lớn, rồi nhiều công nhân dựng lán ở để đi đãi vàng, bà con ở đây nhiều người thắc mắc là sao dân đi đãi vàng thì bị đuổi mà công nhân vào đãi vàng đông như thế lại không sao” – người dân này kể.

Lòng suối Đắk Brot kẹp giữa các dãy núi hiện nay bị cày nát như một bãi bom khổng lồ trên chiều dài khoảng 1km. Người dân địa phương cho biết trước đây nước suối Đắk Brot rất trong, nhưng từ giữa năm 2014 đến nay thì nước bị vẩn đục, ô nhiễm rất nặng.

8 năm vẫn chưa xong… giấy tờ

Theo hồ sơ, dự án thủy điện Đắk Brot sẽ chiếm dụng hơn 8ha đất, gồm đất rừng và ruộng rẫy canh tác từ lâu đời của người dân. Đáng chú ý là trong số này có 0,8ha rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ 
Đắk Nhoong.

Ông A Phương, phó chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, bức xúc: “Từ khi được cấp phép đến nay dự án vẫn chưa làm xong hồ sơ thủ tục. Trong khi đó lại phát sinh việc chủ đầu tư tự ý hợp đồng với một cá nhân khác để đào đãi vàng khiến UBND huyện hết sức mệt mỏi, phải tổ chức truy quét nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được”.

Tại báo cáo gửi UBND tỉnh Kon Tum, UBND huyện Đắk Glei cho rằng Công ty Phúc Kim Tâm đã hợp đồng giao khoán với ông Thân Văn Tám (huyện Đắk Glei) mang máy móc, thiết bị quy mô lớn vào hoạt động khai thác vàng trái phép. UBND huyện đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra, truy quét nhưng các đơn vị vẫn tiếp tục vi phạm.

Tương tự, Sở Tài nguyên – môi trường Kon Tum cũng khẳng định Công ty Phúc Kim Tâm không làm thuỷ điện như đã cam kết mà tổ chức khai thác vàng sa khoáng trái phép với quy mô cơ giới.

“Chúng tôi họp lên họp xuống, bốn năm lần gửi kiến nghị lên UBND tỉnh đề nghị rút giấy phép, kiên quyết không cho Phúc Kim Tâm làm thuỷ điện nữa nhưng hiện tỉnh vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng” – ông Phương nói.

Theo Phòng tài nguyên – môi trường Đắk Glei, Công ty Phúc Kim Tâm còn tự ý xây dựng nhà công vụ trên đất của người dân làng khi đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa thông qua chính quyền 
địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sơn – trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Đắk Glei – ngờ vực: “Chúng tôi không hiểu vì sao đến nay tỉnh chưa thu hồi dự án của Phúc Kim Tâm. Với những gì tám năm họ đã thể hiện thì chúng tôi nghi ngờ về năng lực thật sự của đơn vị này”.

Ông Sơn cũng cho biết chính việc bê trễ, ì ạch và nhiều sai phạm tại dự án này đã khiến người dân ở quanh vùng dự án rất bức xúc.

“Do các bác cũng thương tình”

* Tại sao xin làm thuỷ điện mà Phúc Kim Tâm lại ký hợp đồng với đơn vị khác để đào đãi vàng?

– Bà Bùi Thị Kim Tâm (giám đốc Công ty Phúc Kim Tâm): Chúng tôi đang san ủi đất để làm tái định canh (đất đai sản xuất) cho người dân. Đường cũng mở rồi. Còn chuyện bãi vàng khai thác trái phép không phải do chúng tôi mà do đơn vị khác làm. Chúng tôi thuê đơn vị này vào san ủi đất, làm đường, làm nương rẫy cho dân thì họ lại đi đào đãi vàng. Chúng tôi không chủ ý làm việc này mà do họ tự ý.

* Nhiều thông tin cho rằng Phúc Kim Tâm xin dự án chẳng qua để đào đãi vàng. Công ty ăn chia lợi nhuận từ vàng đào được theo tỉ lệ như thế nào?

– Hiện nay tổng số tiền chúng tôi đã bỏ ra cho dự án lên tới mười mấy tỉ đồng rồi. Chúng tôi không đào đãi vàng nên không ăn chia gì cả.

* Phúc Kim Tâm sai phạm và bê trễ quá nhiều như thế, bà thuyết phục thế nào để tỉnh đồng ý đến giờ này chưa chấm dứt dự án?

– Là do các bác, các sở ngành ở tỉnh cũng thương tình, thấy chúng tôi làm ăn đang gặp khó khăn, bỏ quá nhiều tiền vào đó rồi nên tạo điều kiện. Chúng tôi bắt đầu làm từ năm 2008, lúc đó kinh tế quá khó khăn, vốn liếng cụt hết. Đến giờ nói thật nhà cửa tôi cũng cầm cố hết để dốc tiền vào đó rồi.

THÁI BÁ DŨNG ([email protected])