Loay hoay với ‘vàng tặc’
Sau vụ sập hầm xảy ra tại H.Nam Giang làm 4 phu vàng thiệt mạng, PV Thanh Niên đã thâm nhập vào các bãi vàng trái phép tại Quảng Nam và chứng kiến cảnh “vàng tặc” vẫn hết sức nhộn nhịp.
Loay hoay với ‘vàng tặc’
Sau vụ sập hầm xảy ra tại H.Nam Giang làm 4 phu vàng thiệt mạng, PV Thanh Niên đã thâm nhập vào các bãi vàng trái phép tại Quảng Nam và chứng kiến cảnh “vàng tặc” vẫn hết sức nhộn nhịp.
Tại H.Phước Sơn, PV Thanh Niên đã chứng kiến những hầm lò quy mô nằm giữa rừng. Trong đó không ít bãi vàng chỉ cách tuyến đường chính dẫn vào xã Phước Lộc khoảng 1 km.
Ngạt khí hầm vàng, 4 người chết: Dân kiến nghị nhiều lần nhưng không thấy giải quyết
Sáng 13.4, có mặt trực tiếp tại hiện trường vụ ngạt khí hầm khai thác vàng trái phép, PV Thanh Niên ghi nhận 4/5 người bị kẹt trong hầm khai thác vàng đã tử vong
Ngày 19.4, trong vai cán bộ đo đạc rừng, chúng tôi men theo đường mòn dẫn vào khe suối bãi Vinh (thuộc thôn 5B) và đã tiếp cận được bãi vàng của một trong hai “ông chủ” đang cát cứ tại khu vực này.
Người dẫn đường cho chúng tôi nói, chỉ cần nhìn vào dòng suối đục ngầu là có thể chắc chắn ở rất gần phía thượng nguồn đang có bãi vàng trái phép. Và quả thật chỉ sau 15 phút băng rừng bằng xe máy, bãi vàng lộ ra với 4 lán trại được dựng bằng bạt xanh. Đường dây dẫn điện được kéo vào tận nơi để phục vụ cho sinh hoạt và chạy máy xay đất đá. Thấy có người lạ, 5 thanh niên đang ăn cơm trong lán chính nhanh chóng tản ra.
|
Những “xí nghiệp” giữa rừng
Tuy không né tránh những câu hỏi của “khách không mời” nhưng những phu vàng hết sức cảnh giác và “kè” sát để chúng tôi không thể ghi hình. Một thanh niên nói giọng miền Bắc cho biết đã làm thuê cho một người đàn ông địa phương từ nhiều tháng qua. Công việc chủ yếu mỗi ngày là chui vào hầm lò để lấy quặng. Qua quan sát có thể thấy hầm lò ở đây đã được “khui” từ lâu và hiện đã đào sâu vào vách núi. Để vận chuyển máy móc, dựng lán trại với các tiện nghi như ti vi, chảo vệ tinh… cũng phải mất hàng tháng trời. Ngoài ra, đứng tại khu vực này có thể nghe thấy tiếng máy nổ ầm ĩ xuất phát từ một lán trại cạnh đó.
Chúng tôi tiếp tục tìm vào thôn 4 (xã Phước Đức) và chứng kiến cảnh hàng loạt hầm vàng nham nhở tại con suối Đăk Sa. Khi tiếp cận một hầm vàng có khoảng 10 người đang hì hục đào bới, chúng tôi được một người đàn ông tự nhận là chủ bãi mời vào lán trại để “nói chuyện”. Người này móc từ trong ví một miếng vàng nhỏ và than: “Làm một tuần qua nhưng không có gì”.
Dọc tuyến đường vào thôn 4, chúng tôi ghi nhận có 4 điểm làm vàng nằm ngay sát đường nhưng không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng. Đặc biệt, đi sâu vào trong thôn, chúng tôi chứng kiến một công xưởng tách chiết do “vàng tặc” dựng giữa rừng keo sát ngay bên đường. Trong đó có một bể lớn chứa quặng vàng được khai thác từ khu vực lân cận mỏ Đăk Sa cùng nhiều máy xay, hệ thống tách lọc. Vừa thấy chúng tôi dừng xe, một phụ nữ bịt kín mặt nhanh chân tiến lại chửi bới. “Bọn mày ghi hình à. Ghi cái gì. Mày mà ghi hình, tao đánh vỡ máy”, người này lớn tiếng. Chúng tôi giải thích chỉ dừng lại nghỉ bên đường để gọi điện thoại nhưng người phụ nữ này vẫn không ngừng quát tháo cho đến khi chúng tôi rời khỏi hiện trường.
Tại thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh (H.Phú Ninh), chúng tôi đã tiếp cận một “lò” tách quặng vàng trái phép nằm kín đáo trong một cánh rừng keo tại khu vực Đồi Sim, ngay cổng sau của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu. Lúc này, bên trong lán trại có 3 người đang thay nhau xúc quặng, 1 người khác đứng bên máy xay chạy rầm rập. “Xí nghiệp” xay đá này đã hoạt động khá lâu bởi lượng quặng tập kết lên đến hàng tấn, bể tách lọc vàng cũng được xây dựng kiên cố. Một phu vàng cho hay hiện nay nhiều người thường dùng máy xay quặng chuyên dụng để tách thô vàng trong quặng. Cỗ máy này gồm phần cối xay và phần máng lọc vàng. Sau khi cho quặng vào nghiền cùng với nước, phần đất đá nát vụn sẽ chảy thành dòng ra máng. Trong chiếc máng này, phu vàng đặt sẵn những đai thép cao chưa đầy 0,5 cm liền kề nhau. Phía trên mỗi đai đều có tráng thuỷ ngân trước nên khi dòng bùn đất chảy qua, vàng sẽ được giữ lại. Hầu hết phu vàng đều dùng loại máy xay này nên nhu cầu về chất thuỷ ngân khi nào cũng có.
Quảng Nam đóng cửa mỏ vàng sa khoáng rộng hơn 50 ha
(TNO) Một mỏ vàng sa khoáng ở khu vực miền núi cao Quảng Nam được yêu cầu đóng cửa trong vòng 4 tháng để phục hồi, tái tạo môi trường.
Thuốc nổ và chất độc
Không phải ai cũng có thể biết được đường dây để mua được chất độc cyanua (dân đào vàng gọi là “gạo”) và thuốc nổ (“đèn cầy”). Hai thứ không thể thiếu của “vàng tặc” cũng có con đường đi riêng của nó.
|
Vụ ngạt khí hầm vàng khiến 4 người chết xảy ra tại H.Nam Giang cho thấy tình trạng sử dụng “đèn cầy” trong các hầm lò trái phép rất đáng báo động. Trung tá Hà Thế Xuyên, Phó trưởng công an H.Nam Giang, cho biết lực lượng công an khám nghiệm hiện trường đã thu giữ 11 thỏi thuốc nổ cùng nhiều kíp điện. Theo ông Xuyên, trong các đợt truy quét, lực lượng công an cũng thường thu giữ được nhiều thuốc nổ công nghiệp do “vàng tặc” cất giấu trong các bãi trái phép. Tuy nhiên, do không bắt được người nên không thể xử lý. “Công an cũng khó xác định được nguồn gốc chất nổ thu giữ được. Các đối tượng buôn bán thuốc nổ thường “cắt đuôi” giống như buôn bán trái phép chất ma tuý. Ví dụ, đối tượng mua thường không biết được người bán nên công an khó đấu tranh đến tận gốc tận ngọn”, ông Xuyên nói.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Quảng Nam), cho biết từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã bắt 3 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép vật liệu nổ công nghiệp, trong đó đã khởi tố 2 vụ. Về các vụ buôn bán “gạo”, công an tỉnh này bắt 4 vụ với tổng khối lượng 240 kg, đã khởi tố 3 vụ, 4 bị can. “Ở nơi nào có đào vàng trái phép thì vàng tặc luôn có nhu cầu về thuốc nổ lẫn chất độc cyanua. Bởi nếu thiếu hai thứ này thì không cách nào tách chiết vàng được”, thượng tá Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng công an H.Phú Ninh nói.
“Hết đẩy đuổi thì họ lại vào”
Thừa nhận tình trạng đào vàng trái phép là vấn đề nhức nhối tại địa phương, ông Hồ Quang Hường, Phó chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho hay “vàng tặc” liên tục hoạt động tại các địa điểm như: suối Bơ, sông Nước Mỹ… trong khi đó, cấp xã quản lý địa bàn lại quá lỏng lẻo. Ông Hường cũng cho rằng, với diện tích đất rừng 100.000 ha cùng địa hình phức tạp, mỗi lần tổ chức truy quét, lực lượng liên ngành của huyện đã gặp không ít khó khăn, kinh phí quá lớn. “Chủ tịch, bí thư là người dân tại chỗ nên tôi nghĩ là có sự vị nể khi bà con trong xã đào vàng trái phép”, ông Hường nói và cho biết vừa qua huyện đã tổ chức họp lãnh đạo các xã và đã giao quyền tự tổ chức truy quét, đẩy đuổi cho các xã. Nếu xã nào để xảy ra vấn đề nghiêm trọng thì lãnh đạo xã đó phải chịu trách nhiệm.
Tràn lan khai thác vàng trái phép
Trở lại khu mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam), chúng tôi tận mắt cảnh rừng bị tàn phá, hầm hố ngổn ngang, đất đá bị cày xới và tiếng máy nổ ầm vang như một công trường.
Ở các bãi vàng trái phép tại thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh), tình cảnh cũng tương tự. Có mặt tại bãi Đồi Sim, chúng tôi chứng kiến cảnh lán trại mọc lên rất nhộn nhịp. Ông Nguyễn Tấn Hoà, Bí thư Đảng uỷ xã Tam Lãnh, nhìn nhận trên địa bàn có 44 hầm lò cũ cộng với hàng loạt hầm trái phép do “vàng tặc” tự ý khui ra. Ngoài việc dân địa phương lén lút đào vàng, các phu vàng từ các tỉnh phía bắc cũng đổ xô vào Tam Lãnh để hoạt động. “Để giải quyết triệt để là rất khó, vì nguồn lợi quá lớn, đập phá máy móc xong là họ mua lại máy mới để làm tiếp. Cứ truy quét thì vàng tặc lại chạy qua đất H.Bắc Trà My, hết đẩy đuổi thì họ lại vào làm lại. Trong khi quy chế phối hợp giữa hai địa phương không hiệu quả”, ông Hòa nói.
Ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam), khi đề cập đến việc xử lý tình trạng đào vàng trái phép đang diễn ra tại vùng núi của tỉnh cho rằng, việc truy quét là trách nhiệm chính của chính quyền cấp huyện, xã. “Trên địa bàn của anh thì anh phải đẩy đuổi, nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo tỉnh để xử lý”, ông Ba nói.
Chém người cướp quặng
Cuối năm 2015, giới “vàng tặc” hoạt động tại Bồng Miêu một phen khiếp đảm khi liên tiếp xảy ra những vụ trấn cướp quặng vàng táo tợn vào ban đêm.
Vào tối 2.12.2015, nhiều phu vàng tại một lán trại khu vực Đồi Sim bị băng cướp chém tới tấp rồi lấy đi 10 máng thủy ngân. Trong khi vụ việc khiến nhiều phu vàng hoang mang định bỏ về thì 2 ngày sau đó, băng cướp tiếp tục uy hiếp rồi lấy giẻ bịt miệng, dùng dây thừng buộc các nạn nhân tại một lán trại khác. Khi một trong số các nạn nhân chống cự, băng cướp đã tấn công bằng roi điện.
Tối 17.12, khi đột nhập một lán trại khác, băng cướp đã vung mã tấu chém đứt gân tay một phu vàng có ý định chống trả. Sau khi nhận được tin báo, công an tỉnh vào cuộc và đến ngày 24.12.2015 bắt giữ các nghi can: Mai Kim Lai, Đoàn Dương Phi, Trương Văn Tân (cùng 24 tuổi, đều trú tại xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam), Nguyễn Xuân Tùng Dinh (23 tuổi, trú xã Tam Dân, H.Phú Ninh, Quảng Nam)… Tại cơ quan công an, các nghi can khai nhận “đại ca” của băng là Mai Kim Lai. Trong nửa tháng hoạt động, băng cướp đã gây ra 4 vụ, cướp được hàng chục máng thuỷ ngân. Nhờ kinh nghiệm từng làm phu vàng mà cả bọn đã chiết xuất lấy vàng đem bán được 20 triệu đồng “dành” mua ma túy. Hiện băng cướp đã bị công an khởi tố.
Không những lo ngại về tình trạng sập hầm, chính quyền xã Tam Lãnh cũng hết sức lo lắng khi lượng người tứ xứ đổ về địa phương quá đông khiến nảy sinh nhiều “luật ngầm” phức tạp.
|
Hoàng Sơn