26/12/2024

Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức “lau khô nước mắt”

VATICAN – Lúc 6 giờ chiều ngày 5-5-2916, Lễ Thăng Thiên tại Vatican, ĐTC đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Đền thờ Thánh Phêrô, gọi là để “lau khô nước mắt”. Buổi canh thức này nằm trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót và là một dấu chỉ hữu hình về bàn tay thương xót của Chúa Cha lau nước mắt của những người cha người mẹ mất con, của người con bị mất cha hoặc mẹ…

 Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức “lau khô nước mắt”

 

 

Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức “Lau khô nước mắt” – AP

VATICAN – Lúc 6 giờ chiều ngày 5-5-2916, Lễ Thăng Thiên tại Vatican, ĐTC đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Đền thờ Thánh Phêrô, gọi là để “lau khô nước mắt”.

Buổi canh thức này nằm trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót và là một dấu chỉ hữu hình về bàn tay thương xót của Chúa Cha lau nước mắt của những người cha người mẹ mất con, của người con bị mất cha hoặc mẹ, của người đang chiến đấu chống bệnh tật, những người bị thất nghiệp hoặc không tìm được công ăn việc làm, những người sống tình trạng bất hoà trong gia đình, những người cô đơn vì tuổi cao, những đau khổ vì cuộc sống, những bất công phải chịu, và cả những người đánh mất ý nghĩa cuộc sống.

Trong Thánh đường, tại buổi canh thức cầu nguyện với sự tham dự của 9.000 tín hữu, có trưng bày cho các tín hữu tôn kính, thánh tích của Đức Mẹ khóc ở thành Siracusa trên đảo Sicilia, nam Italia. Hiện tượng lạ lùng này xảy ra từ ngày 29-8 đến 1-9-1953, khi một pho tượng Đức Mẹ khiết tâm bằng thạch cao để ở đầu giường đôi vợ chồng Angelo Iannuso và Antonina Giusto chảy nước mắt. Bình đựng thánh tích chứa một phần những giọt nước mắt của tượng Đức Mẹ trong dịp ấy.

Trong phần đầu của buổi canh thức, có 3 chứng từ được trình bày xen kẽ với bài thánh ca và một đoạn Sách Thánh. Trước tiên là chứng từ của gia đình Pellegrino có người con trai tự tử, tiếp kiến là ông Felix Qaiser ký giả Công giáo người Pakistan, tị nạn chính trị tại Italia, để giữ an ninh cho gia đình ông; sau cùng là Maurizio Fratamino, cùng với người em song sinh Enzo. Cuộc trở lại của Enzo đã ảnh hưởng mạnh trên cuộc đời của Maurizio: anh này khi còn trẻ, đã sống trong tiện nghi vật chất đầy đủ, nhưng rồi đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Chỉ nhờ niềm tin và nước mắt của người mẹ, cùng với một cuộc gặp gỡ sau đó, anh đã tìm lại được ý nghĩa cuộc đời.

Huấn dụ của ĐTC

Sau bài Tin Mừng về các mối phúc thật, là bài huấn dụ của ĐTC. Ngài đề cao sức mạnh của lời cầu nguyện và tình yêu như phương thế vượt thắng đau khổ.

Sau khi nhắc đến những đau khổ đang đè nặng trên tâm hồn và biểu lộ qua nét mặt của bao nhiêu người, và chính Chúa Giêsu cũng đã từng khóc thương những người thân yêu. 

ĐTC nói:

“Trong những lúc ngỡ ngàng hoang mang, xúc động và khóc thương, trong tâm hồn Chúa Kitô trổi lên lời nguyện dâng lên Chúa Cha. Kinh nguyện là liều thuốc đích thực cho các đau khổ của chúng ta. Trong kinh nguyện, cả chúng ta cũng có thể cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa cạnh chúng ta. Cái nhìn dịu dàng của Chúa an ủi chúng ta, sức mạnh của Lời Ngài nâng đỡ chúng ta, đổ tràn niềm hy vọng trong chúng ta.”

ĐTC cũng nhắc đến sự kiện Chúa Giêsu, nơi mộ ông Lazzaro, đã cầu nguyện và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Chúa vì đã lắng nghe con. Con biết rằng Cha luôn nghe con!” (Ga 11,41-42). 

Chúng ta cần niềm xác tín này: Chúa Cha lắng nghe và đến cứu giúp chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa đổ tràn trong chúng ta, làm cho chúng ta có thể nói rằng khi ta yêu, thì không điều gì và không ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi những chúng ta yêu mến. Thánh Phaolô Tông Đồ, qua những lời an ủi sâu xa, nhắc nhở chúng ta: “Ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Sầu muộn ư, lo âu, bách hại, đói khát, trần trụi, nguy hiểm và gươm giáo ư? […]. Nhưng trong tất cả những điều ấy, chúng ta là người chiến thắng nhờ sức mạnh của Đấng yêu thương chúng ta…” (Rm 8,35.37-39).

ĐTC kết luận: “Sức mạnh của tình yêu biến đổi đau khổ trong niềm xác tín nơi chiến thắng của Chúa Kitô và chiến thắng của chúng ta cùng với Người, trong niềm hy vọng một ngày kia chúng ta lại được liên kết với nhau và chiêm ngưỡng mãi mãi tôn nhân Chúa Ba Ngôi chí thánh, là nguồn mạch vĩnh cửu sự sống và tình yêu.”

Các ý nguyện

Tiếp đến 10 ý nguyện được xướng lên, lần lượt cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại, những người đang gặp nguy tử, bị tra tấn, bị bắt làm nô lệ, bị sử dụng như con vật thí nghiệm y khoa; cầu cho các nạn nhân chiến tranh, khủng bố và bạo lực; các trẻ em bị lạm dụng và các trẻ em bị tước mất tuổi thơ; cầu cho tất cả những người đang chịu đau khổ thể lý vì bệnh nặng, hoặc vì khuyết tật, cũng cho cầu cho gia đình họ; tất cả những người bị cáo gian, những người vô tội, các tù nhân và những người phải chịu bất công; cho những người bỏ rơi và quên lãng, những người xuống tinh thần và tuyệt vọng, lo âu và ngờ vực; những người ở trong tình trạng nghiện ngập; cầu cho các gia đình bị mất con, trước hoặc sau khi sinh, và những gia đình khóc thương người thân yêu qua đời; sau cùng, cộng đoàn cầu cho những người bị chia lìa gia đình và những người thân yêu, những người bị mất gia cư, tổ quốc, công ăn việc làm và mất gia đình vì nhiều lý do.

Sau Kinh Lạy Cha và phép lành kết thúc của ĐTC, nhiều người hiện diện được ĐTC tặng cho một ảnh Chiên Vượt Qua, Agnus Dei, được ngài làm phép và biểu tượng sự an ủi và hy vọng. Ảnh này có hình bầu dục, làm bằng nến trắng một mặt có hình Chiên Phục Sinh và mặt bên kia có huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Thói quen dùng ảnh này có từ thế kỷ 4, và có những bút tích ghi lại từ thế kỷ thứ 9, theo đó vị tổng phó tế của Giáo phận Roma, vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, đập vỡ cây nến Phục Sinh, trộn nến với dầu, rồi đúc thành hình ảnh, để phát cho các tín hữu trong Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh. Từ năm 1470 trở đi, dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, ảnh Chiên Phục Sinh cũng được dùng trong những Năm Thánh,

Có 10 người đại diện cho các tầng lớp tín hữu lên nhận ảnh này từ tay ĐTC, như bà Chủ tịch Hội “Các con cái trên trời”, gồm những người bị mất con nhỏ; hoặc bà Chủ tịch Hội Nạn nhân Tai nạn Giao thông; có những người bị mất chồng trong tai nạn nghề nghiệp, Thầy Phó tế Eugène, từ Ruanda, đã mất nhiều người thân trong cuộc diệt chủng năm 1994; Angelo bị tù vì những tội ác liên hệ đến những tổ chức bất lương; Augustino nạn nhân cờ bạc, và một người từng sống thảm cảnh vô gia cư. Sau cùng, có bà Mariella, đại diện cho những người vợ, người mẹ và bà nội, đã chịu những cảnh đau thương, Nữ tu Silvana, dấn thân trong thế giới học đường, Alessia, một nữ y tá chuyên săn sóc các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời. (SD 6-5-2016)

 
 
 

G. Trần Đức Anh OP