25/12/2024

Lo ngại Yên Tử có thêm cáp treo ​sẽ phá vỡ cảnh quan

Nhiều ý kiến các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh và các chuyên gia không khỏi lo lắng khi Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm đề xuất xây dựng thêm hai tuyến cáp treo tại khu di tích quốc gia đặc biệt, danh thắng Yên Tử.

  

Lo ngại Yên Tử có thêm cáp treo ​sẽ phá vỡ cảnh quan

 

Nhiều ý kiến các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh và các chuyên gia không khỏi lo lắng khi Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm đề xuất xây dựng thêm hai tuyến cáp treo tại khu di tích quốc gia đặc biệt, danh thắng Yên Tử.

 

 

 

 

Lo ngại Yên Tử có thêm cáp treo ​sẽ phá vỡ cảnh quan
Du khách chờ lên cáp treo tại Yên Tử – Ảnh: Đức Hiếu

“Nói chung tôi không ủng hộ làm cáp treo, nhất là với Yên Tử đang trong quá trình làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận

PGS.TS 
Tạ Hòa Phương

Ngày 10-3, Công ty Tùng Lâm có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Xây dựng, UBND TP Uông Bí xin chủ trương “nâng công suất” hai tuyến cáp treo tại Yên Tử và đầu tư xây dựng tuyến cầu treo đoạn từ chùa Hoa Yên đến nhà ga ba cáp treo.

Không nên xây dựng thêm cáp treo

Đề xuất “nâng công suất” hai tuyến cáp treo của Tùng Lâm nhận được nhiều ý kiến của các sở, ngành tại Quảng Ninh. Ngày 28-3, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi Sở Xây dựng Quảng Ninh thẳng thắn chỉ rõ:

“Sau khi nghiên cứu tờ trình của Công ty Tùng Lâm, chúng tôi thấy rằng đây không phải là dự án nâng cấp cáp treo mà thực chất là dự án xây dựng hai tuyến cáp treo mới tại Yên Tử. Việc này sẽ gây ra nhiều hệ luỵ ..”.

Một trong những hệ luỵ của hai tuyến cáp treo mới là sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các yếu tố tâm linh; dẫn đến tình trạng người lên núi quá tải, gây ách tắc, chen lấn, xô đẩy, không có không gian hành lễ.

Việc xây thêm cáp treo còn làm cho người hành hương bỏ qua nhiều am tháp của các tổ, các dấu ấn của thiền phái Trúc Lâm; về mặt tâm linh, việc rút ngắn thời gian hành hương, tuyến đường và địa điểm hành hương không phát huy được hiệu quả của khu di tích và du lịch tâm linh.

“Nên nâng cấp hai tuyến cáp treo hiện có chứ không nên xây dựng hai tuyến cáp treo như tờ trình của dự án” – Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh nêu quan điểm.

Ngày 13-4, Sở Xây dựng Quảng Ninh có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, tổng hợp các ý kiến về đề xuất của Tùng Lâm. Theo đó, Sở Tài nguyên – môi trường đề nghị UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương nâng cấp hai tuyến cáp treo và cầu treo. Sở Xây dựng cũng đề nghị cần phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản vì các vị trí được đề xuất nằm trong khu vực bảo vệ 1 của di tích Yên Tử.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị khi quy hoạch chi tiết cần hạn chế phá vỡ cấu trúc cảnh quan rừng và thực hiện đúng quy định về Luật bảo vệ và phát triển rừng. UBND TP Uông Bí thống nhất chủ trương của Tùng Lâm nhưng yêu cầu lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành, nhà khoa học và các đơn vị có liên quan để đảm bảo cảnh quan môi trường và không ảnh hưởng đến yếu tố tâm linh của khu di tích.

Tuy nhiên bất chấp những ý kiến trái chiều trên, ngày 29-4 UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản thông báo kết luận của chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng ý với đề xuất của Công ty Tùng Lâm.

Phải hết sức thận trọng

Đề xuất xây thêm hai tuyến cáp treo tại khu danh thắng Yên Tử của Tùng Lâm còn vấp phải nhiều ý kiến phản đối, lo ngại của các chuyên gia. PGS.TS Tạ Hòa Phương – chủ nhiệm bộ môn địa chất lịch sử, khoa địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho rằng kể cả khi đang làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới hay khi đã làm hồ sơ xong thì Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt, nên phải hết sức thận trọng khi can 
thiệp vào thiên nhiên.

“Tôi là người phản đối nhiều dự án cáp treo tại VN vì nó can thiệp và phá huỷ cảnh quan thiên nhiên. Nói chung tôi không ủng hộ làm cáp treo, nhất là với Yên Tử đang trong quá trình làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận.

Theo tôi, trước mắt nên tạm dừng kế hoạch này lại, sau đó cần phải tổ chức những hội thảo khoa học nghiêm chỉnh, phân tích cái lợi, cái hại của làm cáp treo. Sau khi có kết luận từ các nhà khoa học, quần chúng thì các cơ quan nhà nước mới nên đưa ra quyết định có làm thêm hai tuyến cáp treo ở Yên Tử hay không” – PGS.TS Tạ Hoà Phương nêu quan điểm.

Còn bà Dương Bích Hạnh, Văn phòng UNESCO tại VN, cũng thẳng thắn nói rằng việc xây dựng thêm hai tuyến cáp treo tại Yên Tử chắc chắn không thuận lợi cho quá trình nộp hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thế giới.

Về khía cạnh văn hoá PGS.TS Trần Lâm Biên – tạp chí Di Sản Văn Hoá – nói: “Tôi không phản đối chuyện cáp treo ở Yên Tử, nhưng làm sao đừng ảnh hưởng đến những người hành hương đi bộ ở Yên Tử bằng lòng thành kính của họ. Không phải họ không có tiền để đi cáp treo, mà họ đi bộ để rèn tâm rèn tính hướng đến những điều thiện, điều tốt lành”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Chí Đức, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Không ai cho phép việc chặt phá rừng diện tích lớn để làm cáp treo. Nếu công ty làm xâm hại đến di tích thì sở sẽ có văn bản báo cáo tỉnh, bộ”.

Ngoài ra, vị lãnh đạo sở này cũng khẳng định tờ trình của Công ty Tùng Lâm mới chỉ là ý kiến ban đầu. Khi nào doanh nghiệp có đề án chính thức thì Sở VH-TT&DL sẽ tham mưu để UBND tỉnh trình các cơ quan trung ương.

“Nâng công suất” hay là xây mới?

Theo tờ trình “nâng công suất” cáp treo của Công ty Tùng Lâm, tuyến cáp treo mới thứ nhất có chiều dài 1,2km, công suất hơn 3.500 người/giờ, được xây dựng phía tây tuyến cáp số một, song song và cách tuyến cũ 20m; tuyến cáp mới thứ hai dài 1km, công suất 3.000 người/giờ, được xây bên phía đông của tuyến cáp số hai, song song và cách tuyến cũ 30m. Để phục vụ hai tuyến cáp treo mới, bốn nhà ga cũ ở phía dưới và phía trên đều phải được mở rộng. Phần mở rộng của mỗi nhà ga từ 200 – 450m2.

Đồng thời, Tùng Lâm kiến nghị sẽ mở đường cho người đi bộ nối giữa ga cũ và ga mới dài khoảng 250m, nối giữa ga mới với đường từ chùa Đồng xuống dài khoảng 200m. Tùng Lâm cũng xin chủ trương xây dựng tuyến cầu treo đoạn từ chùa Hoa Yên đến nhà ga ba cáp treo.

“Công ty Tùng Lâm cam kết sẽ lựa chọn phương án và giải pháp tối ưu phù hợp nhất cho các dự án trên, không chặt những loại cây có ích và tận dụng tối đa không gian phù hợp với cảnh quan xung quanh” – tờ trình viết.

V.V.TUÂN – ĐỨC HIẾU