25/12/2024

Công nhân nhà máy ủng hộ ngư dân

Từ năm 1932-1968, Công ty Chisso đã xả chất thải thủy ngân gây ô nhiễm vịnh Minamata. Các nạn nhân nhiễm bệnh đã đấu tranh ròng rã để quy trách nhiệm cho Chisso và để được thừa nhận đã nhiễm bệnh.

 XẢ THẢI RA BIỂN: THẢM HOẠ VỊNH MINAMATA – KỲ 1:

Công nhân nhà máy ủng hộ ngư dân

 

Từ năm 1932-1968, Công ty Chisso đã xả chất thải thủy ngân gây ô nhiễm vịnh Minamata. Các nạn nhân nhiễm bệnh đã đấu tranh ròng rã để quy trách nhiệm cho Chisso và để được thừa nhận đã nhiễm bệnh.

 

 

 

 

Công nhân nhà máy ủng hộ ngư dân

Thành phố nhỏ ven biển Minamata thuộc tỉnh Kumamoto toạ lạc trên đảo Kyushu, một trong bốn đảo chính của Nhật. Công ty Chisso xây dựng nhà máy hoá dầu nhìn ra vịnh Minamata từ năm 1907. Đến năm 1949 bắt đầu có các mô tả đầu tiên về một căn bệnh lạ (sau này gọi là bệnh Minamata). Người nhiễm bệnh chủ yếu là ngư dân.

Tháng 3-1959, các bác sĩ ở Đại học Kumamoto công bố kết quả nghiên cứu xác định căn bệnh lạ là do thủy ngân từ Nhà máy Chisso thải ra biển. Ban giám đốc nhà máy không thừa nhận kết quả trên và mời Đại học Tokyo phản biện.

Ngư dân nổi giận

Trước thái độ thách thức ấy, các ngư dân cảm thấy như bị nhạo báng. Ngày 17-10-1959, 60 tàu của hợp tác xã đánh cá tỉnh Kumamoto biểu tình trước nhà máy yêu cầu dừng gây ô nhiễm, tẩy rửa vịnh, bồi thường do thất thu cá và hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân. Ban giám đốc nhà máy không chịu tiếp ngư dân. 1.500 ngư dân giận dữ xông vào nhà máy đập phá.

Ngày 2-11-1959, khoảng 1.000 ngư dân lại tiếp tục vào nhà máy đập phá lần nữa. Cảnh sát đến nơi. Va chạm kéo dài gần một tiếng. Khoảng 30-40 ngư dân cùng giám đốc nhà máy, hai nhân viên và 64 cảnh sát bị thương. Hai ngày sau, công đoàn nhà máy (phụ thuộc sự chỉ đạo của ban giám đốc) ra thông báo phản đối hành vi bạo lực của ngư dân và tuyên bố sẵn sàng bảo vệ nhà máy.

Đến tháng 4-1962, ban giám đốc nhà máy thông báo một kế hoạch được gọi là “kế hoạch về mức lương ổn định và hợp lý hóa”. Thế nhưng các công nhân phát hiện kế hoạch này thực chất chỉ nhằm che giấu ý đồ giảm lương và sa thải hàng loạt.

Sau nhiều lần đàm phán không thành, tháng 7-1962, công đoàn thông báo đình công kéo dài. Hôm sau, ban giám đốc chẳng nói chẳng rằng lập ra công đoàn thứ hai. Sau tám tháng đình công, đình công chấm dứt. Đình công thất bại nhưng 50% trong 5.000 công nhân vẫn trung thành với công đoàn ban đầu. Trong thời gian đình công, họ nhận được sự ủng hộ từ 12.000 công nhân thuộc Liên đoàn các công đoàn hoá học (Goka Roren, trực thuộc Tổng liên đoàn Sohyo) từ khắp nước Nhật.

“Tuyên bố xấu hổ” của công nhân

Trong quá trình đình công, công nhân chỉ đưa ra yêu cầu nâng lương bởi như phần lớn người dân Minamata lúc bấy giờ, họ không để ý đến cảnh khốn cùng của ngư dân và người nhiễm bệnh. Đến khi đình công thất bại, họ dần nhận thức được cảnh bất công mà nhà máy đối xử với ngư dân.

Ngày 30-8-1968, các công nhân công bố “tuyên bố xấu hổ” (haji sengen) với nội dung như sau:

60 năm dai dẳng

Ngày 1-5 vừa qua, lễ tưởng nhớ các nạn nhân nhiễm độc thuỷ ngân đã được các gia đình nạn nhân tổ chức tại TP Kumamoto, đánh dấu 60 năm ngày cơ quan y tế địa phương thừa nhận bệnh Minamata liên quan đến ô nhiễm công nghiệp (chính phủ chính thức thừa nhận vào tháng 9-1968).

“Bệnh Minamata đã giết chết hàng chục người, làm nhiều chục người khác tàn phế và hàng chục trẻ sơ sinh dị dạng. Chất thải Nhà máy Chisso là nguyên nhân gây bệnh, từ đầu điều này đã được nói đến.

Hôm nay mọi người đều biết điều đó, không chỉ tại Minamata mà trên toàn nước Nhật. Và chúng tôi đã làm gì để đấu tranh cho bệnh Minamata? Chúng tôi đã không làm gì hết.

Trong sáu năm từ khi đình công phản đối lương, chúng tôi đã đấu tranh kiên cường để phản đối công ty o ép công nhân.

Kinh nghiệm này đã dạy cho chúng tôi rằng đấu tranh sẽ không kết thúc ở bên trong nhà máy mà bằng sự giúp đỡ của các công nhân trên toàn quốc và các công dân. Nhưng trong lúc này, cuộc đấu tranh đè nặng trên vai chúng tôi. Vậy tại sao chúng tôi không đấu tranh cho bệnh Minamata? Chúng tôi đã biết đấu tranh trên thực tế, dù vậy chúng tôi đã không làm gì hết để đấu tranh cho bệnh Minamata.

Với tư cách con người, với tư cách công nhân, đây thật sự là điều xấu hổ đối với chúng tôi. Chúng tôi phải suy nghĩ về điều đó và tận trong tâm can cảm thấy hối tiếc điều đó. Ban giám đốc đã đối xử với các công nhân như đối xử với bệnh Minamata. Cuộc đấu tranh cho bệnh Minamata sẽ là cuộc đấu tranh của chúng tôi.

Cho đến hôm nay, ban giám đốc luôn từ chối nhìn nhận chất thải nhà máy là nguyên nhân gây bệnh và họ đã ém hết hồ sơ. Chúng tôi quyết định hi sinh mọi sức lực để đấu tranh cho bệnh Minamata đến khi ban giám đốc thừa nhận trách nhiệm”.

Công nhân nhà máy ủng hộ ngư dân
Lễ tưởng nhớ các nạn nhân mắc bệnh Minamata ở Kumamoto ngày 1-5 vừa qua – Ảnh: Japan Times

Sốc vì giá bồi thường

Gần 400 công nhân ủng hộ công đoàn ban đầu đã có mặt nghe “tuyên bố xấu hổ” có một không hai ở Nhật. Trước đó, hôm 29-8-1968, họ đã ngăn cản ban giám đốc đưa 100 tấn chất thải thuỷ ngân xuống tàu xuất khẩu sang Triều Tiên. Hành động này cùng với “tuyên bố xấu hổ” đã gây tiếng vang trên toàn quốc và gây ấn tượng mạnh đối với các ngư dân.

Tháng 4-1969, những người mắc bệnh Minamata đã phân hoá thành hai nhóm gồm nhóm chấp thuận để Bộ Y tế làm trọng tài phân xử bồi thường (gọi là nhóm ủng hộ trọng tài) và nhóm muốn trực tiếp kiện ban giám đốc Nhà máy Chisso ra toà (gọi là nhóm ủng hộ kiện).

Tháng 6-1969, nhóm ủng hộ kiện gồm 112 người và 28 gia đình đã đệ đơn kiện lên Toà án TP Kumamoto. Hậu thuẫn cho nhóm này có Hội Tố cáo những người chịu trách nhiệm bệnh Minamata (Kokuhatsu suru kai) và Hội Phản đối chiến tranh Việt Nam (Beheiren). Kokuhatsu suru kai vừa được thành lập quy tụ nhiều trí thức ủng hộ phong trào đấu tranh của sinh viên.

Các tổ chức này sẽ tập hợp các trí thức và luật gia giữ vai trò quyết định trong việc chứng minh trách nhiệm của Công ty Chisso về thảm hoạ môi trường ở Minamata. Công đoàn ban đầu ở Nhà máy Chisso ủng hộ cả hai nhóm.

Ngày 5-3-1970, Bộ Y tế thông báo cho nhóm ủng hộ trọng tài về kết quả thương lượng với Nhà máy Chisso. Nhà máy chấp thuận bồi thường mỗi gia đình người chết 2 triệu yen (5.600 USD) và mỗi nạn nhân nhiễm bệnh còn sống 140.000-200.000 yen (từ 392-560 USD). Những người nhiễm bệnh Minamata và báo chí nghe thông báo kết quả đền bù đều bị sốc.

13.000 người đã được công nhận nhiễm bệnh

Năm 1907, Công ty Chisso lập nhà máy hoá dầu ở Minamata. Nhà máy sử dụng oxit thuỷ ngân làm chất xúc tác để tổng hợp hoạt chất acetaldehyde. Từ năm 1932-1968, nhà máy đã xả chất thải kim loại nặng ra biển, trong đó có methyl thủy ngân. Người ăn hải sản tích tụ methyl thuỷ ngân đã bị chất độc tấn công cơ quan thần kinh trung ương làm suy giảm chức năng vận động. Nhiều bà mẹ không bộc lộ triệu chứng bệnh vẫn sinh con dị tật, chết sớm…

Từ năm 1949-1965 có gần 900 người chết do ăn cá. Đến nay, Công ty Chisso và các cơ quan nhà nước đã công nhận hơn 13.000 người nhiễm bệnh, tuy nhiên còn gần 25.000 người chờ được công nhận.

______________

 

HOÀNG DUY