23/12/2024

Hương dầu khuynh diệp bác sĩ Tín gắn liền tuổi thơ bao thế hệ

Bằng một công thức đặc biệt đầy hiệu nghiệm, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín trở thành một biểu tượng xuyên suốt nhiều năm liền, gắn bó với bao thế hệ.

 
Hương dầu khuynh diệp bác sĩ Tín gắn liền tuổi thơ bao thế hệ
 
 
 
Bằng một công thức đặc biệt đầy hiệu nghiệm, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín trở thành một biểu tượng xuyên suốt nhiều năm liền, gắn bó với bao thế hệ.






Bác sĩ Bùi Kiến Tín  /// Ảnh: T.L

Bác sĩ Bùi Kiến Tín Ảnh: T.L


Khi nghiên cứu tài liệu tù nhân kháng chiến nội thành bị giam trong nhà tù Chí Hòa, tôi được đọc lại một đoạn thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi gửi cho chị Phan Thị Quyên:
“Chí Hoà, ngày 11.10.1964
Quyên em!
Anh gửi đôi lời về thăm em, mong em ở nhà được khoẻ mạnh, thì nơi đây anh rất vui mừng.
Riêng về phần anh sức khoẻ hơi kém. Mấy hôm rày anh hay nhức đầu. Anh cần dùng hai món thuốc Qlutaminol và Calcium Corbiere, một bình dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, vài đồng tăm xỉa răng, em mua cho rồi đến 15 này em đem vào cho anh hay gửi bằng đường bưu điện cũng được”.
Đọc đoạn thư này tôi chợt sống lại với mùi hương của một loại dầu tưởng chừng như đã quên đi theo năm tháng. Bức thư cho ta biết tình trạng sức khỏe của anh và dùng một phương cách trị bệnh rất phổ thông của người Việt lúc bấy giờ là dùng dầu khuynh diệp Bác sĩ (BS) Tín.
Tôi cũng đã ở Chí Hòa năm 1971 và tôi biết nhu cầu cần thiết của một người tù khi bị bệnh. Một loại dầu trong xức ngoài thoa, đau đâu xức đó. “Thương người đi em tặng chai dầu/khi mà cảm mạo anh thời xức vô”.
Dầu khuynh diệp BS Tín là một loại dầu màu xanh – sau này một số họa sĩ thường gọi là màu xanh khuynh diệp – đựng trong những chai nhỏ từ 5cc đến 100cc như trong một trích đoạn truyện ngắn: “Trước giờ chuyến xe đò Phi Long chuyển bánh đưa cậu con trai lên Sài Gòn trọ học, một bà má miền Nam, móc túi lấy ra một chai dầu tròn tròn, màu xanh lá cây đậm đang xài còn khoảng 2/3 đưa cho thằng con nói: “Con cất chai dầu khuynh diệp, phòng khi trái gió trở trời…”.
Dầu khuynh diệp BS Tín ra đời khoảng cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, sau khi BS Bùi Kiến Tín chuyển nhà thuốc Đông Dược vào Sài Gòn thành lập nhà thuốc BS Tín, bào chế ra loại dầu gió có thương hiệu cùng tên. Ông sinh năm 1912 tại làng Bảo An, Điện Bàn (Quảng Nam) nhờ vậy lúc nhỏ ông biết được người dân quê ông hay dùng dầu tràm nấu từ lá chổi (chuổi). Sau khi tốt nghiệp y khoa tại Đại học Paris (1942), ông về nước và bắt đầu sản xuất loại dầu này và mua bản quyền dầu khuynh diệp của ông Viễn Đệ ở Huế.
Hương dầu khuynh diệp bác sĩ Tín gắn liền tuổi thơ bao thế hệ - ảnh 1

Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín

Công thức đặc biệt
Loại dầu gió này được BS Tín bào chế có công thức đặc biệt riêng của nó bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu… và không thể thiếu tinh dầu khuynh diệp. Tinh dầu tràm, bạc hà, hay hương nhu… thì nước ta có thể trồng và chưng cất được, nhưng tinh dầu khuynh diệp với tinh chất Eucalyptol (lấy từ cây hồng tràm, tên khoa học là Eucalyptus) nhập từ Bồ Đào Nha thì chưa có ở VN. Mùi dầu khuynh diệp, đôi lúc, cũng là một đặc điểm của mùi hương… sinh nở như trong một truyện ngắn khác nói về nỗi khổ vượt cạn của phụ nữ, hai cô gái nói với nhau: “Bộ mầy mới thăm con Tú nằm bảo sanh viện hả?”. “Sao mầy biết”. “Người mầy toàn mùi dầu khuynh diệp – dầu của đàn bà đẻ”. Gần như lúc ấy phụ nữ sinh nở thường xức dầu khuynh diệp cho mình và đứa trẻ sơ sinh nữa.
Có lẽ, nhận thấy nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sẽ đẩy giá thành chai dầu gió lên cao nên vào năm 1954 ông đã cho trồng cây khuynh diệp tại Đồi Viễn rộng 30 mẫu (nay là Đài tưởng niệm các vua Hùng, Q.9, TP.HCM). Theo ông Năm Quang (người nhân viên lưu dụng tại Đồi Viễn sau năm 1975) và ông Hai Biền (người quản lý trang trại 181 và 183 trước năm 1975), ngoài Đồi Viễn, BS Bùi Kiến Tín còn có hai trang trại lớn khác cũng ươm trồng khuynh diệp và cũng nằm trên con đường Sài Gòn – Đà Lạt. Hai trang trại này nằm ở cây số 181 và cây số 183, thuộc xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Khu trang trại khuynh diệp ở cây số 183 có diện tích khoảng ba mươi mẫu, cư dân quanh vùng thường gọi là “đồi mimosa”. Lý do vì cây khuynh diệp do BS Tín mang giống từ nước ngoài về trồng khi lớn lên có màu lá xanh nhạt lóng lánh, nhất là khi nắng mới lên mà sương cao nguyên chưa kịp tan, nên cư dân vùng này thường tưởng lầm đó là cây mimosa của vùng Đà Lạt. Còn trang trại nằm tại cây số 181 có diện tích khoảng mười mẫu, có một biệt thự khoảng 200 m2 xây toàn bằng đá tảng granite theo kiểu Pháp, cư dân ở đây gọi đó là “khu nhà đá”. Khi cây khuynh diệp ở 181 chết dần chết mòn thì cây mít lại mọc rất mạnh ở khu trang trại này, do đó sau này người ta còn gọi nó là “vườn mít 181” nữa.
Bác sĩ kiêm nhà kinh tế
BS Bùi Kiến Tín không chỉ là người bào chế dược phẩm mà ông còn là nhà kinh tế với những dự án lớn khác, vì vậy khi đi vào thương trường, dù sản phẩm rất nổi tiếng nhưng công ty cũng biết áp dụng những chiêu thức quảng cáo như “mua dầu khuynh diệp BS Tín trúng xe Austin” và quảng cáo trên xe điện (sau nầy là đường xe lửa) dọc tuyến đường rầy Sài Gòn – Chợ Lớn. Thời gian này, mỗi năm dầu khuynh diệp BS Tín bán ra thị trường trên 25 triệu chai lớn nhỏ. Ông không theo phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” mà biết dùng mọi cách để đưa hình ảnh và mùi hương của dầu khuynh diệp đến với người tiêu dùng. Tất nhiên chất lượng và giá cả vẫn là ưu tiên số một trong sự cạnh tranh với các loại dầu lúc đó như Nhị Thiên Đường của một doanh nhân người Hoa, dầu cù là Macphsu của Miến Điện…
Dầu khuynh diệp BS Tín – lúc ấy là một thương hiệu “dầu gió” nổi tiếng đến nỗi nó đã trở thành danh từ chung khi chỉ dầu dùng để xức lúc nhức đầu đau bụng. “Khi nhức răng chỉ cần chấm gòn nhét vào kẽ răng là con sâu răng nó chết” như lời những người bán thuốc kèm ảo thuật lề đường quảng cáo một loại dầu gần như trị bá bệnh (?).
Hiện nay một số xí nghiệp dược phẩm VN đã dùng công thức của ông để tái sản xuất dầu khuynh diệp BS Tín – một chai dầu đã đi theo cùng thế hệ chúng tôi mà biết đâu ít nhiều người trong chúng ta từ lúc lọt lòng đã ngửi được mùi hương…!
Truyền cảm hứng đến đời con cháu
Thêm điều đáng quý nữa, từ nguồn cảm hứng đó, BS Tín còn truyền lại cho con cái mình. Sự thành công của tiến sĩ tài chính Bùi Kiến Thành, một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản ở Mỹ và từng nhận giải thưởng “Vinh danh nước Việt”, tâm sự: “Ba tôi cũng là người dẫn dắt tôi trên con đường học vấn và nâng đỡ tinh thần tôi những lúc gian nan trên đường đời. Đó là hạnh phúc mà trời ban tặng”.
Em trai ông Thành cũng nổi tiếng không kém, là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng hoà Pháp, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Ông Quốc về nước tham gia đầu tư các cơ sở du lịch ở Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam); và nhiều năm liền thực hiện dự án bảo vệ làng quê Việt, phát triển du lịch sinh thái… Có thể nói, tinh thần “mình vì mọi người” có được là do họ thừa hưởng được từ giáo dục, tấm lòng của người cha luôn nặng lòng với quê hương.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa