23/12/2024

Găng tay thông minh

Không chỉ có chức năng dò đường mà đôi găng tay thông minh của cậu học trò Lê Ngô Duy Phong còn có thể hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy tính và đàm thoại như một chiếc điện thoại di động.

 

Găng tay thông minh

Không chỉ có chức năng dò đường mà đôi găng tay thông minh của cậu học trò Lê Ngô Duy Phong còn có thể hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy tính và đàm thoại như một chiếc điện thoại di động.





Lê Ngô Duy Phong và đôi găng tay thông minh  /// Ảnh: Tuyết Khoa

 

Lê Ngô Duy Phong và đôi găng tay thông minh Ảnh: Tuyết Khoa


Hằng ngày tiếp xúc với người hàng xóm bị khiếm thị, cậu học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Bài, TX.Hương Thuỷ, Thừa Thiên-Huế Lê Ngô Duy Phong đã nảy ra ý tưởng làm đôi găng tay thông minh với nhiều chức năng hỗ trợ người khiếm thị trong cuộc sống.
Đôi găng tay có 2 phần gồm chiếc trái và chiếc phải có các chức năng khác nhau. Chiếc găng tay bên trái tích hợp như một chiếc điện thoại di động. Trên các lóng tay có các phím gồm những chữ nổi Braille. Trên lóng tay giữa có gắn một chiếc loa. Trong lòng bàn tay có một chiếc mic. Với hệ thống này, người khiếm thị có thể nghe và gọi điện thoại dễ dàng.
Găng tay bên phải đóng vai trò là một bảng điều khiển máy tính từ xa và một chiếc gậy dò đường thông minh. Trên mu bàn tay lắp bộ cảm biến siêu âm nhằm xác định được vật cản phía trước hỗ trợ người khiếm thị di chuyển. Nếu phát hiện vật cản trong phạm vi cách 1 m, hệ thống sẽ rung và kêu báo động cho người khiếm thị biết. Tùy vào từng khoảng cách thì cường độ còi và rung sẽ khác nhau, giúp cho người khiếm thị hình dung được khoảng cách từ cơ thể đến vật cản đằng trước.
Ở găng tay phải, với sự kết hợp và tương tác qua lại giữa phần cứng và phần mềm, nó sẽ đóng vai trò là một thiết bị điều khiển các chức năng như nghe nhạc, nghe truyện, nghe báo, tin tức… trên máy tính. Để làm được điều này, trên các lóng tay được bố trí hệ thống bàn phím được phát triển dựa trên bảng chữ nổi Braille. Mỗi phím có những chức năng nhất định. Khi người khiếm thị ấn vào bàn phím, chức năng này sẽ phát đi không dây bằng sóng điện từ đến máy tính. Trên máy tính, một phần mềm sẽ kiểm tra liên tục đầu vào, nếu nhận được một trong các lệnh từ người khiếm thị, phần mềm sẽ điều khiển máy tính và thực hiện các chức năng nhờ dữ liệu được lấy từ đám mây điện toán và phát ra ngoài.
Găng tay thông minh - ảnh 1

Đôi găng tay có 2 phần gồm chiếc trái và chiếc phải có các chức năng khác nhau – Ảnh: Tuyết Khoa

“Sản phẩm này em muốn tối ưu nhiều chức năng nhất có thể trên một đôi găng tay nhỏ nhắn. Để hoàn thành đôi găng tay này mất khoảng 800.000 đồng nhưng nếu sản xuất đại trà thì giá thành sẽ ít hơn rất nhiều. Hy vọng, sản phẩm này sẽ được đi vào ứng dụng thực tế”, Duy Phong nói.
Sản phẩm đôi găng tay thông minh của Duy Phong vừa đạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên-Huế năm học 2015 – 2016. Với đam mê nghiên cứu, Duy Phong còn có nhiều đề tài đoạt giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho học sinh cấp tỉnh và quốc gia như hệ thống báo cháy tự động qua internet, hệ thống hỗ trợ thi Đường lên đỉnh Olympia, Pischool – mạng xã hội trường học, từ điển thuật ngữ địa lý…
Ông Hoàng Minh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, cho biết: “Duy Phong không chỉ là học sinh giỏi nhiều năm liền mà còn hăng hái trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đã đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh và toàn quốc. Sản phẩm gần đây nhất của em là găng tay thông minh, công cụ để hỗ trợ người khiếm thị trong cuộc sống thường ngày”.

 

Tuyết Khoa