Nông Thị của chàng trai trẻ
75% rau trong một tháng cho gia đình nhỏ (hai vợ chồng có một con) có thể được cung cấp từ dự án Nông Thị của chàng trai trẻ chỉ với hai điều kiện: có 10m2 diện tích trống có nắng trực tiếp và mức phí từ 394.000 đồng.
Nông Thị của chàng trai trẻ
75% rau trong một tháng cho gia đình nhỏ (hai vợ chồng có một con) có thể được cung cấp từ dự án Nông Thị của chàng trai trẻ chỉ với hai điều kiện: có 10m2 diện tích trống có nắng trực tiếp và mức phí từ 394.000 đồng.
Võ Tòng Khuê chăm sóc vườn cho khách hàng ở Bình Quới (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: Diệu Nguyễn |
Nông Thị phát triển theo hướng nông nghiệp tự nhiên, không sử dụng hóa chất trong trồng trọt và cung cấp vườn rau đến cho khách hàng tại đô thị. Đó cũng là ấp ủ của chàng trai 26 tuổi Võ Tòng Khuê cho ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Từ vườn rau cá thể
Chúng tôi ghé thăm nhà chị Nguyễn Đức Hạnh (Q.Gò Vấp, TP.HCM), một hộ tham gia dự án Nông Thị. Nhà chị có diện tích bancông lầu 2 đến 25m2 nhưng không có nắng. Khi làm “Nông Thị”, chị Hạnh linh động mở dàn mái tôn để đón nắng, gắn mái kéo để tiện nếu có trời mưa.
Chị hào hứng: “Từ ngày quan tâm đến thực phẩm sạch, tôi loay hoay tự trồng rau tại nhà nhưng rất ít, không đủ dùng cho các bữa ăn của gia đình nhỏ có hai con. Mua rau tại cửa hàng rau sạch cũng chỉ một phần cho các con, vì giá khá cao. Ban đầu gia đình chọn gói 394.000 đồng/tháng, tương đương 13.000 đồng tiền rau/ngày, rất rẻ mà lại yên tâm rau được kiểm soát”.
Nhưng không phải điều gì cũng lý tưởng. Đã sử dụng rau của Nông Thị hơn một năm nay, chị Trần Bích Kim Loan (Q.3) chia sẻ: “Tôi mất khá nhiều thời gian để chăm sóc tháp rau đặt trên sân thượng chung cư, khi chăm sóc kỹ thì rau tươi tốt, khi không có thời gian thì rau lụi dần nên rau cung cấp cho hai vợ chồng không ổn định. Sắp tới tôi đăng ký Nông Thị chuyển đổi dịch vụ chăm sóc trọn gói sẽ tiện lợi hơn”.
“Ban đầu mình chỉ thực hiện đến công đoạn thi công thôi, sau khoảng sáu tháng có khách không có thời gian chăm sóc nên vườn dần xuống sắc, khách cũng nản mà mình cũng mất thời gian hơn để phục hồi. Từ đó mình nghĩ thêm khâu bảo dưỡng vườn luôn tươi, rau đa dạng hơn mà còn được thay rau mới, khách hài lòng và mình cũng vui” – Khuê chia sẻ.
Khuê cho biết khi người dùng quen với việc sử dụng rau sạch sẽ phân biệt được rau nào không đúng chất lượng, rau để được lâu hơn, nhiều vi chất hơn… Quy trình thực hiện vườn tại nhà không chỉ tiếp nhận yêu cầu, khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành mà còn bảo dưỡng. Mỗi tháng Nông Thị sẽ đến thay cây con và dinh dưỡng cho gia chủ để vườn luôn tươi và rau được luân phiên.
Đến vườn rau cộng đồng
“Ý tưởng của tôi không lạ, cũng không gọi là mới, mà phù hợp với giai đoạn hiện tại. Khi không khí ngày càng ô nhiễm, thực phẩm ngày càng khó kiểm soát và hầu như phải dựa vào niềm tin là chính, tốc độ đô thị hoá gia tăng nhanh chóng đẩy lùi các khoảng xanh trong thành phố” – Khuê chia sẻ về mục tiêu lâu dài của mình là đô thị được phủ xanh qua những vườn rau cộng đồng.
Tự nhận mình cũng là một “con gà công nghiệp”, là đứa con của đô thị, ra trường với tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh (ĐH Hoa Sen) rồi đi làm với 3-4 bữa cơm bên ngoài nhưng “Tôi cảm thấy mình không kiểm soát được những thứ đang ăn mặc dù nhan nhản thông tin thực phẩm bẩn. Thế nên tôi chọn việc xây dựng những khu vườn và kêu gọi mọi người cùng duy trì, trồng trọt và phát triển lên” – Khuê nói.
Từ khu vườn dành cho từng hộ gia đình, Khuê đang nghĩ đến chuyện cho ra đời khu vườn cộng đồng hay còn gọi là vườn cổ đông vào tháng 6 này. Tại đây, nhiều gia đình cùng góp chi phí hoặc công sức vào khu vườn và nhiều gia đình cùng trồng rau quả để ăn, trao đổi với nhau.
Nhóm của Khuê sẽ lo việc cung cấp giải pháp rau quả cho các hộ gia đình, thi công và chăm sóc vườn, từ đó quy ra mức chi phí mỗi gia đình phải trả một tháng. Có hai dạng vườn: một là chuyên về trồng rau quả để ăn, hai là vườn trồng đơn giản nhưng kết hợp các hoạt động cho gia đình.
Đến đó, ngoài trồng trọt còn có khu riêng để đàn ông có thể làm mộc, phụ nữ nấu nướng bằng các nguyên liệu hái từ vườn, con cái được học trồng trọt.
“Đây còn là nơi để mọi người đến trao đổi kinh nghiệm làm nông tại đô thị. Ngoài vườn mẫu đang làm ở Bình Quới (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), sắp tới các nhóm gia đình có thể sử dụng dịch vụ này khi họ cùng liên kết để có những mảnh đất trống được tận dụng như khoảng sân chung ở các căn hộ, đất trống sở hữu riêng của các gia đình chưa có mục đích sử dụng trong ngắn hạn” – Khuê chia sẻ thêm về dự án đang hình thành.
Khi mọi người cùng tham gia, họ chỉ chi trả phí chăm sóc cho khu vườn của mình. Nhưng giá trị nhận lại ngoài sự liên kết các thành viên giữa các hộ gia đình, họ còn được sử dụng rau thuận tự nhiên, mùa nào thức nấy. “Đây là hình thức trồng và sử dụng rau an toàn trong thời buổi ra đường là gặp ngộ độc thực phẩm như hiện nay. Hơn nữa, trồng và chăm sóc khá đơn giản, chỉ phụ thuộc vào “tính kỷ luật bản thân” để cam kết với chính sức khoẻ của mình và mọi người là đủ” – Khuê cho biết.
Anh Bùi Việt Hà, giám đốc Công ty Sống Xanh, cho biết: “Vườn cộng đồng là mô hình mọi người cùng chung tay quản lý và khai thác. Khuê ở vai trò nhân rộng vườn nhiều nơi. Xét về mặt cộng đồng và môi sinh rất có giá trị tuy về mặt kinh tế còn hạn chế”. XanhShop là nơi Khuê tìm thấy con đường khởi nghiệp của mình khi chấp nhận trải qua các công việc kiểm hàng, giao nhận hàng hoá, xuống nhà vườn để tìm hiểu vấn đề và tìm giải pháp cho nông dân. Chị Mai Thị Thu Hằng, giám đốc XanhShop, nhận xét ở Khuê có hai điều: có ý tưởng và thực hiện, bằng lòng với thứ mình có. Điều này cần ở một người trẻ muốn khởi nghiệp cộng đồng, thực tế chứ không viển vông. Bởi làm giàu từ Nông Thị chắc chắn là không nhưng giàu về giá trị sống, kinh nghiệm, kiến thức… rất nhiều. |