Nhiều chuyên gia, nhà khoa học không đồng tình với thông báo về nguyên nhân cá chết của Bộ TN-MT. Có ý kiến cho rằng, Uỷ ban Khoa học nhà nước phải vào cuộc mới có thể đưa ra kết luận thuyết phục.
Nguyên nhân cá chết chưa thuyết phục
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học không đồng tình với thông báo về nguyên nhân cá chết của Bộ TN-MT. Có ý kiến cho rằng, Uỷ ban Khoa học nhà nước phải vào cuộc mới có thể đưa ra kết luận thuyết phục.
Sau hơn 20 ngày kể từ khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, cuộc họp báo đầu tiên tổ chức hôm qua của Bộ TN-MT thực sự gây bức xúc cho dư luận.
Gần nửa ngày chờ đợi trong tâm trạng mệt mỏi, hàng trăm phóng viên bày tỏ sự thất vọng khi cuộc họp báo diễn ra chóng vánh khoảng 15 phút để thông tin về nguyên nhân cá chết, kể từ lúc ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT bước vào hội trường tuyên bố cuộc họp bắt đầu lúc 19 giờ 50.
Hôm qua (27.4), ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng Đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh, cho biết ông đã bị Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp (FHS) buộc thôi việc. Về lý do bị buộc thôi việc, ông Phàm cho biết là vì những phát ngôn không đúng đắn của mình trong sáng 25.4, gây bức xúc cho người dân VN.
Nguyên Dũng
Do độc tố hay thuỷ triều đỏ?
Ông Nhân cho biết, cuộc họp liên Bộ ngày 27.4 có Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành có liên quan, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước, GS-TS Yashuwo Fukuyo, Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản) là cuộc họp đầu tiên giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý ở T.Ư và địa phương về vấn đề này. Cuộc họp đã thống nhất loại bỏ nhiều nguyên nhân để tập trung nghiên cứu theo hai hướng chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trong những ngày qua. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thuỷ triều đỏ. Đồng thời, ông Nhân cũng khẳng định: “Đến nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt. Qua số liệu quan trắc và đánh giá của cả các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định”.
Gần 200 phóng viên trong và ngoài nước tham dự họp báo tại Bộ TN-MT Ảnh: Ngọc Thắng
Theo thông báo, họp báo sẽ diễn ra lúc 19 giờ. Vấn đề được phóng viên quan tâm là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt? Đường ống xả thải của Formosa có liên quan đến hiện tượng này không?
Lúc 20 giờ 6 phút, khi vừa đọc xong văn bản, ông Nhân nhanh chóng rời khỏi phòng họp trong sự ngỡ ngàng của phóng viên vì không có phần trao đổi, giải đáp câu hỏi từ báo chí như một cuộc họp báo thông thường.
Cầu thủ Công Vinh và Văn Hoàn bị ngộ độc cá biển
Cầu thủ Công Vinh của đội Bình Dương vừa chia sẻ, sáng 27.4 tập luyện xong cả đội về khách sạn ăn trưa có món cá chim biển khá ngon ở Đà Nẵng. Nhưng khi đưa đũa gắp lên miệng thì thấy có mùi hôi. Nhiều cầu thủ không ăn. Vinh cũng chỉ ăn một ít rồi thôi ngay. Thế nhưng khi trở về phòng khoảng 30, 40 phút sau Vinh bị nôn ra một ít, đầu óc choáng váng, lợm lợm ở cổ họng. Âu Văn Hoàn ăn nhiều hơn nên bị nặng hơn. Khoảng 18 giờ cùng ngày, HLV Nguyễn Thanh Sơn của Bình Dương cho hay: “Khá may là sức khoẻ của Vinh và Hoàn không bị ảnh hưởng nhiều. Họ tập được buổi chiều 27.4 rồi. Nhưng thực đơn của đội sẽ phải điều chỉnh. Chúng tôi sẽ tạm không ăn cá biển nữa mà chỉ đặt ăn cá đồng thôi cho lành”.
Lan Phương
Chưa thuyết phục
TS Lê Phát Quới, Viện Tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia TP.HCM, đã cười ồ lên trong điện thoại khi nghe chúng tôi đọc kết luận về hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung mà Bộ TN-MT vừa công bố. Ông nói ngay: “Bộ nói chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định, vậy tại sao cá chết? Còn nếu đạt chuẩn thì tại sao cá lại chết? Sự việc đã xảy ra nhiều ngày rồi, nếu Bộ nói như vậy thì hãy công bố các số liệu cụ thể để thuyết phục hơn chứ nói khơi khơi như vậy không thuyết phục. Ở Huế người ta đã chỉ ra được chất Crom và nhiều chỉ tiêu kim loại nặng khác vượt chuẩn rồi mà giờ Bộ lại nói không vượt là sao? Còn nếu là thủy triều đỏ thì phát hiện được rồi vì thuỷ triều đỏ hiện tượng không phải xảy ra như thế này mà ảnh hưởng trên một vùng rộng lớn hơn rất nhiều”. TS Lê Phát Quới khẳng định: “Cái này phần lớn là ngộ độc bằng kim loại nặng. Người ta đo về chất lượng một số chỉ tiêu như BOD, COD, pH, EC đạm, lân… như vậy là chưa đủ. Các loại kim loại nặng chỉ cần vượt vài gram trong một triệu lít nước thôi thì cũng đủ làm cá chết rồi”.
GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nói thẳng: “Bộ TN-MT là cơ quan chức năng được nhà nước giao nhiệm vụ nhưng kết luận như vậy là không hợp logic diễn biến của vụ việc. Nếu nhìn vào diễn biến của sự việc, ban đầu cá chết ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), sau đó đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… nhưng tại sao Nghệ An lại không bị? Hay ngược lại là cá không chết từ Huế ngược ra Hà Tĩnh? Vì ở đó có một dòng hải lưu ngầm chảy theo hướng bắc – nam. Có một số nhà khoa học đã phân tích mẫu và thấy rằng cá chết là do chất Crom và một số loại kim loại nặng khác. Bộ cũng nêu nguyên nhân con người. Vậy phải điều tra xem cá chết là do chất gì và chất đó đơn vị nào sử dụng, sử dụng ra sao? Còn hiện tượng này chưa xác định được có liên quan đến Formosa hay không thì tôi nghĩ là Uỷ ban Khoa học nhà nước phải vào cuộc mới có thể đưa ra kết luận thuyết phục được”.
TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường nhận xét 2 nhóm nguyên nhân mà Bộ đưa ra là thiếu thuyết phục. Trong khi đó, hoá chất làm vệ sinh đường ống là hỗn hợp của nhiều loại hoá chất, trong đó đáng chú ý là amoniac, nitrit, a xít hữu cơ (formic, citric). Sau súc rửa nước thải, nhiều a xít, sắt (vô cơ, phức chất) làm giảm pH và làm cạn kiệt nguồn ô xy trong nước cộng với tác động của độc tố amoniac, nitrit là nguyên nhân chính. Nước súc rửa là loại nước thải đặc thù, hệ thống xử lý nước thải thông dụng hay của ngành luyện thép rất khó xử lý nó do chứa nhiều chất khó phân huỷ và với nồng độ rất cao. “Suy cho cùng lỗi lớn nhất là giám sát để thi hành quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) còn nhiều lỗ hổng. Báo cáo ĐTM nếu làm nghiêm túc sẽ chỉ rõ các đầu vào, đầu ra kể cả chất độc, chất thải dạng khí, nước và rắn. Cho nên nếu có sự cố, mở ĐTM, đối chiếu với thực tế sẽ không bị mù tịt như những ngày qua” – ông Trường nói.
Chưa biết khi nào tìm ra nguyên nhân
Kết thúc cuộc họp báo, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại phòng làm việc.
* Thưa ông, trong 2 nhóm nguyên nhân thì nhóm thứ nhất nói có thể do độc tố thải ra từ hoạt động của con người, vậy cụ thể độc tố là gì? Có độc tố nào trùng với hơn 40 loại hoá chất mà Formosa được phép nhập khẩu vào VN để súc rửa đường ống không ?
– Chúng tôi chưa phát hiện ra.
* Trong thông cáo báo chí phát ra tối 27.4, Bộ TN-MT có nói, đến thời điểm này chưa có bằng chứng kết luận về mối quan hệ giữa việc xả thải của Formosa và hiện tượng cá chết. Khi công bố như vậy, Bộ đã lường trước các phản biện?
– Tôi xin khẳng định, về mặt pháp luật, họ vẫn hoạt động đúng theo pháp luật nước ta. Về mặt xả ra môi trường, liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, đến nay chưa đủ căn cứ để kết luận. Cũng biết rằng, thông tin đưa ra như vậy chưa đủ sức thuyết phục nhưng vì nguyên nhân chưa xác định được do yếu tố gì. Chúng tôi cũng muốn trấn an người dân lắm nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thực sự nên không thể kết luận. Để xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt, có biện pháp phòng ngừa lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu theo hai hướng nguyên nhân nêu trên.
* Vậy thì lúc nào mới có thể công bố nguyên nhân cá chết, thưa ông?
– Chúng tôi đang dùng những biện pháp khẩn trương nhất, tốt nhất, huy động toàn bộ lực lượng có thể để tập trung nghiên cứu. Việc sớm công bố nguyên nhân hay không còn phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu. Có những trường hợp sẽ kéo dài nhiều năm. Về mặt khoa học, chưa biết khi nào mới công bố được. Sắp tới, Bộ TN-MT sẽ có những đoàn kiểm tra đến từng cơ sở sản xuất ở ven biển, đặc biệt chú ý đến các hoạt động xả thải. Tôi cho rằng, các địa phương cũng cần tiến hành kiểm tra song song. Chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo người dân phải xử lý cá chết để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt là không dùng cá chết làm thức ăn cho người, gia súc. Đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, cần xử lý môi trường ao nuôi và chờ đến khi cơ quan chức năng khuyến cáo có thể nuôi trồng trở lại.
* Ông có thể cho biết kết quả phân tích mẫu nước và mẫu cá của Bộ?
– Cái này nói ra phải có căn cứ giấy tờ cụ thể, rất dài, rất nhiều thông số.