Chiến thắng bệnh lao xương để đến Olympic
18 tuổi, Phạm Phước Hưng được chẩn đoán mắc bệnh lao xương cột sống nặng phải chia tay thể dục dụng cụ nếu không muốn bị liệt. Nhưng với nghị lực phi thường, trong vòng 10 năm sau khi phát hiện bệnh, Hưng đã vượt qua bệnh tật để 2 lần giành vé đến Olympic, đoạt 2 HCV cúp thể dục thế giới, 6 HCV SEA Games…
Chiến thắng bệnh lao xương để đến Olympic
18 tuổi, Phạm Phước Hưng được chẩn đoán mắc bệnh lao xương cột sống nặng phải chia tay thể dục dụng cụ nếu không muốn bị liệt. Nhưng với nghị lực phi thường, trong vòng 10 năm sau khi phát hiện bệnh, Hưng đã vượt qua bệnh tật để 2 lần giành vé đến Olympic, đoạt 2 HCV cúp thể dục thế giới, 6 HCV SEA Games…
Nỗ lực tuyệt vời đã giúp Phước Hưng vượt qua bệnh tật để hai lần giành vé đến Olympic – Ảnh: Nam Khánh |
Trở về Hà Nội tối 21-4 khi vừa giành vé đến Olympic 2016 tại vòng loại cuối cùng ở Brazil, Phước Hưng đã tạo nên cột mốc mới trong sự nghiệp của mình.
Xa gia đình năm 7 tuổi
Năm nay 28 tuổi nhưng Phước Hưng có đến 21 năm theo nghề bởi anh theo tập thể dục dụng cụ (TDDC) năm 7 tuổi khi là học sinh lớp 2 Trường tiểu học Ba Đình. Lúc ấy, Hưng được các HLV thể dục của Hà Nội đến trường tuyển chọn và đưa về cung thể thao Quần Ngựa để tập TDDC.
Hưng kể: ban đầu anh cũng không biết TDDC là gì, nhưng khi được chọn thì nhà trường và bố mẹ động viên đi tập. Một buổi đi học văn hoá, một buổi bố mẹ chở Hưng đến cung Quần Ngựa tập luyện và cậu bé Hưng mê luôn TDDC. “Các bạn khác khi mới tập rất sợ vì TDDC tập khó và đau, nhất là các động tác đè ra để ép dẻo, nhưng tôi lại chẳng đau đớn gì vì mình vốn rất dẻo. Khi làm quen với các động tác đu xà, một số bạn mới đu lên xà đã mỏi tay rơi xuống đất, còn tôi thậm chí bò qua bò lại trên xà rất lâu mà không rơi khiến chuyên gia rất ấn tượng. Gần một năm sau khi tập luyện, tôi được đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) tập huấn dài hạn, chính thức bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp”, Hưng chia sẻ.
12 năm xa gia đình tập luyện ở Trung Quốc, ngoài những kỹ thuật khó, Hưng còn tôi rèn tính tự lập và tinh thần sắt đá. Năm 2002, lần đầu về nước tham dự Đại hội TDTT toàn quốc tại Hà Nội, Hưng đã gây sốc khi giành 2 HCV nội dung xà đơn, xà kép. Lúc ấy mới 14 tuổi nhưng Hưng đã trình diễn những kỹ thuật điêu luyện mà một VĐV 18-19 tuổi mới có thể làm được.
Cú sốc ở tuổi 18
Cú sốc quá lớn xảy đến với Phước Hưng vào năm 2006 khi anh vừa tròn 18 tuổi. Lúc đó, chẩn đoán của bác sĩ cho biết Hưng mắc bệnh lao xương cột sống nặng. Hưng kể: “Lúc đầu tôi có biểu hiện đau lưng kéo dài đến nửa năm không hồi phục. Năm 2006 tôi về VN dự Đại hội TDTT toàn quốc, thi xong tôi nằm bệt vì đau không đi lại được. Sau đó, chuyên gia của đội xoa bóp cho tôi trong một buổi tập thì phát hiện xương sống của tôi gồ lên bất thường và yêu cầu đưa đi chụp X-quang. Bác sĩ cho biết xương cột sống của tôi bị ăn mòn đến hai đốt và kết luận tôi bị lao xương cột sống nặng do tập luyện quá tải. Lúc đó bác sĩ nói tôi vĩnh viễn không được tập TDDC, nếu cố tập có thể sẽ bị liệt vì xương chèn vào dây thần kinh vận động. Đang ở Trung Quốc, tôi được đưa về VN để chữa bệnh và chia tay TDDC”.
Suốt một năm trời Hưng điều trị bệnh lao xương cột sống ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương với không biết bao nhiêu thuốc kháng sinh đưa vào cơ thể. Cảm giác trống rỗng và bất lực khiến Phước Hưng không biết làm gì bởi anh đã có đến 11 năm gắn bó với TDDC. Gia đình khuyên Hưng nên theo đuổi học văn hoá để tìm một nghề phù hợp nhưng anh không đồng ý. Sau khoảng một năm điều trị, thấy mình khoẻ hơn, Hưng xin đi tập trở lại cùng đội ở Quần Ngựa. Tuy nhiên, HLV không dám nhận, còn chuyên gia Lý Triều Dương của đội TDDC Hà Nội cũng khuyên Hưng nên tìm con đường khác. Dù vậy, Hưng quyết không đầu hàng.
Hưng kể: “Sau một thời gian điều trị bác sĩ vẫn yêu cầu tôi phải dùng thuốc thêm vài tháng nữa nhưng tôi thấy cơ thể mình có thể tập luyện trở lại nên đến Quần Ngựa mon men tập cùng đội. Lúc đầu các thầy không cho nhưng sau này tôi đã được tập trở lại. Lúc đó mơ ước của tôi là được đến Olympic và tôi muốn cho mọi người thấy tôi có thể làm được điều đó”.
Hai lần có mặt ở Olympic
Vượt qua bệnh tật, năm 2007 Phước Hưng lần đầu dự SEA Games ở Thái Lan và đoạt 1 HCV xà đơn, 2 HCB cho TDDC VN. Lúc này, xương cột sống bị ăn mòn đã mọc dài ra và Hưng gần như đã vượt qua được căn bệnh quái ác này. Thay vì chia tay TDDC, 10 năm sau khi bị bệnh Phước Hưng đã giành nhiều huy chương quốc tế cho TDDC VN và trở thành VĐV nam xuất sắc nhất của thể dục VN.
Năm 2013 sau khi dự Đại hội thể thao sinh viên thế giới tại Nga, Phước Hưng lại đối mặt với bệnh tật khi anh được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi nặng. Lý do khiến bệnh lao có cơ hội tái phát bởi thời gian này Hưng vất vả với việc tập luyện, thi đấu và học tại Trường đại học TDTT Từ Sơn. Lần này Hưng lại được khuyên cần chấm dứt tập luyện môn thể thao nặng nhọc này. Nhưng bất chấp tất cả, sau hơn nửa năm điều trị, anh trở lại sàn đấu với mục tiêu lần thứ hai có mặt ở Olympic.
Ngày 17-4-2016, với số điểm 84,032 nội dung toàn năng tại vòng loại Olympic ở Brazil, Phước Hưng đã giành vé đến Olympic 2016. HLV Nguyễn Tuấn Hiền, HLV trưởng đội TDDC nam, cho biết hiếm có VĐV nào có tinh thần và ý chí tuyệt vời như Phước Hưng. Yêu TDDC vô cùng, Hưng nói dù sau này có giải nghệ anh cũng mong sẽ có cơ hội mở một phòng tập để dạy TDDC. “Tôi mong muốn có thể phát triển phong trào TDDC rộng rãi để nhiều người có cơ hội tiếp cận với nó. TDDC là môn thể thao cơ bản, phát triển toàn diện thể chất con người”, Hưng nói.
Được đặt tên cho động tác Phạm Phước Hưng là nam VĐV TDDC đầu tiên của VN hai lần giành vé đến Olympic vào năm 2012 (London) và 2016 (Brazil) ở nội dung toàn năng. Trong 21 năm theo đuổi TDDC, Phước Hưng đã đoạt 2 HCV cúp thể dục thế giới vào năm 2012, 2013 và đoạt 6 HCV ở đấu trường SEA Games. Năm 2016, Hưng ghi dấu khi được Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) đặt tên cho một động tác mà anh sáng tạo ở nội dung vòng treo. Động tác này được Hưng đăng ký thực hiện sau khi đã gửi clip và mô tả cho BTC Giải TDDC vô địch thế giới 2015 tại Anh. Sau giải đấu, FIG công bố 8 động tác mới được thông qua và đưa vào hệ thống kỹ thuật thi đấu, trong đó có động tác của Hưng và được FIG đặt tên là Pham. |