27/12/2024

Ngăn chặn sốt xuất huyết từ… muỗi vằn

Muỗi vằn ‘nguyên bản’ là côn trùng truyền vi rút Dengue gây sốt xuất huyết Dengue. Mới đây, với việc cấy truyền một loại vi khuẩn vào cơ thể muỗi vằn, các nhà khoa học đã biến loại muỗi này thành phương pháp phòng bệnh Dengue.

 

Ngăn chặn sốt xuất huyết từ… muỗi vằn

 

Muỗi vằn ‘nguyên bản’ là côn trùng truyền vi rút Dengue gây sốt xuất huyết Dengue. Mới đây, với việc cấy truyền một loại vi khuẩn vào cơ thể muỗi vằn, các nhà khoa học đã biến loại muỗi này thành phương pháp phòng bệnh Dengue.





Muỗi vằn được cấy truyền vi khuẩn Wolbachia - Ảnh: Liên Châu

 

Muỗi vằn được cấy truyền vi khuẩn Wolbachia – Ảnh: Liên Châu


Tìm kiếm một phương pháp an toàn
GS-TS Nguyễn Trần Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, hiện là Phó giám đốc dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại VN”, cho biết muỗi vằn (tên khoa học là Aedes aegypti) có mặt tại hầu hết các tỉnh thành. Đây là muỗi truyền vi rút Dengue và vi rút Zika. “Được sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ Đại học Monash (Úc), chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu sử dụng vi khuẩn Wolbachia nhằm tìm kiếm một phương pháp mới, an toàn, hiệu quả và bền vững trong kiểm soát sự lan truyền bệnh sốt xuất huyết. Dự án đã ứng dụng phương pháp này tại đảo Trí Nguyên, thuộc TP.Nha Trang, Khánh Hoà”.
Muỗi vằn sau khi được gây nhiễm vi khuẩn Wolbachia sẽ giảm khả năng truyền bệnh, do vi khuẩn này ức chế sự nhân lên của vi rút Dengue, nhờ vậy bệnh sốt xuất huyết sẽ được kiểm soát hiệu quả tại những nơi muỗi vằn “nguyên bản” được thay thế bằng muỗi vằn mang Wolbachia.
“Phương pháp của chúng tôi là dùng muỗi vằn tự nhiên ở đảo Trí Nguyên, cấy truyền vi khuẩn Wolbachia cho chúng trong phòng thí nghiệm, sau đó nuôi nhân dòng rồi phóng thả loại muỗi này trở lại đảo. Bằng con đường sinh sản tự nhiên, loại muỗi này sẽ sinh ra các thế hệ muỗi tiếp theo có mang sẵn trong cơ thể vi khuẩn Wolbachia. Do vậy, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ở trên đảo Trí Nguyên hiện nay có mang thêm vi khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế vi rút Dengue”, GS-TS Nguyễn Trần Hiển nói chi tiết.
Giảm sốt xuất huyết, ngăn chặn Zika
Việc thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại đảo Trí Nguyên triển khai dựa trên kết quả nghiên cứu từ 2006 – 2011 tại VN, đã được các nhà khoa học, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đánh giá độc lập và kết luận rằng phương pháp Wolbachia là an toàn cho con người, động vật và môi trường. Muỗi vằn mang Wolbachia đã được sử dụng tại các hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên trong hai đợt: tháng 4 – 9.2013 và tháng 5 – 11.2014. Các giám sát cho thấy đến nay chúng vẫn tự duy trì trên đảo và truyền vi khuẩn Wolbachia cho các thế hệ muỗi sau qua con đường sinh sản tự nhiên.
GS-TS Nguyễn Trần Hiển chia sẻ: “Theo kết quả giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết trong vài năm gần đây, trong khi số ca bệnh ở TP.Nha Trang và các địa phương thuộc Khánh Hoà đều ở mức rất cao, thì riêng ở đảo Trí Nguyên không xảy ra ca bệnh nào trong năm 2014 và chỉ có 1 ca trong năm 2015 (bệnh nhân này có vô đất liền và trở về)”.
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Giám đốc dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại VN” đã cung cấp thông tin: “Kết quả nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy vi khuẩn Wolbachia còn có khả năng ức chế vi rút Zika trong cơ thể muỗi vằn. Tổ chức Y tế thế giới coi đây là một phương pháp mới có nhiều triển vọng trong việc dự phòng lây truyền vi rút Zika, và khuyến cáo việc triển khai thí điểm phương pháp này”.
Theo GS-TS Đặng Đức Anh, vi khuẩn Wolbachia tồn tại sẵn trong tự nhiên, được tìm thấy ở trên 60% các loài côn trùng sống gần gũi xung quanh chúng ta như ruồi giấm, bướm, chuồn chuồn… Muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gien, mà là muỗi có nguồn gốc từ đảo Trí Nguyên. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định vi khuẩn Wolbachia khi ở trong cơ thể muỗi vằn không tác động được đến hệ gien của muỗi, nên không gây biến đổi gien.
Các chuyên gia cho biết dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại VN” đang xây dựng kế hoạch mở rộng nghiên cứu trên phạm vi lớn, nhằm đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia để phòng sốt xuất huyết ở TP.Nha Trang trong thời gian tới.
“Dự án đã thực hiện lấy mẫu máu của người dân trên đảo Trí Nguyên và các mẫu động vật có ăn muỗi, lăng quăng (như cá và thạch sùng) để giám sát xem liệu người dân trên đảo và những động vật trên có nhiễm vi khuẩn Wolbachia hay không. Các kết quả đều âm tính với vi khuẩn Wolbachia. Hiện có 5 nước chính thức tham gia chương trình “loại trừ sốt xuất huyết” đã thả muỗi vằn mang Wolbachia tại thực địa, bao gồm: Úc, VN, Indonesia, Brazil, Colombia. Trong đó, Úc và Indonesia đã thả muỗi trên diện rộng ở những thành phố có quy mô trên 100.000 dân. Ở các khu vực có muỗi mang Wolbachia chiếm tỷ lệ cao thì hầu như không còn sự lan truyền của bệnh sốt xuất huyết”, GS-TS Nguyễn Trần Hiển cho biết.

Liên Châu