01/11/2024

​Đổ máu để bảo vệ rừng

Giải thưởng môi trường Goldman năm nay trao cho nhà bảo vệ môi trường Campuchia Ouch Leng đã thu hút sự chú ý đến cuộc chiến bảo vệ rừng khốc liệt ở quốc gia Đông Nam Á này.

 

​Đổ máu để bảo vệ rừng 

 

Giải thưởng môi trường Goldman năm nay trao cho nhà bảo vệ môi trường Campuchia Ouch Leng đã thu hút sự chú ý đến cuộc chiến bảo vệ rừng khốc liệt ở quốc gia Đông Nam Á này.

 

 

 

 

​Đổ máu để bảo vệ rừng 
Nhà hoạt động Ouch Leng với vũ khí là chiếc máy ảnh trong cuộc chiến bảo vệ rừng – Ảnh: goldmanprize.org

Câu chuyện của Ouch Leng, một trong sáu người giành giải thưởng Goldman năm nay, hé lộ những góc tối trong vấn đề phá rừng ở Campuchia khi những người bảo vệ rừng bị đe doạ tính mạng hằng ngày. 

“Ouch Leng là một trong số ít ỏi những người chiến đấu ngăn nạn phá rừng ở Campuchia. Tất cả phụ thuộc vào những nhà hoạt động như Leng và những cộng đồng bị ảnh hưởng để đứng lên chống lại các chính sách thiển cận, tham lam. Họ liều mình để làm điều đó” – Hãng tin AP dẫn lời nhà hoạt động người Đức Marcus Hardtke sống ở Campuchia.

Hai thập niên theo dấu lâm tặc trong rừng và bảo vệ dân nghèo khỏi nạn chiếm đất, chưa có nguy hiểm nào mà Ouch Leng chưa đối mặt. Nhưng “dù biết mạng sống của mình và gia đình gặp nguy hiểm, tôi có thể bị buộc tội, bị bắt hay bị giết, dù không được ai tài trợ nhưng tôi cũng phải cố cứu lấy rừng” – ông nói.

“Tất cả chỉ là trò chơi. Truyền thông đã bị gài bẫy. Bộ Môi trường không quan tâm, họ không bao giờ vào rừng để tuần tra hay bắt những kẻ đốn gỗ
OUCH LENG (nhà bảo vệ môi trường Campuchia)

Gỗ quý chạy sang Trung Quốc

Rừng là nguồn sống cho phần lớn người dân Campuchia với 80% dân số sống ở nông thôn, dựa vào trồng trọt để sinh nhai. Nhưng tỉ lệ rừng ở Campuchia đang giảm mạnh kể từ khi kinh tế mở cửa những năm 1990 và đầu tư từ Trung Quốc đổ vào.

Tỉ lệ rừng bao phủ ở nước này giảm từ 73% năm 1990 xuống còn 57% năm 2010 và chỉ còn 48% năm 2014, mất gần 3 triệu hecta rừng nhiệt đới, khiến Campuchia trở thành nước có tỉ lệ phá rừng cao thứ năm thế giới.

Đầu những năm 2000, Chính phủ Campuchia áp dụng chương trình nhượng đất kinh tế nhằm thúc đẩy mô hình phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên mô hình lại biến tướng thành vỏ bọc cho nạn đốn gỗ trái phép, đặc biệt là gỗ cẩm lai rất được ưa chuộng ở Trung Quốc với giá bán có thể lên đến 5.000 USD mỗi khối.

Với giấy phép có được, những kẻ đốn gỗ thọc sâu hơn vào các khu vực rừng được bảo vệ để tìm gỗ quý và thẳng tay đốn trụi những vùng rừng có gỗ ít giá trị hơn. Còn nông dân nghèo bị cướp mất đất đai – nguồn sống duy nhất của họ.

Mong muốn giúp những người dân nghèo thất học của Ouch Leng có từ sớm khi ông giành được học bổng ngành luật và thành lập tổ chức chống nạn phá rừng và chiếm đất. Sau khi học luật, ông làm việc một thời gian trong Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch trước khi dành toàn bộ thời gian cho việc điều tra nạn khai thác gỗ lậu.

“Tình hình mỗi năm một tệ hơn” – ông Leng nói về nạn phá rừng, dù Thủ tướng Campuchia Hun Sen gần đây khẳng định chính phủ đã mở các đợt tấn công mạnh mẽ bọn buôn gỗ lậu và mở rộng khu vực rừng được bảo vệ thêm 30%.

Theo Ouch Leng và các nhà hoạt động khác, dù có các báo cáo về những đợt truy quét và phô diễn rầm rộ nhưng hầu như không thấy kẻ buôn lậu gỗ nào bị bắt hay bị truy tố.

Mối quan tâm hiện tại của Ouch Leng là xung đột giữa người dân tỉnh Koh Kong với Tập đoàn Tianjin Union của Trung Quốc về kế hoạch xây dựng một khu nghỉ dưỡng lớn dọc bờ biển của tỉnh. Người dân than rằng họ bị mất nhà cửa và kế sinh nhai chính là đánh cá để tái định cư bên trong đất liền vì chính phủ đã cho công ty Trung Quốc thuê đất trong 99 năm.

“Trước đây họ kiếm được 2.500 USD mỗi năm. Nhưng giờ họ không thể đánh cá vì công ty Trung Quốc đã thâu tóm tất cả. Họ không còn gì để ăn” – ông Leng phẫn nộ cho biết.

Nhiều lần bị dọa giết

Nhưng đây là một cuộc chiến không cân sức và đầy rủi ro của Ouch Leng và nhiều nhà hoạt động khác vì đụng chạm lợi ích của những lực lượng đứng sau bọn buôn gỗ lậu. Leng cho biết ông bị dọa giết nhiều lần và phải sống trong nhà an toàn vài tháng qua. “Tôi thường phải cải trang, lúc để tóc dài, lúc ăn mặc bẩn thỉu. Giờ tôi phải đưa gia đình đến nơi khác” – Leng kể lại.

Nhưng điều đó không khiến nhà hoạt động Ouch Leng chùn bước.

“Anh ấy đối mặt với những hiểm nguy và biết rõ có thể biến thành sự thật nhưng vẫn tiếp tục. Không phải vì anh ấy không biết sợ nhưng sợ hãi và bị nỗi sợ thống trị là hai điều khác nhau. Leng không bị chế ngự bởi bất cứ điều gì và không ngần ngại tố giác những kẻ tai to mặt lớn đầy quyền lực” – nhà hoạt động tên Fran Lambrick chia sẻ.

Còn Leng cho biết ông chấp nhận hiểm nguy vì là một con người có giáo dục và đam mê.

“Tôi cố gắng bảo vệ rừng vì tôi nghĩ không nhiều người có thể làm việc này” – Leng giải thích về chí hướng của mình.

Giờ đây Ouch Leng vẫn vào rừng theo dấu những kẻ đốn gỗ lậu, mang theo vũ khí là… chiếc máy quay và thiết bị định vị GPS. Làm việc với các tổ chức phi chính phủ nên Ouch Leng ít khi được trả lương.

Để tránh nguy hiểm, ông cải trang thành công nhân, tài xế hoặc khách du lịch khi xâm nhập và thu thập chứng cứ nhằm thuyết phục chính phủ ngưng cấp giấy phép đốn rừng và buộc các công ty đốn gỗ trả lại đất.

Giải thưởng Goldman trị giá 175.000 USD nhưng Ouch Leng cho biết nó có thể khiến ông gặp nguy hiểm hơn vì dễ bị bọn xấu nhận mặt và các hiệp hội, nhà tài trợ tránh tiếp xúc với ông vì sợ làm mất lòng chính quyền và các tập đoàn.

Ông cũng hướng dẫn người dân biết cách điều tra và tự đứng lên bảo vệ rừng. Ở Prey Lang, họ thành lập mạng lưới sử dụng các mạng xã hội để gửi những nhóm tuần tra rừng bằng xe máy. Trong năm 2014, họ đã bắt hơn 2.000 vụ đốn gỗ lậu, tịch thu vô số gỗ và vật dụng.

“Cuộc chiến bảo vệ môi trường đang diễn ra ở khắp nơi và ngày càng mãnh liệt” – Leng tự hào về thành quả của mình.

Từ năm 2007, có ít nhất năm nhà hoạt động bảo vệ rừng thiệt mạng ở Campuchia, bao gồm nhà môi trường Chut Wutty bị bắn chết năm 2012 khi phanh phui một trại khai thác gỗ lậu ở tỉnh Koh Kong.
TRẦN PHƯƠNG ([email protected])