Cá chết hàng loạt, dân nghi ngờ chất thải công nghiệp
Vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra các địa điểm có cá chết hàng loạt tại khu vực Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Cá chết hàng loạt, dân nghi ngờ chất thải công nghiệp
Vụ cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra các địa điểm có cá chết hàng loạt tại khu vực Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Ngư dân xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế đưa thuyền và ngư cụ vào nằm bờ – Ảnh: Minh An |
Sáng 21-4, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra các địa điểm có cá chết hàng loạt tại khu vực Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trong khi đó, đoàn của Bộ TN-MT kiểm tra tại vùng biển Quảng Bình.
Trong ngày, các đoàn vẫn chưa đưa ra nhận định nguyên nhân cá biển, cá nuôi lồng chết hàng loạt trong mấy ngày qua là do đâu.
Nghi ngờ nước thải
công nghiệp
Tại khu vực nuôi cá ở xóm 8, xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), mọi nghi ngờ của người dân đều đổ dồn về Khu kinh tế Vũng Áng, nơi có khu gang thép Formosa với hai nhà máy nhiệt điện gần nhau.
Anh Nguyễn Quang Sâm, một hộ nuôi cá bè, cho biết người dân nuôi cá đã nhiều năm nay mà chưa có chuyện gì xảy ra. “Từ năm 2015 trở về trước khi khu Formosa chưa đi vào hoạt động thì việc nuôi cá chưa hề diễn ra sự việc chết hàng loạt thế này, chỉ có ít cá chết vì bệnh. Nhưng lần này thì chúng tôi thấy rất lạ, cá chết đột ngột mà không mắc các thứ bệnh thường thấy.
Đêm 7-4, trước 0g cá vẫn khoẻ và ăn bình thường nhưng đến 2g ngày 8-4 thì đột ngột chết hàng loạt. Thuỷ triều lên là cá chết. Các loại cá chúng tôi nuôi như cá hanh, cá vược (còn gọi là cá chẽm) là những loài rất khoẻ, phù hợp với khu vực thuỷ triều lên xuống. Nay bỗng chết hàng loạt là điều bất thường, mà chết chỉ trong mấy tiếng đồng hồ rồi thôi”.
Anh Nguyễn Thế Bùi, người nuôi lồng bè bên cạnh, cũng đặt nghi ngờ tương tự: “Chúng tôi là người dân, chẳng biết nguyên nhân cá chết là gì nhưng chúng tôi nghi ngờ do chất thải của các khu công nghiệp quanh đây”.
Còn tại làng bè Vũng Áng, một chủ nhà bè cung cấp một thông tin chưa được kiểm chứng: “Có một thợ lặn hay đi lặn bắt cá quanh khu Formosa cho biết có lần ông lặn xuống sâu 20m bên ngoài khu Formosa thì phát hiện có ba đường ống lớn.
Trong thời điểm cá chết thì các đường ống này xả ra loại nước màu vàng khiến ông này không dám lặn quanh đấy”. Thông tin này ngay lập tức được ông Phạm Khánh Ly, vụ phó Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (thuộc Bộ NN&PTNT), ghi nhận.
Formosa nói không gây ô nhiễm
Ông Phạm Khánh Ly cho biết sẽ báo cáo những thông tin người dân cung cấp lên lãnh đạo bộ để có hướng kiểm tra. Còn trước mắt chưa thể trả lời nguyên nhân gì gây ra cá chết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Xuân Phàm – trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội – khẳng định: cá chết không liên quan tới công ty này, bởi hiện tại nhà máy chưa đi vào hoạt động.
“Chúng tôi có nuôi thử nghiệm cá trong khu vực nước thải của công ty thì cá vẫn sống khoẻ. Còn việc hoạt động trong dự án có hơn 5.000 người thì nước thải sinh hoạt cũng được xử lý, cơ quan kiểm tra thường xuyên, không đến nỗi gây ô nhiễm như người dân nghi ngờ” – ông Phàm khẳng định.
Khi được hỏi Công ty Formosa dùng một lượng lớn hoá chất để tẩy rửa, làm sạch, chống ăn mòn cho hệ thống đường ống dẫn và các nhà máy trong khu công nghiệp có ảnh hưởng đến môi trường, ông Phàm cho rằng việc xử lý hoá chất đều bảo đảm an toàn và tuân thủ các nguyên tắc cũng như tiêu chuẩn của Nhà nước VN.
Ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Hà Tĩnh, cho biết sở đã ghi nhận một số ý kiến của người dân phản ảnh cá chết ở vùng biển thị xã Kỳ Anh là do các nhà máy của Khu kinh tế Vũng Áng xả thải, trong đó có dự án nhà máy thép Formosa.
Cá ngưng chết, không còn dạt vào bờ Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – môi trường Quảng Bình) Phan Xuân Hào cho biết dọc ven biển từ Nhật Lệ (TP Đồng Hới) vào đến giáp vùng biển Quảng Trị đến thời điểm kiểm tra (ngày 21-4) không có hiện tượng cá chết mới hoặc ngắc ngư trôi dạt vào bờ như những ngày trước. Tại các điểm đã kiểm tra, đoàn lấy mẫu nước biển và mẫu cá chết để phân tích tìm độc chất. Trước mắt, đoàn kiểm tra khuyến cáo người dân các địa phương không dùng cá chết trôi dạt vào bờ và không bắt cá nổi lờ đờ trong nước biển để ăn. Trong một diễn biến mới nhất, một số ngư dân ở xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) cho biết đến trưa 21-4, các ngư dân báo về cho biết đã không còn thấy cá biển chết trôi dạt trên biển cũng như vào bờ như những ngày trước nữa. |