01/11/2024

Tìm nguyên nhân cá chết dọc biển miền Trung

Tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đang xảy ra tình trạng cá chết dạt vào la liệt trên bờ biển. Không chỉ cá biển, ngay cá nuôi của nhiều hộ dân cũng chết hàng loạt.

 

Tìm nguyên nhân cá chết dọc biển miền Trung

 

 

Tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đang xảy ra tình trạng cá chết dạt vào la liệt trên bờ biển. Không chỉ cá biển, ngay cá nuôi của nhiều hộ dân cũng chết hàng loạt.

 

 

 

 

Tìm nguyên nhân cá chết dọc biển miền Trung
Ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi, xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) với cá biển chết dạt vào bờ – Ảnh: Nhật Linh – Đồ hoạ: Vĩ Cường

 

 

Đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cụ thể nào về nguyên nhân dẫn đến cá chết. Tuy nhiên mọi nghi ngờ vẫn hướng về việc có độc tố trong nước biển.

Trắng tay

Chiều 20-4, đại diện Bộ NN&PTNT chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh về việc cá lồng bè, cá tự nhiên chết tại vùng biển thị xã Kỳ Anh.

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Công Hoàng – chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Hà Tĩnh – cho biết ngoài hiện tượng cá lồng bè chết bất thường ở các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh thì một hộ nuôi tôm ở xã Kỳ Phương có hai hồ tôm bị chết sạch do bơm nước biển vào, một số hộ nuôi nghêu ở xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh cũng bị chết trắng.

Trước đó, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh mời Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh khu vực miền Bắc đến thu mẫu cá, mẫu thức ăn, mẫu nước và các điểm nghi ngờ gây ô nhiễm để kiểm tra tìm ra nguyên nhân. Kết quả tại hiện trường là cá không bị nhiễm ký sinh trùng.

“Theo cơ quan quan trắc, hiện tượng cá chết là do môi trường, yếu tố độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn chưa xác định được cụ thể” – ông Nguyễn Công Hoàng nói.

Bà Võ Thị Minh Nguyệt, cán bộ Sở Tài nguyên – môi trường Hà Tĩnh, cho biết đã lấy mẫu nước xung quanh khu vực cá chết ở biển tại Kỳ Anh. Kết quả phân tích mẫu nước nằm trong giới hạn cho phép.

“Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, theo dõi tình hình” – bà Nguyệt nói.

Ông Lê Đức Nhân, phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, nói: “Khả năng độc tố trong xả thải vẫn chưa thể kết luận. Hiện tượng cá nuôi, cá tự nhiên chết là do có một hàm lượng độc tố trong nước biển rất lớn. Chúng tôi đã gửi các mẫu ra Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nhưng chưa có kết quả. Để tìm ra độc tố gây cá chết hàng loạt không còn nằm trong phạm vi của ngành nữa, cần phải có sự quan tâm của các bộ ngành”.

Ông Phạm Khánh Ly, phó vụ trưởng nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, cho rằng tại thời điểm thủy triều lên dẫn đến cá chết hàng loạt chỉ cần lấy mẫu nước sẽ xác định nguyên nhân. Ngoài ra, ngành thủy sản Hà Tĩnh vẫn chưa lấy mẫu đất tại vùng cá chết để kiểm tra.

Tại vùng biển thị xã Kỳ Anh – nơi có cá chết hàng loạt, nhiều hộ dân than vãn: “Vụ cá này coi như trắng tay”. Theo ông Võ Hữu Duật (ở xã Kỳ Lợi), gia đình ông vay mượn hàng chục triệu đồng mua cá bớp giống thả trong hai lồng. Từ ngày 6-4, cá trong lồng bắt đầu nổi chết trắng bụng, cho đến nay không còn một con.

“Chưa khi nào cá nuôi ở khu vực này chết như thế. Tôi có hơn 5 tạ cá chết, không thể nào cứu được một con” – ông Duật buồn rầu nói.

Theo bà Nguyễn Thái Thảo (xã Kỳ Hà), sáng 6-4, hơn 4.000 con cá hồng, cá chẽm nuôi ở lồng bè của bà vẫn bình thường. Đến khoảng 14g, nước thuỷ triều lên thì bà Thảo thấy cá bơi lờ đờ, sau đó chết hàng loạt. “Đau xót lắm, cá nổi chết trắng. Kiểu này nếu tiếp tục nuôi thì chỉ có trắng tay” – bà Thảo thở dài.

Dọc bờ biển thuộc vùng biển Kỳ Anh, cá biển cũng chết trắng. Có những con cá lớn hàng chục ký, dài cả mét chết bốc mùi hôi thối. Ngư dân cho biết trong số cá chết có nhiều loài sống ở tầng đáy như cá hồng, cá hanh… Theo ngư dân, cá ở vùng biển Vũng Áng và đảo Sơn Dương chết trôi dạt vào bờ xảy ra hơn hai tuần nay.

“Cá ở lồng bè chết, rồi cá tự nhiên ở biển chết, ngư dân rất hoang mang” – ông Tuấn, một ngư dân, nói.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ, phó Phòng quản lý đô thị và kinh tế thị xã Kỳ Anh, nói: “Qua kiểm tra trực tiếp không có dấu hiệu bệnh tật. Cá chết biểu hiện màu sắc nhợt nhạt, thay đổi”.

Còn ông Phan Duy Vĩnh, phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, khẳng định cá chết ở vùng biển Kỳ Anh là hiện tượng bất thường.

Theo lãnh đạo xã Kỳ Lợi, sát vùng biển Vũng Áng có Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhà máy sản xuất thép, Nhà máy nhiệt điện của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh) đã đi vào hoạt động. Sau khi cá bè chết hàng loạt, người nuôi cá ở đây cho rằng nguyên nhân là do ô nhiễm bắt nguồn từ ba nhà máy này.

Hàng tấn cá 
dạt vào bờ biển

Đến chiều qua, hiện tượng cá biển chết hàng loạt vẫn tiếp tục diễn ra dọc theo bờ biển tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị với mức độ nặng hơn.

Tại những vùng biển này, mỗi ngày một người dân có thể thu gom được hơn 1 tạ cá. Dù các cơ quan chức năng của hai địa phương này đang tích cực tìm nguyên nhân, nhưng cho đến hiện tại vẫn chỉ nằm ở mức 
phỏng đoán.

Tại Quảng Bình, cá chết dạt vào nhiều nhất là tại khu vực bờ biển xã Quảng Đông và cửa sông Roòn (thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch). Tại hai điểm này, người dân cho biết cá chết dạt vào bờ từ hơn một tuần trước, nhưng đỉnh điểm là hai ngày qua có hàng tấn cá dạt vào dọc một đoạn bờ biển dài chừng 5km.

Ông Lê Văn Hoá, một ngư dân đánh cá lâu năm ở vùng biển này, nói: “Cá chết dạt trắng bờ. Người dân trong thôn phải kéo nhau ra thu gom đem đi chôn. Một buổi chiều mà mỗi người gom được cả tạ cá”.

Theo những người dân ở thôn 19/5 (thuộc xã Quảng Đông), cá chết đủ các loại từ cá hanh, cá chình biển, cá mú, cá dìa, thậm chí cả cá đuối. Có những con cá to khoảng 10kg. Còn tại khu vực cửa sông Roòn, cá chết nằm dày đặc dọc theo bờ kè hướng từ cầu Roòn ra cửa sông.

Ngư dân địa phương cho biết có rất nhiều cá chết nhưng chìm xuống đáy biển. Chỉ cần đi thuyền ra khoảng hai ba hải lý, lặn xuống là thấy cá chết la liệt. “Mấy hôm trước còn có một loại bọt màu đen dạt vào bờ cùng với cá. Không biết đó có phải là chất độc làm cá chết không” – một ngư dân kể.

Tại xã Quảng Đông, mấy hôm nay nhiều ngư dân không buồn ra biển bởi có đánh bắt cũng không bán được, không dám mua cá vì sợ cá nhiễm độc mới chết. Chị Nhung, một tiểu thương bán cá tại chợ Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch), nói từ khi nghe thông tin cá chết là người mua bỏ ăn cá luôn. “Bán rẻ họ cũng không thèm mua”.

Theo ông Trần Đình Du – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, sở đã lấy mẫu nước biển và mẫu cá chết xét nghiệm, kết quả cho thấy cá chết hàng loạt do nước biển bị ô nhiễm. “Phân tích lâm sàng trên cá thì không thấy bệnh tật. Nhưng có dấu hiệu cho thấy cá chết do bị ngộ độc một chất gì đó mà tại Quảng Bình không đủ khả năng để xác định chính xác”.

Ông Du khuyến cáo người dân không nên ăn cá hoặc lấy cá để chế biến thức ăn cho gia súc”. Khuyến cáo này của ông Du càng có sức nặng khi UBND xã Quảng Phú (Quảng Trạch) cho biết ngày 19-4 trạm y tế xã Quảng Phú phải cấp cứu một trường hợp bị ngộ độc do ăn cá biển chết.

Ông Du cho rằng mọi nghi vấn hiện đang tập trung vào Khu công nghiệp Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhưng cần có căn cứ để xác định chính xác.

Tìm nguyên nhân cá chết dọc biển miền Trung
Hàng tấn cá chết không rõ nguyên nhân trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị – Ảnh: Trần Tĩnh

Nước biển ô nhiễm

Ở Thừa Thiên – Huế, ngày 20-4 tại khu vực bãi biển Bình An (xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc), nhiều người dân đổ xô ra biển lượm cá chết dạt lềnh bềnh gần bờ biển. Cá biển chết trôi vào chủ yếu là cá móm, cá rò, cá đục, cá bò, cá bạc má… Người dân cho hay hiện tượng cá chết xảy ra cách đây ba ngày, nhiều nhất là vào ban đêm, khi thủy triều lên.

Nhanh tay nhặt một con cá móm bạc trắng rồi bỏ vào túi nilông, ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi) cho biết nhặt cá về để cho heo, gà ăn, người không dám ăn. “Chẳng ai dám ăn vì không biết nguyên nhân gì khiến cá chết” – ông Thành nói.

Cá chết hàng loạt khiến ngư dân cũng lao đao theo. Ông Nguyễn Văn Bưởi (54 tuổi, ngư dân ở thôn Phú Hải, xã Lộc Thuỷ) cho biết hiện chỉ còn vài hộ ngư dân dám ra khơi đánh cá, vì đánh được cá cũng không bán được cho ai.

“Trước khi có cá chết trôi vào bờ, thu nhập trung bình mỗi ngày từ việc đánh cá biển của tôi khoảng 300.000-500.000 đồng. Nhưng giờ chẳng dám ra biển nữa, đành ở nhà thôi” – ông Bưởi nói.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, các địa phương như Lộc Vĩnh (Phú Lộc), Quảng Ngạn (Quảng Điền), Phong Hiền (Phong Điền), đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô)… có ghi nhận tình trạng cá biển, cá nuôi lồng chết hàng loạt.

Báo cáo cho biết qua phân tích, cả nước biển lẫn nước đầm Lăng Cô đều bị ô nhiễm, nồng độ PO4 (chỉ tiêu phú dưỡng) ở tầng đáy gấp đôi chỉ số cho phép, làm tăng độ pH trong nước, nhiều khả năng đây là nguyên nhân làm cá chết hàng loạt.

Riêng ở trong đầm Lăng Cô, tảo biển phát triển mạnh, cộng với khí độc ở đáy lồng khiến cá thiếu oxy. Báo cáo loại bỏ khả năng cá chết do dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ TN-MT cử đoàn công tác đi kiểm tra

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã cử đoàn công tác của Bộ TN-MT vào kiểm tra trực tiếp tại những vùng có hiện tượng cá chết nhiều ở vùng ven biển.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Dương Tùng – phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – cho biết: “Có bốn địa phương gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế thông tin về Bộ TN-MT về hiện tượng cá chết nhiều ở ven biển. Dù hiện tượng cá chết ở các thời điểm khác nhau nhưng cá chết nhiều như vậy đã xảy ra ở diện rộng”.

Theo ông Tùng, hiện tượng cá chết ngoài biển lan ra mấy tỉnh liền là vấn đề rất nghiêm trọng. “Yêu cầu trước mắt với đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT là phải khảo sát từng khu vực, đánh giá hiện tượng cá chết, mức độ và phạm vi ảnh hưởng. Còn để tìm nguyên nhân, đoàn kiểm tra giao cho một số đơn vị chuyên môn thực hiện việc lấy mẫu nước ở những vùng có cá chết để tiến hành phân tích” – ông Tùng nói.

Một lãnh đạo Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ TN-MT) cho biết ngay trong ngày 20-4, đoàn công tác của cục đã vào Hà Tĩnh, thực hiện việc khảo sát tại khu vực ven biển Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

“Ngày 21-4 đoàn sẽ tiếp tục vào Quảng Bình, Quảng Trị để khảo sát hết những vùng ven biển có hiện tượng cá chết” – vị này cho hay.

Theo thông tin từ Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN), trước tình trạng khẩn cấp ở Hà Tĩnh, 4g sáng 20-4, hai chuyên gia của phòng phân tích độc chất môi trường thuộc viện đã lên đường vào Hà Tĩnh để trực tiếp lấy mẫu nước của vùng biển có cá chết hàng loạt. Các mẫu nước sẽ được mang về phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ môi trường phân tích, đánh giá trong thời gian sớm nhất.

Các chuyên gia của viện cho biết dựa trên những thông tin ban đầu về tình trạng cá chết không chỉ ở tầng nước mặt mà cả ở tầng nước đáy là rất đáng lo ngại, nguy cơ ô nhiễm nước biển có thể đang lan rộng theo các dòng hải lưu.

XUÂN LONG – T.HÀ

“Có yếu tố gì đấy về môi trường”

Một chuyên gia nghiên cứu về thuỷ hải sản cho rằng rất khó để nhận định nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt vì cần có những kết quả nghiên cứu, phân tích nguồn nước, môi trường sống cụ thể khu vực này.

Về các giả thiết nguyên nhân gây cá chết, từ thông tin ban đầu qua báo chí, chuyên gia này nhận định nếu cá chết nhiều chủ yếu là cá sống dưới tầng đáy của biển thì nguyên nhân do xả nước thải là khó. Trường hợp cá sống ở tầng mặt bị chết thì dễ lý giải, bởi khi xả thải thì nước thải là nước ngọt thường nổi trên tầng mặt chứ khó mà chìm xuống tầng đáy.

Hiểu đơn giản, nước biển nặng hơn nước ngọt 34 phần ngàn, một khối nước biển nặng hơn một khối nước ngọt 34kg, trừ khi có một khối nước thải nào có thể hoà tan được gần 40kg tính chất rắn thì mới chìm được xuống tầng đáy. Nhưng nếu ở dạng bùn thải thì có thể chìm xuống được tầng đáy.

Chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng người ta đào đường ngầm xuống biển để xả thải làm ô nhiễm nước tầng đáy khiến cá chết hàng loạt.

Vị chuyên gia này còn nói thêm cá chết do bệnh thì thường chỉ một số nhóm chết, còn chết hàng loạt thì khả năng có yếu tố gì đấy về mặt môi trường.

Nguyên nhân người ta nói do nguồn nước nhiễm độc nhưng muốn kết luận phải có kết quả phân tích nước xem trong đó có độc gì. Ngay cả mặt tảo cũng không có nhóm tảo nào gây chết cá nhiều như vậy.

Do vậy, muốn có kết luận chính xác phải có thông số, thông tin cụ thể, có nghiên cứu đánh giá khoa học về cụm nước ở khu vực này.

THÂN HOÀNG

VĂN ĐỊNH – HỒ VĂN – 
QUỐC NAM – LAM GIANG – NHẬT LINH