Thầy Việt “cụt” mê bóng bàn
41 năm mất đi cánh tay phải, thầy Việt “cụt” vẫn sống khoẻ với cánh tay còn lại bằng niềm vui, sự lạc quan vô bờ bến với bóng bàn
Thầy Việt “cụt” mê bóng bàn
41 năm mất đi cánh tay phải, thầy Việt “cụt” vẫn sống khoẻ với cánh tay còn lại bằng niềm vui, sự lạc quan vô bờ bến với bóng bàn.
Ông Việt “cụt” dạy bóng bàn ở Trung tâm thể thao Ba Đình – Ảnh: Nam Khánh |
Gặp thầy Việt “cụt” tại Trung tâm thể thao Ba Đình trên phố Quán Thánh lúc nào cũng thấy ông mồ hôi nhễ nhại với chiếc vợt trên tay.
Lính phòng không với “báu vật” vợt bóng bàn
Thầy Việt “cụt” tên thật là Nguyễn Duy Việt, năm nay 64 tuổi và từng là cựu chiến binh thời chống Mỹ tại chiến trường Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trên phố Nam Ngư, từ nhỏ ông Việt đã mê thể thao. Vì thế, chưa đầy 10 tuổi bố mẹ đã đưa ông và người anh trai đi tập bơi, hai anh em ông sau đó được đưa vào đội nhảy cầu của miền Bắc tập luyện tại bể bơi Ba Đình. Khi Mỹ ném bom miền Bắc, gia đình phải sơ tán khỏi Hà Nội, ông Việt mới nghỉ tập nhảy cầu. Tuy nhiên, đi đâu ông cũng mang theo chiếc vợt bóng bàn được người anh rể tặng.
Năm 1969, ông Việt đậu vào Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội. Đang học dở dang năm thứ nhất, theo tiếng gọi Tổ quốc, ông đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1969-1971. Là lính phòng không bảo vệ bầu trời Vĩnh Linh, dù nhiều lần vào sinh ra tử nhưng trong balô ông Việt luôn có chiếc vợt bóng bàn.
Ông Việt nhớ lại: “81 ngày làm nhiệm vụ bắn máy bay ở chiến trường Quảng Trị, trừ những lúc làm nhiệm vụ, rảnh rỗi là tôi lại mang vợt ra đánh bóng bàn với đồng đội. Trong balô của tôi không bao giờ thiếu chiếc vợt. Để có bàn đánh bóng, hết thời gian chiến đấu tôi đi kiếm miếng gỗ lim đóng lại thành bàn bóng rất chắc chắn. Bóng bàn đã ăn vào máu và giúp người lính như tôi lạc quan đi qua những tháng ngày gian khổ nơi chiến trường khốc liệt”.
Năm 1972, ông Việt được điều động ra Hà Nội tham gia bảo vệ bầu trời thủ đô khi máy bay Mỹ ném bom B52 tại Hà Nội. Hoàn thành nhiệm vụ năm 1973, ông và một đồng đội được đưa lên Lạng Sơn tập huấn 3 tháng để đi thi đấu bóng bàn giải toàn quân.
Ngày 8-4-1975, ông Việt mất đi cánh tay phải do một tai nạn trên đường hành quân. Cuộc đời chàng sinh viên Hà Nội đã xoay chuyển khi ông về thủ đô với cơ thể không còn lành lặn. Thế nhưng ông Việt quyết không chùn bước trước số phận.
Quay trở lại giảng đường đại học
Hòa bình lập lại, ông Việt trở lại Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội hoàn thành khóa học ở khoa trồng trọt để lấy bằng kỹ sư, ông bắt đầu mọi thứ bằng cánh tay trái còn lại của mình.
Ông Việt kể: “Không có gì là không thể làm được, mất tay phải thì còn tay trái và tôi đã tập viết, tập bóng bàn bằng cánh tay trái còn lại. Trước đây tôi đã xung phong đi nhập ngũ vì suy nghĩ nếu tôi không đi thì anh trai tôi cũng xung phong đi lính. Thế nhưng lúc tôi vào chiến trường, anh tôi cũng nhập ngũ vì không muốn em trai phải hi sinh thay mình. Cuối cùng anh trai đã hi sinh, tôi còn sống tức là còn may mắn. Vì thế không có khó khăn nào mà người lính không thể vượt qua”.
Câu chuyện với ông Việt nhiều lần ngắt quãng bởi những giọt nước mắt xúc động. Thỉnh thoảng ông lại lôi trong balô ra những tệp ảnh cũ của ông tại chiến trường hay với những người bạn đồng ngũ, đôi khi là các học trò ông đã dạy bóng bàn suốt 20 năm qua.
Tốt nghiệp đại học, ông Việt về làm ở Tổng công ty Rau quả VN, phòng xuất khẩu chuyên xuất khẩu nông sản sang Liên Xô cũ. Lúc cơ quan làm ăn sa sút, ông thậm chí bị điều xuống làm bảo vệ. Vừa làm việc, 20 năm qua ông còn vác vợt đi dạy ở nhiều CLB bóng bàn như Trung tâm thể thao Ba Đình, nhà in Tiến Bộ… để có thêm thu nhập và thỏa niềm đam mê. Năm 2002, ông Việt còn tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Huế và giành HCB 50m bơi ếch.
Thể thao để vui sống
Ở Trung tâm thể thao Ba Đình, nhiều người gọi ông Việt là “thầy” bởi ông là HLV bóng bàn ở đây. Gặp ông Việt lúc nào cũng thấy ông cười và tràn đầy niềm vui sống. Trung tướng Nguyễn Phúc Hoài, nguyên cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh – quân đội, Tổng cục Chính trị, một học viên của ông Việt, cho biết ông phục ông Việt bởi tinh thần lạc quan, yêu đời hiếm có.
Tướng Hoài nói: “Trước đây tôi chơi quần vợt, bi-a, cầu lông… Giờ tuổi cao tập bóng bàn thấy phù hợp với sức khoẻ của mình. Tình cờ gặp anh Việt và biết anh dạy bóng bàn nên tôi đã nhờ anh dạy mỗi tuần 3 buổi tại Trung tâm thể thao Ba Đình. Anh ấy dù mất một tay nhưng trình độ bóng bàn rất tốt, đặc biệt là sự nhiệt tình và tinh thần lạc quan vào cuộc sống. Thể thao đối với những người như chúng tôi không đơn thuần là sức khỏe mà nó còn là liều thuốc tuyệt vời để vui sống”.
Học trò của ông Việt chủ yếu là những người trưởng thành hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Có những em nhỏ bị tự kỷ ông Việt đến tận nhà để hướng dẫn. Có những người sức khoẻ yếu, mắt kém ông Việt dạy bóng bàn để tăng cường thể lực giúp họ vui sống.
“Kinh nghiệm của tôi là niềm say mê với bóng bàn và 40 năm cầm vợt. Với bóng bàn, cảm giác bóng là điều quan trọng nhất và điều đó chỉ có yêu và rèn luyện hằng ngày mới có được”, ông Việt chia sẻ.
Có ngày dạy 3-4 ca Tuy không có bằng cấp nhưng người tìm đến ông Việt học bóng bàn rất nhiều. Có ngày ông phải dạy đến 3-4 ca nhưng nhiều khi học viên đuối sức mà ông vẫn nài họ tập thêm để ra mồ hôi. Học phí của ông Việt cũng rất mềm, chỉ 100.000 đồng/giờ nên học viên tìm đến ông không ít. Chị Hương, một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, bị bệnh về mắt khiến chị không nhìn rõ. Chị nói: “Mắt kém khiến sức khoẻ, tinh thần và thể chất của tôi không tốt. Tình cờ biết anh Việt và học bóng bàn giúp tôi vui vẻ hơn rất nhiều”. |