27/12/2024

Chàng trai 23 tuổi dọn rác đại dương nhận 1.500 email thắc mắc

Từ năm 18 tuổi, cậu sinh viên Boyan Slat đã diễn thuyết về kế hoạch dọn rác trên đại dương. Và nay ở tuổi 23, anh đã kêu gọi được 31,5 triệu USD góp vốn cho Công ty The Ocean Cleanup của mình để tiếp tục sứ mệnh này.

 

Chàng trai 23 tuổi dọn rác đại dương nhận 1.500 email thắc mắc

Từ năm 18 tuổi, cậu sinh viên Boyan Slat đã diễn thuyết về kế hoạch dọn rác trên đại dương. Và nay ở tuổi 23, anh đã kêu gọi được 31,5 triệu USD góp vốn cho Công ty The Ocean Cleanup của mình để tiếp tục sứ mệnh này.
 
 
 

Chàng trai 23 tuổi dọn rác đại dương nhận 1.500 email thắc mắc - Ảnh 1.

Cấu trúc thả nổi hoạt động bằng năng lượng mặt trời để dọn rác trên biển của Công ty The Ocean Cleanup – Ảnh: THE OCEAN CLEANUP

 

Theo dõi hành trình đã và đang trải qua của Slat, người ta không có lý do để nghi ngờ mục tiêu của anh là ảo tưởng. “Tôi luôn bị ám ảnh với thiên nhiên. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã tạo ra vấn đề này, vậy thì tại sao chúng ta lại không thể giải quyết được nó?” – chàng trai người Hà Lan chia sẻ.

“Vấn đề” mà Slat nói tới ở đây là 8-13 triệu tấn rác thải nhựa đang bị tống ra các đại dương mỗi năm và Công ty The Ocean Cleanup cùng ông chủ Slat đang tiến hành các giải pháp thu gom, dọn dẹp triệt để chúng.

Năm 16 tuổi khi còn học trung học, lần đầu tiên Slat tiếp cận cái mà anh gọi là “vấn đề” này trong kỳ nghỉ của gia đình trên đảo Lesbos của Hi Lạp năm 2010.

Khi đó Slat tham gia một khóa học lặn và đã rất sốc khi chứng kiến mức độ ô nhiễm rác nhựa trong nước biển. “Túi nhựa thậm chí còn nhiều hơn cả cá ở đó” – anh nhớ lại. Ngay từ khoảnh khắc ấy, Slat đã nghĩ tới việc phải làm gì đó để dọn dẹp tất cả số rác thải trên biển.

Trở về nhà sau chuyến đi, Slat tìm đủ loại sách vở và lên Google tra cứu tất cả những thông tin liên quan. Sau đó, cùng một người bạn anh nghĩ ra ý tưởng dọn rác và dùng nó tham gia kỳ thi khoa học ở trường.

Ý tưởng đặt một rào chắn dài trên biển để thu gom những miếng rác nhựa lớn trôi nổi đã mang lại giải thưởng cho họ với điểm số 9,5/10.

Hai năm sau, bất kể việc theo học chuyên ngành kỹ sư hàng không tại thành phố Delft (Hà Lan), nỗi ám ảnh về rác nhựa trên đại dương vẫn đeo bám chàng trai trẻ.

Vào đại học không lâu, Slat được mời tham gia diễn đàn TED tổ chức tại Delft để trình bày những giải pháp làm sạch đại dương theo cách hiệu quả, tiết kiệm hơn bằng việc lợi dụng những dòng hải lưu.

Anh hình dung về mô hình một cấu trúc thả nổi hoạt động bằng năng lượng mặt trời với các “cánh tay” hình chữ V dài 100km ngăn rác lại trên biển.

Lợi dụng các dòng hải lưu, những “cánh tay” này sẽ gom rác vào một khu vực trung tâm, từ đó có thể dùng thuyền vớt sạch rác theo tần suất định kỳ. Rác sau khi gom có thể bán cho các công ty tái chế, xử lý thành những vật dụng hữu ích khác.

Về lý thuyết cấu trúc này có thể gom rác vô thời hạn và rốt cuộc có thể giải quyết được những đảo rác nhân tạo lớn. Trên diễn đàn TED năm đó, chàng trai 18 tuổi đã nói: “Tôi tin là đảo rác nhân tạo lớn nhất trên Thái Bình Dương có thể hoàn toàn được dọn sạch trong năm năm nữa”.

Video ghi lại buổi thuyết trình này đã “gây bão” trên mạng xã hội Facebook trong một tuần sau đó. Tính tới nay video của Slat đã thu hút hơn 2,7 triệu lượt xem trên YouTube và mang lại danh tiếng toàn cầu cho anh. Nhưng với chàng trai trẻ, đó là chuyện hoàn toàn ngoài mong muốn.

Slat nói: “Tôi không hề muốn video gây chú ý như vậy. Tôi nghĩ ý tưởng đó còn quá mới mẻ và vẫn chưa được thực hiện thành công.

Do đó nếu báo chí nói quá nhiều về tôi, mọi người sẽ coi đó là vớ vẩn, cho rằng cơ sở khoa học và kỹ thuật của nó không chắc chắn.Tôi nhận được 1.500 email thắc mắc mỗi ngày”.

Trên thực tế, đúng là kế hoạch dọn rác đại dương của Slat đã vấp phải phản đối của không ít chuyên gia hải dương học, nhà khoa học tiếng tăm.

Nhà sinh học biển Jan van Franeker cho rằng giải pháp của Slat chỉ là vô ích, không có căn cứ khoa học. Với phần lớn các nhà khoa học, việc dọn rác trên đại dương chỉ nên tập trung vào việc ngăn ngừa rác nhựa trút ra biển ngay từ đầu nguồn và dọn dẹp rác ở khu vực gần bờ.

Bất chấp những quan điểm trái chiều, Slat chủ động né tránh truyền thông để tập trung cho công việc của mình.

Anh rời trường đại học sau sáu tháng nhập học, thành lập Công ty The Ocean Cleanup và làm việc không lương cùng các tình nguyện viên khác tại công ty này cho tới lúc các khoản đầu tư đổ vào cho họ.

Năm 2016, The Ocean Cleanup triển khai dự án dọn rác thí điểm với cấu trúc thả nổi 100m ở Biển Bắc. Tuy nhiên sau hai tháng cấu trúc này đã bị vỡ tan do tác động của nước biển và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Nhóm kỹ sư của công ty tiếp tục vắt óc tìm giải pháp tồn tại bền vững hơn cho cấu trúc thả nổi. Một mẫu thiết kế nhỏ hơn của họ dự kiến tung ra thị trường trong năm 2018. Họ hi vọng đưa vào vận hành được 50 cấu trúc như vậy với giá thành vài triệu USD mỗi sản phẩm. Với đà đó, trong năm năm nữa họ kỳ vọng có thể dọn được nửa đảo rác nhân tạo.

 

boyan_slat_by_yurivangeenen

Anh Boyan Slat - Ảnh: ATLASOFTHEFUTURE

Năm năm sau ngày thành lập công ty, Slat vẫn đang ở cương vị nhà sáng lập kiêm CEO, điều hành một nhóm nhân viên 65 người làm việc có lương, gồm các nhà nghiên cứu và kỹ sư, hầu hết họ đều lớn tuổi hơn anh. Các khoản tiền quyên góp cho dự án dọn rác đại dương của The Ocean Cleanup tới nay được hơn 31,5 triệu USD, chủ yếu đến từ các đơn vị kinh doanh liên quan hoặc các mạnh thường quân. Trong số những trường hợp ngưỡng mộ và ủng hộ Slat, có rất nhiều nhà đầu tư ở thung lũng Silicon và có cả cơ quan Liên Hiệp Quốc, cơ quan này đã tôn vinh Slat bằng giải thưởng môi trường danh giá của họ là “Người bảo vệ Trái đất” (Champion of the Earth).