29/12/2024

Vào phủ chầu chúa Trịnh

Tập hàng hải nhật ký (journal de bord) của chiếc thuyền buôn Hoà Lan (Hà Lan) mang tên Grol từng đến VN vào năm 1637 mô tả việc người nước ngoài yết kiến chúa Trịnh.

 
Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây: Vào phủ chầu chúa Trịnh
 
 
 
 
Tập hàng hải nhật ký (journal de bord) của chiếc thuyền buôn Hoà Lan (Hà Lan) mang tên Grol từng đến VN vào năm 1637 mô tả việc người nước ngoài yết kiến chúa Trịnh.







Một khu phố Hà Nội cuối thế kỷ 19 – Ảnh: T.L


Ngày 18 tháng tư. Các phái viên tới bờ sông mời thuyền trưởng của chúng tôi lên nghe tuyên đọc tờ chỉ của vua. Hai ông Hartsinck và Vincent Romeyn lên bờ, các phái viên mở chỉ ra đọc rồi giảng chỉ, đại ý như thế này: Việc người Hòa Lan đến Đàng Ngoài làm cho vua rất đẹp ý. Ngài có cử phái viên để dẫn người Hòa Lan và hàng hoá đến kinh kỳ, lần này thì không theo lệ khám xét thuyền nhưng ngài muốn có một bản kê khai thực đúng các đồ vật hàng hóa trong thuyền.
Sau đó các phái viên mới xuống thuyền, đem theo nhiều binh lính, chúng tôi đoán có lẽ tại người Bồ Đào Nha đồn bậy về chúng tôi, nên họ mới đề phòng. Nói chuyện với các phái viên, chúng tôi mới tường duyên cớ và có biện bạch để bào chữa cho mình, có kể được chính phủ Nhật biệt đãi, còn người Bồ Đào Nha thì bị cầm giữ trong một hòn đảo nhỏ. Chúng tôi nói muốn sau này đem những thuyền to sang đây buôn bán. Đôi bên từ biệt nhau rất thân thiện. Hàng hóa dỡ xuống đò.
Ngày 19 tháng tư. 9 giờ sáng; 10 chiếc đò chở các phái viên và hàng hóa của thương hội kéo buồm chạy. Mặt trời lặn thì đến sông Luộc (Cona-Lacq), chúng tôi áp mạn.
Ngày 21 tháng 4. 1 giờ trưa, gặp thuyền các giáo sĩ Bồ Đào Nha, thêm chiếc Galiote, có một chiến thuyền của vua đi kèm. Chiếc thuyền Bồ Đào Nha chở 620 tạ tơ, đến xứ Đàng Ngoài từ tháng một tây năm ngoái, còn chiếc Galiote thì đến sau một tháng. Chúng tôi tiếc rằng chiếc Waterlooze Werve không thể sang đây được, trái với ý định của chúng tôi, nếu có nó đi tuần ở ngoài bể thì thế nào hai chiếc kia cũng bị nó bắt.
Ngày 22 tháng tư. Mãi tối mới đến Kẻ chợ (tên gọi khác của Thăng Long – Hà Nội xưa – PV). Chúng tôi có hứa sẽ biếu quan (đứng đầu các phái viên) và ông Cai bạ nhiều thứ đẹp nếu hai ông giúp cho chúng tôi buôn bán được lợi ở đây. Hai ông có xin chúng tôi cho hai hòm bạc rồi các ông sẽ đổi tơ cho, theo như lệ xưa nay với tất cả thương khách các nước kể cả người Nhật Bản. Tuy chúng tôi không muốn, nhưng sau cũng cho họ hai hòm nhưng buộc phải trả chúng tôi bằng số tơ nặng gấp 17 lần.
Ngày 23 tháng tư. Quan phái viên trưởng và quan Cai bạ vào chầu trong phủ chúa. Hai giờ chiều, tất cả các đò đều ghé bến Kẻ chợ. Các quan trong phủ đòi 30 hòm bạc, sau sẽ có tơ trao cho, chúng tôi không nghe nhưng sau phải chịu mất 20 hòm. Họ coi bạc và hàng một cách “suồng sã” quá, như của ăn cắp vậy.
Buổi chiều, các ông Hartsinck, Vincent Romeyn, các người phụ tá, người làm, tất cả là 17 người, đi theo quan phái viên trưởng và quan Cai bạ vào phủ. Trước khi vào, chúng tôi phải bỏ gươm ra. Người ta bảo chúng tôi lễ, chúng tôi chào theo lối Hoà Lan, tuy chẳng thấy chúa đâu cả, trong phủ không nom thấy ngài và chẳng có quan đại thần nào. Chúng tôi ngồi xuống chiếu chung quanh có nhiều quân lính mang khí giới. Các tặng vật đem vào điện, không được trịnh trọng và lễ nghi cho lắm. Họ cho chúng tôi ăn và uống theo lối trong xứ.
Chúng tôi sai hai viên phụ tá Mathys ten Broecke và Pieter Huysmans vào phủ mở các hòm bạc và hàng hóa để chúa lựa chọn. Lúc chúng tôi ăn xong, chúa phái hai viên Cai bạ còn trẻ đến hỏi chúng tôi về vị trí nước Hoà Lan ở phương nam hay phương bắc. Chúng tôi đáp: “Ở 52 độ thuộc bắc vĩ, nước Hòa Lan sản xuất hổ phách, dạ len, tơ, lụa, nhung, sa tanh, dạ kim tuyến, dạ ngân tuyến cùng nhiều hàng khác nữa”.
Ăn xong chúng tôi đứng lên và chào một lần nữa, tuy chẳng thấy chúa hoặc một quan to nào cả. Chúng tôi cáo từ, rất bực tức về cách họ tiếp đãi và cách họ lôi vứt hàng hoá. Tối đến, chúa sai khiêng trả lại những hòm và hàng hoá còn lại chúa không dùng sang nơi chúng tôi đóng, kèm thêm 5 vạn tiền đồng, mấy lọ cá thối và mấy lọ cau. Đêm nay, chúng tôi ngủ cả dưới đò.
Ngày 25 tháng tư. Chúng tôi được vào phủ chầu chúa, nhưng không được thấy long nhan. Nhưng (lúc trước) đã được gặp chúa ngự kiệu, xa giá ở dọc đường. Chúa tuổi đã cao, có ba, bốn nghìn quân lính đi tùy giá. Người ta đồn ngài có đến 60 bà phi và 84 người con. Hôm sau bọn Bồ Đào Nha được vào yết kiến chúa và lại nhắc lại những điều họ thường vu cáo chúng tôi.
Ngày 26 tháng tư. Trong cuộc giao thiệp với triều đình Đàng Ngoài, chúng tôi được một người đàn bà Nhật, bà Ouroussa giúp đỡ rất nhiều; bà lại còn làm thông ngôn cho chúng tôi. Bà đã đảm nhận lấy việc bênh vực chúng tôi trước mặt chúa Trịnh chống với lời vu cáo của bọn Bồ Đào Nha. Bà có cho chúng tôi biết rằng chúa Trịnh không để vào tai những lời sàm tấu của người Bồ Đào Nha và tại phủ liêu, người ta không hề tin rằng người Hoà Lan chúng ta có những dự định sằng bậy để đến Đàng Ngoài.
Ngày 27 tháng tư. Chúng tôi trở lên bộ, một số lớn bạc còn lại trong thuyền.
Ngày 28 tháng tư. Chúng tôi được tin rằng chín người Hòa Lan, vài người khách trú (Trung Quốc) bị quan trấn hải tước hết trọng pháo, súng ống, đạn dược; giữ chiếc thuyền lại mười ngày, xong rồi thả cho đi, chỉ bắt giam viên hoa tiêu và hai người Hoà Lan vào ngục; còn bọn khách trú trốn thoát hết. Chúng tôi làm sớ dâng lên chúa Trịnh để xin tha cho những người Hoà Lan bị cầm tù; chúng tôi cam đoan sẽ trả hết số tiền quan trấn hải chắc đã chi phí về việc bắt giữ cho họ; chúng tôi xin chúa trả lại cả những súng, đạn cho chúng tôi.
Chúng tôi được chúa trả lời ưng thuận.

Nguyễn Trọng Phấn (dịch)