02/11/2024

Dân chúng vui xuân thời Lê – Trịnh

Nhiều cuộc thi tài tổ chức vào dịp đầu năm để dân chúng vui chơi được nhà truyền giáo Ý G.F.de Marini ghi nhận vào thế kỷ 17.

 
Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây: Dân chúng vui xuân thời Lê – Trịnh
 
 
 
 
 
Nhiều cuộc thi tài tổ chức vào dịp đầu năm để dân chúng vui chơi được nhà truyền giáo Ý G.F.de Marini ghi nhận vào thế kỷ 17.








Điện Kính Thiên (Hà Nội) qua tư liệu của người Pháp

Điện Kính Thiên (Hà Nội) qua tư liệu của người Pháp


Đàn bà cũng thi
Có nhiều cuộc thi tài khéo, khó đến nỗi mắt tinh cũng bị nhầm. Có kẻ thử sức khỏe đánh vật; có kẻ thách đi mau, chạy nhanh.
Đàn bà cũng có một cuộc thi riêng thích hợp với phận sự và công việc của họ hơn là thi vo gạo, nấu cơm khéo và nhanh; củi phải đi kiếm tại một chỗ cách nơi ấy một phần tư dặm, nước cũng phải đến gánh tại một cái giếng (nhất định) rồi quảy củi, nước về, nhóm bếp, đặt nồi, tra gạo; cơm chín, dỡ vào một cái đĩa đặt lên bàn để ban giám khảo đi nếm xem cơm bàn nào nấu vừa và chín khéo có giải thưởng. Giải thưởng không được quý trọng bằng vinh dự do đã thắng kẻ cùng dự thi.
Cũng có kẻ đấu thương, bắn súng, nạp thuốc không, có kẻ múa gươm, tre mộc. Nhưng còn một trò chơi rất vui thích vừa cần sức khoẻ, vừa cần tài hay, ai thắng tất cả địch thủ được thưởng một tấm lụa, ấy là trò đánh đu…
Hôm mồng ba, các nhà sư cũng có dự vào đám rước riêng, rất rực rỡ và long trọng. Vị sư trưởng mặc áo màu đen bóng nhoáng; đầu đội mũ, ngồi trên một cái kiệu có phu mặc quần áo kiểu nhà chùa khiêng. Các sư đi theo liền sau ngài, bận áo cà sa tốt và đẹp; cổ đeo tràng hạt bằng thủy tinh nhiều màu lóng lánh. Trước hôm ấy, có một đạo binh rất nhiều quân lính đến đóng giữa một cánh đồng rộng, đóng đầy cho đến khi lễ xong. Khắp mọi phía có thiết lập nhiều hương án thờ các tướng sĩ đã vì nước bỏ mình và đã đem lại sự tự do cho xứ sở; để thờ cả hình ảnh những tướng giặc có tiếng tăm ngày xưa đã hùng cứ và thống trị các vùng trong xứ. Sáng ba mươi tết, người ta dẫn ra đẩy những súc vật đã nuôi béo và sẽ mổ để tế thần. Vị sư trưởng đi kiệu ra; các sư đi hàng đôi theo sau; rồi mới đến các quan cưỡi ngựa hoặc ngồi voi, bận triều phục rực rỡ. Quân lính kéo đến rất có thứ tự.
Khi mọi người đã đến đông đủ, thì có tin về báo đức vua. Đạo ngự ra đến nơi thì dân chúng hoan hô vang trời; các pháp sư và các quan liền bắt đầu khấn khứa ngay, vua lễ bốn lễ cúng vong linh các tướng quân và các tướng giặc anh dũng. Ngài cầm một cái cung và năm mũi tên bắn các nghịch vương nhà Mạc; xong rồi, họ đốt hương, trầm, dâng lễ cúng; khấn các bậc anh hùng đã quá cố che chở cho nước nhà được bình yên, làm cho tên nào có lòng bội phản, còn sống hoặc đã chết rồi, tiệt đi, không có cách bén mảng đến gần biên thuỳ nữa. Lễ xong thì bắn súng thần công và ba loạt súng trường. Xong rồi, quân lính tản mát ra khắp cánh đồng ngồi ăn uống tự nhiên không suy nghĩ. Họ ăn uống rất ngon lành, xong rồi ai về nhà nấy, nghỉ ngơi chờ cho rã rượu hoặc đánh bạc vui chơi hết cả buổi chiều. Thế là hết tết và ngày hôm sau các nha, ty lại mở cửa làm việc. Cuối năm trước, ấn tín các sở đã đem khóa cất một nơi; muốn các nha, ty lại mở cửa thì ấn tín phải giao trả viên quan coi giữ.
Tiếp rước sứ tàu
Khi đón tiếp sứ thần Trung Quốc, tất cả các quan đại thần, đoàn đi tuỳ giá, bên văn ban cũng như võ bị, ai nấy đeo dấu hiệu của bộ mình và có rất đông thuộc hạ mang chế phục riêng. Lại còn rất nhiều các quan khác nữa cả văn lẫn võ, mặc sắc phục rất đẹp, trong số này có nhiều ông chưa được bổ vào phụng sự đức vua nhưng cũng đến chầu chực để được chú ý hơn những kẻ đối địch của mình hòng tiến thân.
Trang phục của bọn tiểu đồng, nhất là của binh lính, bộ binh và kỵ binh hợp thành một cảnh sắc huy hoàng, rực rỡ. Mỗi một đội có một binh phục riêng, áo khác màu với đội khác. Binh khí mà mỗi người mang trong những dịp này là giáo trường, trường thương, tên, súng hoả mai, yển nguyệt đao, đoản đao, thương hay siêu đao. Tất cả đều sáng nhoáng, có dát vàng, dát bạc, hay nạm ngà.
Thuỷ quân cũng không kém lộng lẫy. Vua đồng ý với chúa, đem một đoàn thuyền chiến đi đón sứ Trung Quốc và dàn thuyền ra thành thế trận trên sông để sứ Tàu giải trí. Sự tiếp rước này rất linh đình, xán lạn. Trong lúc tiếp kiến đầu tiên, vua và chúa mặc triều phục, đi hia, mũi nhọn vênh lên như mũi những chiếc thuyền nhỏ và đội một thứ mão trông rất kỳ khôi. Vua và chúa quỳ lễ bốn lễ và vái một vái dài bái nhận sắc thư của vua Tàu do sứ thần mang đến, giao cho. Đi đâu sứ thần cũng ở bên phải vua và đứng làm người đại diện của hoàng đế, được các đình thần bái mạng. Lễ tiếp nghênh xong rồi thì sứ thần được tiếp như người thường nhưng vì ông ta là người ngoại quốc vẫn được tôn trọng như một đường quan.
Một cuộc vui được diễn ra. Để nghênh tiếp sứ thần Trung Quốc, một cuộc sắp xếp các thuyền chiến thành hàng năm chiếc một, hàng nọ cách hàng kia đều nhau, thuyền sau nối thuyền trước thành nhiều dãy dài, được trang điểm rất đẹp đẽ. Hai bên bờ sông, trên suốt một quãng dài mấy dặm, có dựng nhiều cột trên cắm cờ màu sắc khác nhau gió luôn luôn làm phấp phới. Các đội bộ binh đóng khắp nơi chỗ này gióng trống, chỗ kia đánh thanh la, có chỗ thổi sáo thổi kèn để đáp lại. Lúc sứ thần sắp đến, quân lính hoan hô vang giời, bắn một loạt súng hoả mai, thần công để chào. Sứ Tàu ở dưới thuyền xong lên bờ, bọn thuyền thủ bỏ mái chèo tay cầm súng và đợi cho thuyền chiến bắn súng thần công xong, cũng bắn một loạt súng hoả mai để tỏ dấu vui mừng và hoan hỉ.

G.F.DE MARINI 
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)