Xin xây thuỷ điện trong khu bảo tồn
Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai xin chủ trương xây thêm hai đập thủy điện, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết UBND tỉnh đang giao đơn vị chủ trì khảo sát thực tế…
Xin xây thuỷ điện trong khu bảo tồn
Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai xin chủ trương xây thêm hai đập thuỷ điện, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết UBND tỉnh đang giao đơn vị chủ trì khảo sát thực tế…
Vị trí được đề xuất cho làm lòng hồ thuỷ điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng – Ảnh: B.D. |
Trong khi thuỷ điện An Khê Kanak (Gia Lai) đang gây tranh cãi về công trình “sai lầm thế kỷ” thì lại thêm hai đập thuỷ điện đang được tỉnh này yêu cầu khảo sát cho ý kiến để bổ sung quy hoạch.
Ngày 10-4, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết UBND tỉnh đang giao đơn vị chủ trì khảo sát thực tế và lấy ý kiến các đơn vị liên quan về hai đập thuỷ điện Suối Say 1 và Suối Say 2. Cả hai đập này đều trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt của khu bảo tồn Kon Chư Răng (huyện Kbang). Dự án này được Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai trình UBND tỉnh xin chủ trương.
Đặt thuỷ điện giữa rừng già
Khu bảo tồn Kon Chư Răng nằm dọc tuyến đường Đông Trường Sơn nối Kon Tum với Gia Lai đoạn đi qua huyện Kbang. Rừng ở đây vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Từ trung tâm khu bảo tồn muốn đến được khu vực dự kiến xây dựng nhà máy thuỷ điện phải đi bộ 2-3 giờ, qua những cánh rừng với hàng lớp cây cổ thụ nhiều người ôm.
Dù đang giữa đợt hạn lịch sử của Tây nguyên nhưng rừng trong Kon Chư Răng vẫn xanh mướt, ẩm ướt. Tại vị trí dự kiến làm thuỷ điện, một dòng suối lớn chảy ào ạt qua những lớp rừng dày đặc, chưa bị tác động từ bên ngoài. Dọc dòng suối có nhiều ngọn thác lớn nằm sâu trong rừng, đáng chú ý là thác 50 có cột nước cao tới 54m, chảy quanh năm.
Ông Trịnh Viết Ty – giám đốc khu bảo tồn Kon Chư Răng – cho rằng: “Đứng ở góc độ bảo tồn thì rõ ràng không ai ủng hộ cho làm thủy điện. Nhưng phải nói thật là hiện nay vốn nhà nước đầu tư vào rừng của chúng tôi rất hạn hẹp”.
“Anh em kiểm lâm đi rừng rất vất vả, đường đi không có, đi từ bên này qua bên kia rừng có khi hai ba ngày mới tới. Nếu làm được thủy điện thì người ta cũng bỏ tiền ra làm đường đi tuần tra, rồi khách du lịch có tới cũng có tuyến đường vào thăm vườn. Chúng tôi rất phân vân, mình đi bảo vệ rừng mà nói ủng hộ cho thuỷ điện phá rừng thì cũng không đúng, mà cực đoan quá thì mất đi cơ hội phục vụ tốt việc giữ rừng”.
Ông Ty cho biết theo đề xuất của Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai, đơn vị này sẽ đặt hai nhà máy thuỷ điện Suối Say 1, Suối Say 2 trên dòng suối đi qua khu bảo tồn. Hai đập thuỷ điện sẽ nằm theo hình bậc thang, dự kiến tổng công suất phát điện là 40 MW.
Nhìn trên bản đồ, vị trí dự kiến làm thủy điện là rừng đặc dụng trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt. Ông Ty còn nói rừng ở Kon Chư Răng đang duy trì độ che phủ trên 98%, nơi dự kiến đặt nhà máy thuỷ điện có hệ sinh thái rừng trung bình.
Theo ông Nguyễn An – giám đốc Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai, vị trí đề xuất xin làm nhà máy thuỷ điện từng được UBND tỉnh Gia Lai thống nhất cho hai đơn vị khác cũng làm thuỷ điện, “nhưng vì nhiều lý do nên họ không triển khai”.
Nếu được UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục đồng ý cho triển khai, hai đập thủy điện của công ty dự kiến được đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, sau khi hoàn thành công trình sẽ đem lại doanh thu gần 160 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 60 lao động, đóng thuế cho địa phương khoảng 25 tỉ đồng/năm.
Vị trí đề xuất xây dựng hai thuỷ điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng – Ảnh: B.D. |
“Vị trí quá nhạy cảm”
Ông Bùi Khắc Quang – giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai – cho biết sau khi có tờ trình đề xuất làm thuỷ điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng, UBND tỉnh có yêu cầu các ngành liên quan khảo sát thực địa, cho ý kiến về dự án. Hiện Sở Công thương đang tập hợp ý kiến các bên để trình UBND tỉnh.
Đại diện Sở Văn hoá – thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai cho biết theo quy hoạch chung của tỉnh Gia Lai, tỉnh đang tập trung ưu tiên phát triển du lịch, trong đó mũi nhọn là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong các cánh rừng già. Việc xin làm thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng sẽ có tác động lớn đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến rừng nguyên sinh.
“Vị trí mà Công ty 30-4 xin làm thuỷ điện thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, về luật thì không được tác động, rừng cũng còn rất dày. Chúng tôi rất lo không gian chung bị phá vỡ một khi dự án được triển khai nên quan điểm là không ủng hộ đề xuất này” – đại diện Sở Văn hoá – thể thao và du lịch nói.
Tương tự, đại diện Sở Xây dựng cũng cho rằng vị trí mà Công ty 30-4 xin làm thủy điện là quá nhạy cảm. “Sở chưa có ý kiến chính thức, nhưng về quan điểm chung là chúng tôi không ủng hộ” – ông này nói.
Ông Phạm Duy Du – giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Gia Lai – cũng nói sẽ có ý kiến chính thức với UBND tỉnh.
“Cái này mới là đề xuất từ phía doanh nghiệp, tỉnh yêu cầu cho ý kiến để đưa vào quy hoạch. Để ra một dự án thuỷ điện còn cả một quá trình dài. Về phía sở, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị liên quan ngồi lại bàn bạc hết các góc cạnh. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng đặt vấn đề làm thuỷ điện lúc này là chưa thích hợp. Đứng ở góc độ bảo tồn thì ít nhiều dự án sẽ làm ảnh hưởng tới rừng, nhất lại là khu bảo tồn” – ông Du nói.
Ông Trương Văn Đạt – bí thư Huyện uỷ Kbang – cho biết Kbang là huyện nghèo, rất cần được các doanh nghiệp tập trung đầu tư. Với đề xuất làm thuỷ điện của Công ty 30-4, huyện đang xem xét “được – mất” thì cái nào lớn hơn.
25ha rừng đổi lấy thuỷ điện 40 MW Giám đốc Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai Nguyễn An cho biết: “Đây mới là đề xuất bước đầu của doanh nghiệp, chúng tôi thấy có tiềm năng thì xin. Còn được hay không là thẩm quyền của UBND tỉnh”. Theo ông An, nếu được tỉnh Gia Lai đồng ý cho triển khai thì “cái được” từ thủy điện sẽ lớn hơn “cái mất”. Dự kiến hai nhà máy thuỷ điện sẽ lấy đi khoảng 25ha rừng trong khu bảo tồn, trong 25ha này có 6,1ha rừng đặc dụng. Tổng diện tích rừng mà thuỷ điện này gây ngập khoảng 10ha, phần còn lại là quỹ đất phải chuyển đổi để xây dựng đường công vụ, nhà máy phát điện, nhà ở cho cán bộ công nhân… Ngoài ra, hai nhà máy thuỷ điện đều nằm trong vùng không có dân cư nên không ảnh hưởng tới người dân. “Nếu nói rằng thuỷ điện có tác động xấu không thì chúng tôi khẳng định là có, dù ít dù nhiều. Nhưng nhìn rộng ra, hai nhà máy thuỷ điện tổng công suất lên tới 40 MW mà chỉ ảnh hưởng 25ha rừng thì vẫn được coi là thấp. Quan trọng nhất là khi dự án hoàn thành, công ty sẽ đóng thuế hàng chục tỉ đồng cho địa phương” – ông An nói. |