02/11/2024

Trang trại dâu tây Hàn Quốc giữa đại ngàn

Muốn vào tham quan, chụp hình vườn dâu phải tháo giày, mang dép riêng của trang trại, đây là điều khác biệt so với hàng trăm vườn dâu tây hiện có ở Đà Lạt.

 

Trang trại dâu tây Hàn Quốc giữa đại ngàn

 

Son Sang-hyeon trong trang trại trồng dâu ở Đạ Cháy - Ảnh: Lâm Viên

Son Sang-hyeon trong trang trại trồng dâu ở Đạ Cháy – Ảnh: Lâm Viên

Muốn vào tham quan, chụp hình vườn dâu phải tháo giày, mang dép riêng của trang trại, đây là điều khác biệt so với hàng trăm vườn dâu tây hiện có ở Đà Lạt.

Không chỉ khách tham quan, kể cả công nhân, nhân viên của nông trại mỗi khi vào khu nhà kính để chăm sóc hoặc thu hái dâu đều phải thay dép. Theo cô Trần Duy Dương Ngọc, trợ lý kiêm thông dịch cho chủ trang trại SamGong, cứ vài ngày công nhân lại xách nước lau chùi sàn vườn dâu được trải bằng bạt nhựa xanh. Tiêu chí của trang trại là sản phẩm phải sạch, an toàn, khu vực canh tác cũng phải sạch sẽ, gọn gàng…

Ông Son Sang-hyeon (41 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc), chủ trang trại, cho biết năm 2011 lần đầu ông đến Đà Lạt và nhận thấy đây là vùng đất lý tưởng để canh tác nông nghiệp công nghệ cao. Tới thăm một số vườn dâu tây, được ăn thử dâu tươi nhưng Son cảm thấy không thơm và ngọt như dâu Hàn Quốc. Từ đó, ông ấp ủ dự án lập nông trại canh tác dâu tây Hàn Quốc tại Đà Lạt.

Năm 2013, Son liên tục đến Đà Lạt để tìm hiểu và xúc tiến việc đầu tư thực hiện dự án. Tháng 8.2014, sau khi “tậu” được 6,7 ha đất cạnh khu rừng thuộc thôn Đạ Cháy, xã Đa Nhim (H.Lạc Dương, cách Đà Lạt hơn 30 km), cũng là lúc ông nhận được giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Lâm Đồng để thành lập Công ty TNHH nông trại SamGong.

Ở Hàn Quốc, Son làm việc cho một công ty chuyên kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nhưng khi quyết định chọn Đà Lạt để trồng dâu, Son chấp nhận chân lấm tay bùn như một nông dân thực thụ. Hằng ngày, ông cùng các công nhân lao vào việc phát cỏ hoang, san lấp mặt bằng để lập trang trại. Hầu hết các thiết bị nhà kính, máy móc, giàn inox, màng phủ… đều được ông mang từ Hàn Quốc qua, tính ra vốn đầu tư lên tới 700 triệu đồng/sào. Nhà kính trồng dâu tây theo công nghệ Hàn Quốc có hệ thống cảm ứng ghi nhận nhiệt độ, độ ẩm… nếu nhiệt độ tăng cao, hệ thống quạt gió tự động quay thì lưới che mát sẽ bung ra, hệ thống tưới phun sương hoạt động để làm mát. Phân bón được bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Với thuốc bảo vệ thực vật, việc sử dụng chọn lọc, ưu tiên các loại gốc sinh học; trước khi thu hoạch vài ngày vườn dâu được “cách ly” để bảo đảm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, khi hái là có thể ăn ngay. Hiện Son có 5.000 m2 nhà kính trồng dâu đã cho thu hoạch, trung bình mỗi ngày cho sản lượng 30 kg, giá bán “chào hàng” gần 300.000 đồng/kg. Tuy mới cho thu hoạch vài tháng nay nhưng nhiều đầu mối tiêu thụ từ Đà Lạt, TP.HCM, Hà Nội… đã tìm đến trang trại đặt hàng với số lượng lớn. Chị Phùng Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Công ty Green Path (Hà Nội), cho biết chị từng đến thăm nhiều vườn dâu và mua dâu Đà Lạt ra Hà Nội tiêu thụ nhưng dâu của SamGong thơm hơn, trái bóng đẹp và ăn ngọt hơn của các trang trại khác.

Son Sang-hyeon phấn khởi cho biết, ở Hàn Quốc chỉ có thể trồng dâu tây vào mùa đông, còn mùa hè không trồng được; nhưng với Đà Lạt thì có thể trồng quanh năm. Trang trại SamGong đang có 4 cử nhân ngành nông lâm làm việc, trong đó 2 kỹ sư từng được đi tu nghiệp tại Israel. “Muốn tạo sự khác biệt về chất lượng trái dâu, quan trọng nhất là khâu giống. Những giống dâu tây cấy mô tôi mang từ Hàn Quốc qua Đà Lạt đều có bản quyền và được các cơ quan chức năng VN kiểm dịch. Hiện tôi đang tiến hành đăng ký bản quyền cho những giống dâu này”, Son cho biết và khoe vườn dâu công nghệ Hàn Quốc của ông vừa được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận VietGap.

Để đầu tư trang trại dâu ở Đà Lạt, Son Sang-hyeon phải đưa vợ và 2 con gái từ Hàn Quốc qua VN sinh sống. Do Đà Lạt chưa có trường học quốc tế nên vợ và 2 con của ông đành sống ở TP.HCM để có điều kiện đi học. Vì vậy, cứ vài tuần Son lại đi TP.HCM thăm vợ con. Tuy “một chốn 3 quê” nhưng Son cho biết đang tiếp tục mở rộng nhà kính để trồng dâu vì muốn gắn bó lâu dài với vùng đất này.