28/12/2024

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của ngài tại Hy Lạp

VATICAN – ĐTC kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của ngài tại đảo Lesvos của Hy Lạp và những người tị nạn vào ngày 16-4-2016.

 Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của ngài tại Hy Lạp

 

 
VATICAN – ĐTC kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của ngài tại đảo Lesvos của Hy Lạp và những người tị nạn vào ngày 16-4-2016.

 Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 13-4-2016, ĐTC nói:

“Thứ bảy tới đây tôi sẽ đến đảo Lesvos, là nơi chuyển tiếp trong những tháng qua của rất nhiều người tị nạn. Tôi đến đó cùng với những người anh em của tôi là Đức Thượng phụ Bartolomaios của Chính thống Constantinople và Đức TGM Hieronymos của Giáo phận Chính thống Athènes và toàn Hy Lạp, để bày tỏ sự gần gũi và liên đới với những người tị nạn cũng như với những người dân tại đảo Lesvos và toàn thể nhân dân Hy Lạp. Tôi xin Anh chị em tháp tùng tôi bằng lời cầu nguyện, khẩn cầu ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh và sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.” (SD 13-4-2016)

Phản ứng của một vị TGM Chính thống Hy Lạp

Đức TGM Crisostomos Savatos của Giáo phận Messenia thuộc Chính thống Hy Lạp, đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô nơi trại tị nạn ở đảo Lesvos.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin ADN của Italia truyền đi hôm 10-4-2016, Đức TGM Savatos, cũng là một nhà thần học nổi tiếng, nhận định: “Sự hiện diện chung của hai vị lãnh đạo Kitô quan trọng nhất, ĐGH Phanxicô và Đức Thượng phụ Bartolomaios I, cùng với Đức TGM Hieronymus của Chính thống ở Athènes và toàn Hy Lạp tại đảo Levos sẽ gởi một sứ điệp mạnh mẽ đến các người hùng mạng của thế giới và tới mỗi người thiện Chúa về nhu cầu hoà bình, và sự nhạy cảm đối với tình trạng khó khăn của người tị nạn.”

Đảo Lesvos rộng 1.632 cây số vuông trong biện Egeo, cách Roma 1.200 cây số đường chim bay, và có 90.643 dân cư. Hàng ngàn người tị nạn đang sống tại đảo này trong tình trạng rất bấp bênh trước sự dửng dưng của dư luận Âu châu. Dân tị nạn sống trong tuyệt vọng, chờ đợi trong sự sợ hãi.

Theo Đức TGM Savatos, những lời kêu gọi của ĐGH Phanxicô về xã hội nhắm gây ý thức nơi các tín hữu Công giáo và những người thiện chí rất gần với giáo huấn xã hội của Giáo hội Chính thống Hy Lạp. Trong những năm khủng hoảng kinh tế gần đây, Giáo Hội này đã dấn thân nâng đỡ những nhóm người yếu thế và bị tổn thương nhất trong dân chúng, bị lâm vào thảm trạng tài chính. 

Đức TGM nói: “Bất công, nạn bóc lột kinh tế và nghèo đói không tạo nên sự khác biệt giữa các tín hữu Công giáo và Chính thống, Kitô hữu hoặc tín đồ các tôn giaó khác. Tất cả chúng ta phải dấn thân trợ giúp và nâng đỡ những người đang chịu đau khổ, bảo vệ các cộng đoàn của chúng ta, các giá trị và truyền thống, và cả môi trường thiên nhiên chúng ta đang sống, vì môi trường này cũng thuộc về công trình tạo dựng của Thiên Chúa.”

Giống như hồi ĐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Hy Lạp nhân dịp Năm Thánh 2000, tại Hy Lạp cũng có những GM Chính thống thủ cựu lên tiếng phản đối.

Kỳ này cũng có 3 TGM không đồng ý với cuộc viếng thăm của ĐTC, đó là 3 vị Glyfada, Pireo và Kalavryta. Theo ba vị, tuy cuộc viếng thăm có lời mời của Thánh Hội đồng Chính thống Hy Lạp, nhưng sẽ ra trước đó phải được thảo luận trong khoá họp toàn thể của các GM thuộc Hội đồng Thường trực của Giáo Hội này. (Asca 11-4-2016)

 
 
 

G. Trần Đức Anh OP