Tư duy “nhà nghèo”, có bao nhiêu xài hết khỏi tính lâu dài
UBND tỉnh Gia Lai đặt vấn đề để bổ sung vào quy hoạch hai thuỷ điện trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng khiến nhiều người giật mình, phản ứng.
Tư duy “nhà nghèo”, có bao nhiêu xài hết khỏi tính lâu dài
UBND tỉnh Gia Lai đặt vấn đề để bổ sung vào quy hoạch hai thuỷ điện trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng khiến nhiều người giật mình, phản ứng.
(Nhân bài báo “Xin xây thuỷ điện trong khu bảo tồn”)
Bản đồ tự nhiên khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, vị trí dự kiến xây dựng thuỷ điện nằm ở điểm chỉ ngón tay – Ảnh: B.D. |
Thông tin UBND tỉnh Gia Lai đặt vấn đề để bổ sung vào quy hoạch hai thuỷ điện với tổng công suất 40 MW trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang (Tuổi Trẻ ngày 11-4) khiến nhiều người giật mình, phản ứng.
“Mất bao nhiêu năm để có một cây rừng và mấy trăm năm để có một khu rừng tầng lớp như hiện tại? Chủ rừng có thể sẽ được hỗ trợ từ doanh nghiệp hậu hĩnh, nhưng số tiền ấy không bao giờ mua lại được những cây cổ thụ ba bốn người ôm, không thể mua nổi những dòng suối tuyệt đẹp đi qua rừng đặc dụng… |
Trả lời Tuổi Trẻ trong bài báo nói trên, ông Trịnh Viết Ty, giám đốc khu bảo tồn Kon Chư Răng, thừa nhận rằng nếu làm bảo tồn mà đi ủng hộ làm một công trình thủy điện, chiếm dụng tới 25ha rừng thì rõ ràng là điều không nên.
Trong khi ở khắp nơi tại Tây nguyên, rừng đã bị cạo trọc gần như cơ bản thì Kon Chư Răng vẫn đang được giữ khá tốt, tỉ lệ che phủ đạt tới gần 99%. Nhưng khi doanh nghiệp đặt vấn đề làm thuỷ điện, ông Ty nói rằng “đã rất phân vân” và quá khó khăn khi đưa ra ý kiến chính thức.
Cuối cùng tiếng nói từ Kon Chư Răng là đồng thuận về mặt chủ trương, đưa thủy điện trong khu bảo tồn vào quy hoạch.
Tương tự, lãnh đạo huyện Kbang dù nói rằng “sẽ tham mưu rất khách quan” cho cấp trên về câu chuyện thuỷ điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng, nhưng vị này cũng đã bày tỏ tâm tư: “Huyện đang rất nghèo, cần có những doanh nghiệp vào đầu tư làm ăn”.
Câu chuyện địa phương, chủ rừng – vốn là những người được trả lương để giữ rừng lại đi ủng hộ xây thuỷ điện nghe qua thì ngược đời nhưng lại là sự thật. Lý do mà các đơn vị này đưa ra là “vì hiện tại còn quá nghèo, vốn đầu tư vào vườn còn ít, anh em kiểm lâm đi làm vất vả, đường sá vào rừng không có nên cần có những doanh nghiệp vào hợp tác đôi bên cùng có lợi”.
Ở đời có lẽ không ai cho không nhau bất cứ điều gì. Ngồi hạch toán kinh tế trong câu chuyện Kon Chư Răng có thể thấy rõ những con số: nếu thuỷ điện được xây dựng thì sẽ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp 160 tỉ đồng/năm, trong khi đó doanh nghiệp sẽ chỉ phải bỏ khoảng trên dưới 30 tỉ đồng để làm một con đường bêtông đi qua rừng, đóng thuế bình quân 26 tỉ đồng/năm, đưa 60 con em địa phương vào làm việc.
Như thế, mỗi năm khấu trừ chi phí doanh nghiệp sẽ bỏ túi trên dưới 100 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư ban đầu là 1.200 tỉ đồng, như vậy chỉ cần 10 năm là hoàn vốn, trong khi tuổi thọ của bất kỳ công trình thuỷ điện nào cũng ít nhất 50 năm. Chỉ nhìn những con số này đã thấy chủ rừng thất bại hoàn toàn trong bài toán kinh tế!
Đó là chưa nói nếu xây thủy điện, khu bảo tồn Kon Chư Răng sẽ mất đi rất nhiều thứ quý giá. Cụ thể, một hệ sinh thái rừng nguyên sinh sẽ bị cắt đứt, phá vỡ; 25ha rừng, trong đó 6,1ha rừng đặc dụng, sẽ vĩnh viễn chìm dưới lòng hồ, thay vào đó là những khối bêtông xám xịt, không chỉ phá vỡ cảnh quan mà gây ra những tác động sinh thái vô cùng nghiêm trọng.
Ngoài ra, nếu xây thủy điện, Kon Chư Răng còn phải gánh chịu sự khó chịu từ du khách khi thấy một Kon Chư Răng hoang sơ đã bị tổn thương.
Có lẽ chưa bao giờ câu chuyện thủy điện lại nóng bỏng như khoảng ba, bốn năm trở lại đây. Thuỷ điện đã đem lại những món lợi khổng lồ cho các doanh nghiệp nhưng cũng đã gây ra những hệ luỵ ghê gớm.
Không phải cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương không nhìn thấy bản chất sự việc mà vì món lợi “thu hút đầu tư, giải quyết cái khó khăn về bài toán cơ sở hạ tầng” trước mắt mà hầu hết các dự án thuỷ điện đã được thông qua.
Cách giải quyết này nhìn bề nổi thì là tư duy “lấy ngắn nuôi dài” nhưng ngẫm kỹ thì hoàn toàn ngược lại: hi sinh cái lâu dài, bền vững là hệ sinh thái, là rừng, là môi trường để đổi lấy cái lợi trước mắt: đó là những khoản tiền đầu tư hỗ trợ từ doanh nghiệp.
Trên thế giới, các nước có nền kinh tế phát triển đã tháo bỏ, không còn đầu tư thuỷ điện bởi các nước này đã nhận thấy tác động huỷ hoại của thuỷ điện. Còn ở nước ta, thuỷ điện vẫn đang được tiếp tục xây chỉ để giải quyết những khó khăn trước mắt. Đây là tư duy của nước nghèo…
Lợi chưa thấy, chỉ thấy hại Chín năm trước, khi công trình thuỷ điện An Khê – Kanak được ngăn dòng, tỉnh Gia Lai cũng đã được nghe những lời hứa hẹn về doanh thu, tiền thuế từ chủ đầu tư… Nhưng chín năm sau đó, lợi nhuận chưa thấy đâu nhưng cái hại thì đã rành rành trước mắt. Chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý đã phải cay đắng thừa nhận An Khê – Kanak là công trình “sai lầm thế kỷ”. Thậm chí tại cuộc họp gần đây với ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ông Phúc là phó thủ tướng, phó trưởng Ban chỉ đạo Tây nguyên Trần Việt Hùng đã phải chua chát, khẩn thiết: “Hãy mở cửa xả thủy điện An Khê – Kanak, hãy để mấy triệu người dân dọc sông Ba được trở về cuộc sống bình thường như họ đã từng có trước đây”. |