23/12/2024

Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

Sau loạt bài “Ngược dòng Mekong đang hấp hối” mà các phóng viên đã ghi nhận, Tuổi Trẻ đăng tải những ý kiến của các nhà nghiên cứu về vấn đề sông Mekong.

 

Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

Ông Lê Anh Tuấn – Ảnh: Chí Quốc

 

“Đừng có bị mắc lừa về tuyên bố của Trung Quốc về chuyện xả nước cứu hạn xuống sông Mekong”

Margaret Zhou

Sau loạt bài “Ngược dòng Mekong đang hấp hối” mà các phóng viên đã ghi nhận, Tuổi Trẻ đăng tải những ý kiến của các nhà nghiên cứu về vấn đề sông Mekong.

Hơn 10 ngày qua, bạn đọc đã theo dõi những bài viết “Ngược dòng Mekong đang hấp hối” do bốn nhóm phóng viên Tuổi Trẻ phản ánh từ bốn quốc gia trên dòng sông Mekong là Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia. 

Mở đầu là bài viết của ông Lê Anh Tuấn thuộc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ. Dưới đây là nội dung bài viết.

Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

Đỉnh lũ năm 2015 được xem là thấp nhất trong 90 năm qua (1926 – 2015) và đây là lời cảnh báo sớm cho Việt Nam

Cảnh báo sớm, ứng phó vẫn chậm

Khô hạn năm nay không phải là hiện tượng thiên tai không được cảnh báo sớm.

Kể từ mùa khô 2014-2015, nhiều nhà khoa học đã thông báo sự trở lại của El Nino – hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Thái Bình Dương làm lưu vực sông Mekong mưa ít nắng nhiều.

Tiếp đến, cả mùa mưa năm 2015 lượng mưa quá ít. Bởi do ít mưa nên mùa lũ 2015 quá thấp, gần như lũ không đáng kể thì việc dự báo khô hạn tiếp theo cho mùa khô 2015-2016 là hoàn toàn dễ tiên đoán để có những cảnh báo cần thiết.

Bên cạnh chuyện ông trời là chuyện của con người, khi ai cũng biết thượng nguồn Mekong đã có hàng loạt thuỷ điện được xây dựng và góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề của thiên nhiên khắc nghiệt. Từ hai yếu tố vừa nêu, nước mặn có cơ hội xâm nhập sâu nội đồng.

Các nhà khoa học đã nói trước, Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia có cảnh báo trước.

Tuy nhiên, gần như toàn đồng bằng và cả nước không có một chuẩn bị đối phó nào đáng kể để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Ngay từ khi dứt mùa mưa, qua mùa khô, diện tích trữ nước tự nhiên cho canh tác nông nghiệp và cả nước dự trữ cho sinh hoạt không có gia tăng, diện tích xuống giống vụ đông xuân vẫn không gia giảm bao nhiêu so với các năm trước, số trạm bơm, máy bơm cũng giữ ổn định với con số cũ.

Nói chung, không có một chỉ thị nào từ các ngành chức năng dàn xếp nguồn nước chia cho từng diện tích sản xuất ở các vùng canh tác nông nghiệp. Đến khi khô, mặn hoành hành, lúa màu khô cháy la liệt thì cả vùng mới nháo nhào lên.

Trong khi đó từ mùa khô năm 2014-2015, một số nước láng giềng đã có những điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất và cung ứng của họ trước những cảnh báo nguy cơ hạn hán: Trung Quốc và Lào chỉ đạo đóng cửa van, huy động gom nước từ sông suối trữ ở các hồ chứa thuỷ điện, hoàn toàn bỏ hoang các vùng có diện tích canh tác nông nghiệp lớn ở Vân Nam của Trung Quốc, vùng miền trung và miền nam của Lào.

Chính phủ Thái Lan đã sớm phổ biến quyết tâm giảm lớn diện tích trồng lúa, người Thái sẵn sàng từ bỏ vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân không gieo mạ cho vụ lúa chiêm xuân trên các ruộng lúa của họ, thậm chí có lúc phải huy động quân đội ngăn chặn việc bơm nước ở các con kênh và hồ trữ nước quan trọng.

Ngành thuỷ lợi hoàng gia Thái xúc tiến xây dựng thêm trạm bơm và chuẩn bị triển khai chuyển nước từ sông Mekong đến các vùng khô hạn phía đông bắc và dự kiến có thể qua cả lưu vực sông Chao Phraya.

Ở Campuchia, nước được dồn cho những vùng có nguồn cá tự nhiên hoặc cá nuôi thay vì dùng cho canh tác nông nghiệp.

Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

Xu thế suy giảm dòng chảy sông Mekong xuống ĐBSCL – Nguồn: Lê Anh Tuấn, 2016

 

Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

Khi hạn hán bắt đầu gia tăng mức tác động vào trung tuần tháng 2-2016 thì Việt Nam yêu cầu Trung Quốc đáp ứng việc xả nước từ thuỷ điện Cảnh Hồng (Jinghon) để cứu hạn, mặn cho vùng đồng bằng. Ngoài ra Lào cũng lên tiếng xả nước để giúp Việt Nam.

Tuy nhiên sau những lời có vẻ thiện chí đó, nhiều nhà khoa học đã có số liệu chứng minh việc Trung Quốc xả nước thuỷ điện từ Cảnh Hồng trong các tháng đầu năm đến hết tháng 3-2016 là bình thường, thậm chí ít hơn lượng xả nước của năm 2015 và 2014.

Một nhà vận động chính sách người Thái, bà Piaporn Deetes, thuộc Tổ chức Sông ngòi quốc tế, đã chỉ ra rằng việc Trung Quốc xả nước nhằm mục tiêu phát điện cho họ và nâng tạm thời mực nước sông phía dưới giúp thuận lợi cho thuyền chở hàng hoá của Trung Quốc xuống Thái Lan và Lào không bị mắc cạn do nước sông xuống quá thấp.

Một nhà hoạt động môi trường khác, cô Margaret Zhou, đã viết trên báo The Diplomat ngày 23-3-2016 rằng “đừng có bị mắc lừa về tuyên bố của Trung Quốc về chuyện xả nước cứu hạn xuống sông Mekong”.

Như vậy không cần phải yêu cầu, Trung Quốc vẫn phải xả nước qua tuôcbin để phát điện như một vận hành bình thường.

Rồi chưa kể nguồn nước ít ỏi từ thuỷ điện của Trung Quốc xả xuống sông để phát điện cũng bị Thái Lan – một nước nông nghiệp lớn nhất khu vực – vận hành hàng chục máy bơm công suất lớn thi nhau hút nước đưa vào những vùng đất trũng đang khô nứt.

Lào là nước vừa gom nước trên các sông suối dòng nhánh trữ trong các hồ thuỷ điện, vừa xả nước từ thuỷ điện ở vùng Bắc Lào xuống nhưng cũng tiếp tục lấy nước cứu hạn từ trên đổ xuống cho vùng Trung và Hạ Lào.

Campuchia nhận định có thêm chút nước từ thuỷ điện có thể giải hạn cho các khu trữ cá, nhưng cũng chẳng vui gì hơn nhiều. Trong khi đó ở Việt Nam, những dòng thông tin trái chiều không đầy đủ từ báo chí tạo ra những hệ luỵ khác nhau.

Nông dân ĐBSCL nghe các quan chức tuyên bố trên báo chí là thuỷ điện Trung Quốc xả nước xuống cho Việt Nam đã vội vàng làm đất xuống giống vụ hè thu.

Người này thấy người kia chuẩn bị xuống giống thì cứ làm theo và không hề biết nước về đến ĐBSCL còn được bao nhiêu, đủ cho bao nhiêu hecta diện tích lúa!

 

Phải nói rằng mùa hạn, mặn năm nay là một bài học đắt giá cho Việt Nam!