05/11/2024

Kitô hữu sống sự hoà hợp của Thần Khí chứ không phải sự yên ổn do thoả hiệp

VATICAN – “Không thể lẫn lộn sự hòa hợp ngự trị trong cộng đoàn Kitô hữu, là hoa trái của Thần Khí, với sự ‘yên ổn’ có được do dàn xếp, thương lượng thường che đậy đi những xung đột và chia rẽ bên trong. Một cộng đoàn được hợp nhất trong Đức Kitô cũng là một cộng đoàn tràn đầy sức mạnh và can đảm.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ ba, ngày 05.04, tại Nguyện đường Thánh Marta.

 Kitô hữu sống sự hoà hợp của Thần Khí chứ không phải sự yên ổn do thoả hiệp

 

 
VATICAN – “Không thể lẫn lộn sự hòa hợp ngự trị trong cộng đoàn Kitô hữu, là hoa trái của Thần Khí, với sự ‘yên ổn’ có được do dàn xếp, thương lượng thường che đậy đi những xung đột và chia rẽ bên trong. Một cộng đoàn được hợp nhất trong Đức Kitô cũng là một cộng đoàn tràn đầy sức mạnh và can đảm.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ ba, ngày 05.04, tại Nguyện đường Thánh Marta.

Một lòng một ý, không ai phải thiếu thốn, mỗi người được phân phát tuỳ theo nhu cầu. Đó là bức tranh mà sách Công vụ Tông đồ miêu tả lại. Từ bức tranh ấy, xuất hiện một từ có thể tổng hợp tất cả những tình cảm và lối sống của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, đó là: hoà hợp.


Tiền bạc – kẻ thù gây chia rẽ

Chúng ta có thể đồng thuận với nhau một tình trạng hoà bình nhất định nào đó. Nhưng sự hoà hợp là một ân sủng nội tâm chỉ có Chúa Thánh Thần mới thực hiện được. Và những cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đã sống trong sự hoà hợp đó chứ không phải tình trạng yên ổn do thoả hiệp. Có hai dấu hiệu của sự hoà hợp: không ai phải thiếu thốn và mọi sự đều là của chung. Điều ấy có nghĩa là gì? Họ sống với nhau chỉ có một lòng một ý, không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Thật sự không ai trong số họ phải thiếu thốn. Sự hoà hợp đích thực của Chúa Thánh Thần lại có một sự liên hệ trái ngược rất mạnh mẽ với tiền bạc: tiền chính là kẻ thù của sự hoà hợp, tiền là sự quy kỷ. Vì thế, dấu hiệu của sự hoà hợp là mọi người biết cho đi tất cả những gì mình có, vì họ không còn thiếu thốn nữa.

Sự yên ổn do thoả hiệp – một tình trạng mong manh

Sách Công vụ Tông đồ kể lại rằng ông Banaba đã bán tất cả vườn tược của mình, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông đồ. Nhưng ngay sau đó, câu chuyện thuật lại một chi tiết khác có phần trái ngược với lúc đầu. Chi tiết này không được nhắc đến trong Bài đọc I hôm nay: Có một người tên là Khanania cùng với vợ là Xaphira bán một thửa đất. Hai ông bà giả vờ đã đưa tất cả số tiền cho các Tông đồ, nhưng thật ra là giữ lại một phần tiền. Chọn lựa này đã khiến họ phải trả một giá rất cay đắng là cái chết. Thiên Chúa và tiền bạc là hai ông chủ mà những người tôi tớ phục vụ không được lẫn lộn. Và như thế, cũng rất có nguy cơ, người ta sẽ nhầm lẫn hoà hợp với sự yên ổn chóng qua do thoả hiệp.

Một cộng đoàn có thể rất yên ổn, tốt đẹp; mọi sự đều suôn sẻ nhưng không hề có hoà hợp. Thật vậy, có lần tôi đã nghe được từ một vị giám mục một điều khá lý thú: ‘Trong giáo phận, tình hình rất yên ắng. Nhưng nếu bạn chỉ cần đụng vào vấn đề này; vâng, chỉ cần đụng vào vấn đề này thôi, thì ngay lập tức chiến tranh sẽ bùng nổ.’ Đúng là một sự hoà hợp do thoả hiệp! Và đó không phải là sự hoà hợp của Chúa Thánh Thần. Chúng ta gọi đó là sự hoà hợp giả tạo, giống như trường hợp của ông Khanania và vợ là bà Xaphira với tất cả những gì mà họ đã làm.

Thần Khí và ơn can đảm

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng việc mời gọi mọi người cùng đọc lại sách Công vụ Tông đồ về những Kitô hữu sơ khai và đời sống chung của họ: “Sẽ thật tốt nếu chúng ta biết cách để làm chứng tá trong những môi trường mà chúng ta đang sống. Sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần mang lại cho chúng ta lòng quảng đại để không giữ bất cứ gì làm của riêng, cho dù có thiếu thốn. Sự hoà hợp ấy ban cho chúng ta một thái độ thứ hai: ‘Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.’ Điều này có nghĩa là các ông được ơn can đảm. Khi có sự hoà hợp trong Giáo hội, trong cộng đoàn thì sẽ có sự can đảm, can đảm để làm chứng về Thiên Chúa Phục Sinh.”
 

 

Vũ Đức Anh Phương, SJ