26/12/2024

Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Đi tìm nguồn nước

Hành trình ngược sông Mekong của phóng viên Tuổi Trẻ lên thượng lưu ở miền bắc Lào, nơi dày đặc các trạm thuỷ điện đã và đang được xây dựng, để tìm hiểu thực tế nước từ thượng nguồn đang được xả xuống thế nào.

 

Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Đi tìm nguồn nước

 

 

Hành trình ngược sông Mekong của phóng viên Tuổi Trẻ lên thượng lưu ở miền bắc Lào, nơi dày đặc các trạm thuỷ điện đã và đang được xây dựng, để tìm hiểu thực tế nước từ thượng nguồn đang được xả xuống thế nào.  

 

 

 

 

 

Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Đi tìm nguồn nước
Thuỷ điện Nậm Khan 2 trên lưu vực sông Mekong – Ảnh: Quốc Việt

 

 

Bắc Lào, tháng 4, trời chuyển nóng như đổ lửa. Sông Mekong từ hạ lưu ngược lên vùng núi non này đầy những bãi đá hiểm trở ẩn hiện dưới lòng nước. 

​Người dẫn đường nói rằng thuyền bè ngược sông vào mùa này rất nguy hiểm. Dù người lái thông thạo cỡ nào cũng khó tránh hết các bãi đá như bẫy tử thần đang chực chờ dưới lòng sông mùa nước cạn…

Hành trình ngược sông Mekong của tôi lên thượng lưu ở miền bắc Lào cũng được chính người địa phương hào hứng. Anh ta cũng như tôi rất nôn nóng tìm hiểu thực tế nước từ thượng nguồn đang được xả xuống thế nào.

Không chỉ Việt Nam, Campuchia hay Thái Lan, cả Lào cũng đang trải qua một mùa nắng khốc liệt. Nhiều bạn bè, người thân của anh đang ngày đêm ngóng đợi nguồn nước sức sống này.

Hành trình ngược sông Mekong

Ngay trên chuyến phà băng ngang qua đoạn sông ở thủ đô Vientiane, chúng tôi phần nào cảm nhận được có dòng nước chảy xuôi xuống hạ lưu. Chiếc phà nhỏ bé phải chếch mũi xuống phía xuôi để hạn chế sức cản của dòng nước ngược.

Các cồn cát, bãi đá vẫn nổi lên trơ trọi trên sông, nhưng người dân tại chỗ nói rằng mực nước đã cao hơn một chút so với hồi giữa tháng 3. Lúc ấy, chiếc phà không thể vào gần bờ như bây giờ vì mực nước thấp hơn.

Từ Vientiane, chúng tôi ngược lên hệ thống thuỷ điện Nậm Ngườm. Trên con sông cùng tên này, Lào đang có một hệ thống thuỷ điện dày đặc với năm đập tích nước để phát điện. Có cái đã làm từ cách đây nhiều năm, có cái mới được xây dựng và trong đó Nậm Ngườm 1 có lòng hồ tích nước lớn nhất khu vực này.

Trời trưa đứng nắng giữa đỉnh đầu, chúng tôi đã có mặt trước đập thuỷ điện Nậm Ngườm 1. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là mực nước trong lòng hồ đang chênh rất cao so với mặt sông phía ngoài đập. Cổng xả ngầm phía dưới chân đập được mở để đưa nước từ lòng hồ chảy ra sông Nậm Ngườm rồi hòa vào dòng Mekong.

Theo lời một cán bộ kỹ thuật của thuỷ điện này, họ đang cho xả khoảng 400mnước/giây vào sông Mekong. Phía bên trong mặt hồ rộng khoảng 370km2 vẫn đang còn một lượng nước khổng lồ với mực nước ở điểm sâu nhất tới 90m và chỗ mặt nước rộng nhất lên đến 10km2.

Quốc gia Lào không có biển, nhưng với người dân Lào thì hồ này cũng có thể được gọi là “biển”. Theo như lời một cán bộ quản lý ở đây, thuỷ điện này sẽ xả nước đến cuối tháng 5 khi hết mùa nắng hạn của Lào, Campuchia và Việt Nam.

Từ Nậm Ngườm, chúng tôi tìm đường nhập trở lại dòng sông Mekong lên phía bắc Lào giáp với Trung Quốc. Suốt hành trình ngược sông, hoàn toàn có thể chứng kiến tận mắt dòng nước đang đổ về hạ lưu thế nào. Dọc sông, nhiều đoạn là biên giới giữa Lào và Thái Lan.

Người dẫn đường cho biết vào mùa mưa, thiên nhiên ở đây rất đẹp với sắc xanh của các rừng cây, ruộng vườn nối tiếp nhau, nhưng lúc này là màu đỏ bầm, vàng úa vì nắng hạn đã lấn lướt tất cả.

Tiến vào địa phận tỉnh Vientiane – cùng tên với thủ đô Lào, lòng sông như cao lên với các cồn, bãi cát đá liên tiếp xuất hiện. Chẳng còn thấy bóng tàu lớn nào qua được đoạn sông này nữa, nhưng người dân hai bên bờ cho biết mực nước đã dâng lên được một chút nhờ nước từ thượng nguồn xả xuống.

Bà Kiet Sana, chủ quán nước bên bờ, nói chỉ mới đây ở nhiều đoạn người ta có thể thoải mái đi bộ qua được cả hai phần ba lòng sông nhờ các cồn, bãi đã nổi lên hoàn toàn. Bây giờ các cồn, bãi ấy chưa chìm hẳn dưới mặt nước nhưng dòng chảy từ thượng lưu đã dâng để đổ về xuôi.

Trời sẩm chiều, chúng tôi dừng lại bến phà Pak Lai, ranh giới giữa hai tỉnh Vientiane và Saynhabuly. Trên bờ, xe cộ đang nối đuôi nhau chờ chiếc phà nhỏ duy nhất được vận hành bằng tàu kéo chậm chạp qua lại.

Các thủy điện 
thượng nguồn

Sau một đêm nghỉ lại ở tỉnh lỵ bên bờ sông, chúng tôi tiếp tục hành trình ngược sông Mekong. Quá nhiều thủy điện đã được khai thác hoặc đang xây dựng trên vùng này.

Qua thủy điện đang gây sóng gió dư luận quốc tế là Xayaburi, chúng tôi tiếp tục hành trình thêm gần 100km đến hai thuỷ điện khác là Nậm Khan 2 và Nậm Khan 3 nằm giữa đại ngàn bắc Lào.

Dấu ấn người Trung Quốc hiện diện ở khắp mọi nơi. Từ cách xa cổng thủy điện cả chục kilômet, những tấm bảng ghi chữ Trung Quốc đã được dựng lên. Thậm chí họ còn bạt cả triền núi để dựng trên cao những hàng chữ Hoa màu đỏ tươi khổng lồ đến mức có thể đọc được từ cách xa cả kilômet.

Trước mắt chúng tôi, thuỷ điện Nậm Khan 3 nằm trơ trọi giữa những ngọn núi khổng lồ. Thuỷ điện này vẫn chưa được hoàn thành. Người ta đang tạm mở cổng xả cho nước chảy vào sông Mekong. Mực nước trong hồ cao hơn hẳn bên ngoài. Dấu vết bàn tay con người tác động vào đại ngàn vẫn lồ lộ qua hàng nghìn thân cây gỗ đang chìm nổi trong lòng hồ.

Từ thuỷ điện Nậm Khan 3, chúng tôi tìm đường lên Nậm Khan 2. Con đường cũ đã bị lòng hồ dâng cao làm ngập mất. Dân bản sơn cước chỉ đường núi cho chúng tôi tìm lên thuỷ điện thượng nguồn này.

Đường thuỷ không thể đi được, chúng tôi có cách duy nhất là đi xe trên độc đạo đất đá dài khoảng 50km băng qua các triền núi cao nối tiếp nhau trùng điệp…

So với Nậm Khan 3, lòng hồ thủy điện Nậm Khan 2 đang tích nước ở mức cao hơn hàng chục mét so với dòng sông phía ngoài đập. Hồ thuỷ điện rộng mênh mông ngập tràn nước như biển cả giữa rừng.

Bằng mắt thường cũng có thể thấy rõ cổng xả ngầm đang được mở hạn chế. Nước từ trong hồ chảy rất ít ra lòng sông đang gần trơ đáy, rồi từ đó mới tiếp tục đổ xuống thuỷ điện Nậm Khan 3 bên dưới để hoà vào dòng Mekong.

Một dân làng đang trồng cây trên triền núi gần hồ nói nếu Nậm Khan 2 xả nước mạnh thì lòng sông phía ngoài đập sẽ dâng cao chứ không thể ít nước như vậy…

Rời đập thuỷ điện này, chúng tôi tiếp tục hành trình ngược Mekong xuyên qua cố đô Luangprabang về phía bắc Lào, nơi dòng sông hùng vĩ chảy ra khỏi biên giới Trung Quốc với hệ thống thủy điện dày đặc để đổ về hạ lưu.

Những chiếc thuyền xuôi sông đã lướt nhanh hơn một chút nhờ có dòng nước từ thượng nguồn đổ xuống, nhưng người dân nói rằng mực nước mới đang lên rất chậm. Họ vẫn mong mỏi một lòng sông đầy nước hơn…

QUỐC VIỆT