24/12/2024

118 hồ chứa nước ở Đắk Lắk trơ đáy

Những ngày này, trên khắp cao nguyên và ngay tại tỉnh Đắk Lắk ở đâu đất đai cũng nứt nẻ, khô quạch. Hiện đang có 118/599 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh khô trơ đáy.

 

118 hồ chứa nước ở Đắk Lắk trơ đáy

 

Những ngày này, trên khắp cao nguyên và ngay tại tỉnh Đắk Lắk ở đâu đất đai cũng nứt nẻ, khô quạch. Hiện đang có 118/599 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh khô trơ đáy.

 

 

 

 

118 hồ chứa nước ở Đắk Lắk trơ đáy
Người dân ở thị trấn Krông Năng, Đắk Lắk kéo ống nước nối dài hơn 200m dẫn nước từ suối lên rẫy cứu vườn cà phê đang xơ xác, tiêu điều – Ảnh: Tiến Thành

 

 

Tháng 4 với hình ảnh lãng mạn “mùa ong hút mật” ở Tây nguyên đang lùi vào xa vắng. 

Chưa bao giờ Đắk Lắk khô hạn như năm nay. Năm ngoái, số hồ nước khô cạn chỉ là 30 cái, năm nay số hồ cạn khô gấp 4 lần.

Rẫy vườn khô khốc

Tại xã Ea Tar (huyện Cư M’Gar), giữa trưa năm người trong gia đình ông Y Thum vẫn miệt mài thay nhau đào một giếng nước ngay cạnh suối Kdoh. Năm sào cà phê của gia đình ông cạnh đấy đang chờ chết cháy.

“Đã đào được 10m nhưng chỉ được một chút nước, chờ cả đêm chỉ tưới được 40 phút là hết, phải đào tiếp. Quanh vùng này ao hồ đã cạn kiệt hết rồi. Nước ăn còn thiếu, huống hồ nước tưới cà phê” – ông Y Thum lo lắng.

Ngược lên các buôn Mlăng, buôn Sỹ, buôn Tưng… của xã Ea Tar, tình trạng thiếu nước cũng rất gay gắt. Bạt ngàn những vườn cà phê úa vàng, khô héo. Ngay tại bến nước buôn Tưng nay cũng không còn một giọt.

Ông Y Thôn Niê – chủ tịch UBND xã Ea Tar – cho biết nếu thời tiết như thế này thì hàng trăm hecta cà phê trong vùng có nguy cơ không còn nước tưới. Ngay cả hồ nước lớn nhất trong xã cũng đã xuống dưới mực nước chết. Nhiều hộ dân trong xã đã phải “nhận trợ cấp” nước sinh hoạt vì giếng đã cạn khô.

Còn trên cánh đồng lúa khô khốc buôn Lun (xã Ea Bông, Krông Ana), những chiếc lều dã chiến trực bơm nước chống hạn được dựng lên. Ông Y Lưới Niê Kdăm (46 tuổi) cùng gia đình có tám người đang căng mình tìm nước.

“Thiếu nước cây lúa không lớn được, mình lo cả nhà sắp tới không đủ ăn. Mong sao Nhà nước sẽ cấp gạo, cấp rau” – ông Y Lưới nói.

118 hồ chứa nước ở Đắk Lắk trơ đáy
Hồ Ea Blong 1, xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk đã cạn khô – Ảnh: Ngô Minh Tường

Vật vã tìm nước cho dân

Chiều 4-4, UBND tỉnh Đắk Lắk đã họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội. Nội dung “tình hình khô hạn” được đưa lên trang đầu trong tài liệu phát ra.

Tại buổi họp báo, ông Bùi Hồng Quý – chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Đắk Lắk – cho biết trong quý 1 nước các sông trên địa bàn tỉnh duy trì mức rất thấp. Trong đó nhiều trạm bơm không còn nguồn nước để bơm tưới, nhiều vùng không còn nguồn nước ngầm để khai thác.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 4-4, toàn tỉnh có 36.961ha cây trồng bị hạn (tăng so với năm ngoái 5.366ha). Thiệt hại ước tính 1.110 tỉ đồng. Có khoảng 21.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước xảy ra ở hầu hết địa bàn các huyện, trừ M’Drắk.

Do thiếu nước, công ty cấp thoát nước tại TP Buôn Ma Thuột đã phải cắt giảm 30%, dự kiến thời gian tới phải cắt giảm nước sinh hoạt 50% để phù hợp nguồn nước đang suy kiệt. Trong đó tại huyện Cư M’gar, khoảng 2.000ha diện tích cà phê đã bị cháy do không còn nguồn nước tưới…

Để sống chung với hạn, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương một loạt giải pháp như quản lý, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất; xây dựng một số trạm bơm chống hạn ở các vùng ven sông có nguồn nước như ở huyện Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Ea Kar…

Ông Phạm Quang Mười – trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cư M’Gar – cho biết để khắc phục việc thiếu nước cho hơn 1.000 hộ dân, huyện đã dùng kinh phí dự phòng khoan 5 cái giếng (50-70 triệu đồng/cái) ở Ea Quế, Ea Tar, Ea Mróh.

“Hết tháng 3-2016 có 66 hồ đập, ngay cả hồ Buôn Yông với dung tích 17 triệu m3 cạn kiệt và 10.000ha cây trồng không có nước tưới. Huyện đã làm đề xuất xin 28 tỉ đồng nạo vét hồ đập” – ông Mười nói.

Trong khi đó tại huyện Ea H’leo, các suối và 23 hồ chứa trên địa bàn đã cạn khô. UBND huyện Ea H’leo đã hỗ trợ nhân dân múc hồ để lấy nước tưới; hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo đào giếng tìm nước sinh hoạt.

Đối với những vùng nước ngầm giảm quá sâu đã triển khai khoan 6 giếng, lắp máy bơm và bồn chứa cấp nước sinh hoạt tập trung cho nhân dân tại 20 thôn, buôn đang thiếu nước nghiêm trọng; mua 10 bồn chứa nước để vận chuyển nước sinh hoạt cho các hộ dân tại xã Cư Mung; khoan sâu giếng và sửa chữa hệ thống thiết bị đối với nhiều giếng khoan tại xã Ea Sol và xã Dliê Yang.

Nước từ thượng nguồn sông Mekong đã về đến ĐBSCL

Chiều 4-4, ông Lê Đức Trung – chánh văn phòng Uỷ ban sông Mekong VN – cho biết nguồn nước đang về đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là nguồn nước Trung Quốc xả từ thượng nguồn sông Mekong.

Ông Trung cũng cho biết Trung Quốc đã thông báo xả nước đến hết ngày 10-4.

“Chúng ta tính toán phía Trung Quốc xả khoảng 3,7 tỉ m3 nước đợt này. Việc Trung Quốc xả nước đến hết ngày 10-4 nhưng lượng nước xả qua các nơi sẽ có độ trễ và nước về đến khu vực Tân Châu và Châu Đốc sẽ còn đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5” – ông Trung nói.

Theo ông Trần Đức Cường – phó chánh văn phòng Uỷ ban sông Mekong, trong mạng lưới giám sát của Uỷ hội sông Mekong quốc tế có đặt hai trạm quan trắc, giám sát tự động ở phía đất của Trung Quốc.

“Cả hai trạm này sẽ cho biết Trung Quốc xả bao nhiêu nước và số liệu này sẽ có trong cơ sở dữ liệu chung của Uỷ hội sông Mekong quốc tế” – ông Cường cho biết thêm.

XUÂN LONG

HÀ BÌNH – TRUNG TÂN – TIẾN THÀNH