25/12/2024

Lễ đăng quang của vua

Jean Baptiste Tavernier (1605 – 1689) là một lữ khách và cũng là thương nhân buôn ngọc người Pháp vào thế kỷ 17.

 
Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây: Lễ đăng quang của vua
 
 
 
Jean Baptiste Tavernier (1605 – 1689) là một lữ khách và cũng là thương nhân buôn ngọc người Pháp vào thế kỷ 17.






Ảnh minh họa vua Lê ngự triều - Ảnh: T.L

Ảnh minh hoạ vua Lê ngự triều – Ảnh: T.L


Ông cùng nhiều người phương Tây dành những trang viết về xứ Đàng Ngoài được Nguyễn Trọng Phấn dịch, đăng trong cuốn Xã hội VN từ thế kỷ 17.
Mở tiệc đăng quang và ban thưởng
Khi đức vua băng hà, các quan tôn ông hoàng nào, được vua chọn và nói cho biết, lên ngôi. Chúa Trịnh cùng các võ quan, nội các viện, các quan đô tổng binh, thừa chính sứ đến tư thất tân vương, dâng áo bào để ngài mặc, rồi rước vua Lê Thần Tông lên mình voi đến chính điện đã phủ vóc vàng và vóc bạc, tân vương ngự lên ngai, các quan đều phủ phục rồi đứng dậy cúi đầu (vái ngài), giơ hai bàn tay chắp liền lên trời và tuyên thệ trung thành với ngài. Vua Lê Thần Tông ban cho mỗi vị bốn lạng vàng và sáu lạng bạc, chúa Trịnh được hai mươi lạng vàng và bốn mươi lạng bạc. Quan đứng đầu nội các được mười lạng vàng và hai mươi lạng bạc.
Xong rồi thì bắn ba loạt thần công đặt chung quanh thành và ba loạt súng trường đặt trong một cánh đồng gần đấy (có ba vạn lính cả bộ lẫn kỵ).
Tân vương liền ngự kiệu; chúa Trịnh và quan tổng lý nội các cưỡi ngựa đi đầu tiến vào nội cung. Các vương phi, công chúa, các mệnh phụ đến lạy chào! Xong rồi các quan vào dự tiệc yến. Tiệc yến vãn đến tuồng hát, đốt pháo bông suốt đêm.
Sáng hôm sau, ba vạn lính hôm trước vẫn tề tựu ở chỗ cũ rất chỉnh tề, các võ quan đều về kinh đông đủ. Tân vương ngự kiệu mười sáu người khiêng, có chúa Trịnh và quan tổng lý nội các cưỡi ngựa đi dẫn đầu, ra khỏi cung, theo sau có nhiều võ quan đi bộ. Kèm với kiệu, có bọn con hát múa chung quanh, có phường bát âm thổi sáo, thổi kèn, đánh trống ầm ĩ, vang trời. Ra đến chỗ dàn binh, tân vương bước xuống kiệu và ngự lên trên một thớt voi trận đã dạn với tiếng súng và pháo thăng thiên. Tân vương ngự voi ra giữa ba quân và các võ tướng ra tuyên thệ. Ngài ban cho chủ tướng mỗi người một lạng vàng và hai lạng bạc; cho mỗi võ quan tuỳ thuộc một lạng bạc và nửa lạng vàng. Lính mỗi người được thưởng hai tháng lương. Nhận thưởng rồi thì quân lính bắn súng đoạn rút về trại đã dựng sẵn, ăn uống suốt một đêm. Đức vua cũng đến ngự tại một tòa lầu bằng gỗ sơn son thếp vàng dựng trong cánh đồng ấy. Ngài ngự đêm ở đấy, trước yến tiệc, sau xem pháo thăng thiên và con hát vui ca nhảy múa.
Hôm sau thì tân vương ngự voi về thành. Về đến cung, ngài ra ngự ngai và ban thưởng cho những thợ đã chế ra pháo bông, bọn ca vũ và tất cả những người đã tổ chức nên các cuộc vui tối hôm trước và đã làm cho ngày hội ấy được linh đình. Rồi ngài cho phép chúng dân và hai đại biểu phường buôn, phường thợ vào bệ kiến. Hai người đọc chúc từ, thay mặt dân sự Kẻ Chợ (Hà Nội) nguyện trung thành với ngài; vua ban thưởng cho phường buôn năm mươi lạng vàng và ba trăm lạng bạc, phường thợ hai mươi lạng vàng và một trăm lạng bạc. Dân sự ra về tha hồ mà mở tiệc ăn uống, mở hội chèo hát bỏ thêm tiền riêng ra để giải trí trong hơn một tuần.
Vua thăm người nghèo, giảm thuế
Vài bữa sau thì có các đoàn đại biểu các thôn xã ở xa đến kính mừng vua và tuyên bố trung thành với ngài; những tỉnh nào xưa nay vẫn một lòng với nhà Lê thì được xá thuế một năm; còn những nơi đã hưởng ứng với loạn thần chỉ được giảm có sáu tháng. Bọn tù nợ cũng được vua điều đình với chủ nợ và giảm cho có khi một nửa số tiền nợ.
Số súc vật bị đem giết để cúng tế nhiều vô kể. Số tiền vua phát ra để mua vải vóc dùng trong việc thờ cúng, để mặc cho các tượng thần, vải màu da cam để phát cho các sãi cũng hàng vạn. Ngài phát rất nhiều tấm vải xanh màu lục cho những kẻ nghèo khổ đã đến ở nhờ các chùa cũng như những người cùng khốn bên ta đến ở nhờ các dưỡng đường. Chính đức vua trong tuần thứ nhất này cũng đến chùa, sống kham khổ và đi thăm các người nghèo khổ trong các chùa khác và bố thí cho họ; hết tuần đầu ngài sai dựng một ngôi chùa tại một chỗ ngài đã chọn.
Đầu tuần thứ hai thì ngài cưỡi voi trận, có các võ quan ở triều và một vạn hai nghìn người lính đã tuyển lựa riêng đi hộ giá, ngự đến một cánh đồng rộng, tại đấy đã lập sẵn ba tòa lầu: một toà cho vua, một tòa cho chúa và một toà cho quan đứng đầu nội các và vô số nhà nhỏ cho các người tùy giá. Ba toà lầu dựng bên bờ sông; trên mặt sông đã sắp sẵn nhiều thuyền sơn son thếp vàng rực rỡ; có một chiếc “thuỷ sư” vừa lớn vừa đẹp hơn cả. Bọn bơi thuyền đều ăn vận tử tế; vì bọn này đều là binh lính hoặc thường dân, được tự do chớ không như bên ta bọn chèo thuyền chiến là nô lệ hoặc chịu án khổ sai.
Trong bảy hôm vua ngự ở đây, ngài xem các cuộc thuỷ chiến, các cuộc bơi chải. Thuyền nào bơi hơn các thuyền khác thì được thưởng. Hết tuần thứ hai này, trước khi ngự về cung, tân vương ban cho thuỷ binh hai tháng lương, cũng như ngài đã ban cho bộ binh hai tháng lương hôm đăng quang.
Hết tuần ngài ngự về cung; tùy giá cũng theo thứ tự như lúc đi. Ngài ngự vào nội cung, chỉ có các quan mới đi theo, yến ẩm với các phi tần đến hết tháng. Đêm nào cũng đốt pháo bông trước các cung điện của các bà phi, các quan thị cũng nhập bọn với phường hát, phường múa để làm trò cho vui.

Jean Baptiste Tavernier 
Nguyễn Trọng Phấn dịch