25/12/2024

Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Sản vật xứ Bắc kỳ

Những sản vật của xứ Bắc kỳ là một phần trong ghi chép của nhà truyền giáo người Ý G.F de Marini (1608 – 1682) về VN.

 

Việt Nam qua mắt giáo sĩ phương Tây: Sản vật xứ Bắc kỳ

 

Những sản vật của xứ Bắc kỳ là một phần trong ghi chép của nhà truyền giáo người Ý G.F de Marini (1608 – 1682) về VN.

 

 

 

 

Chợ Đồng Xuân ngày xưa - Ảnh: Tư liệu

 

Chợ Đồng Xuân ngày xưa – Ảnh: Tư liệu
 

 

Người Đông Kinh (*) đã khôn ngoan, khéo léo từ khi người Bồ Đào Nha, Hà Lan và các nước lân cận đến buôn bán. Họ biết buôn không phải vì túng thiếu; nhưng vì lợi, vì tiền. Hơn nữa, họ cũng đủ lý trí để học rất mau những lề lối, những mánh khoé trong nghề buôn để khỏi bị phỉnh gạt.
Những nguồn lợi phong phú
Từ trước đến giờ, quốc vương không cho khai các mỏ vàng; ngài vừa mới cho phép khai một phần mỏ bạc ở tỉnh Cuicanghe (Cao Bằng). Cũng có vài mỏ bạc trong địa hạt Bắc trấn vừa mới đào nhưng khi nào đức vua cho phép mới được khai. Ngài giữ các mỏ kim ngân quý giá như vậy là tại ngài sợ ngoại quốc nghe thấy thì đến xin khai và chiếm mất, sợ thần dân tranh quyền làm chủ những mỏ ấy và nổi loạn chống lại ngài.
Sắt và chì thì tha hồ khai vì ngài không lo giữ gìn như vàng bạc. Ngoài các mỏ nên kể việc mò trai. Nhưng bây giờ không còn ai mò nữa vì các vua trước đã chiếm giữ lấy cả món lợi. Ai còn muốn hy sinh tính mệnh để làm việc khó nhọc ấy?… Về việc chài lưới tôi không thấy nơi nào sẵn cá như xứ Đông Kinh; ai ai cũng có lưới để bắt cá ăn tươi hay ướp muối.
Một nguồn lợi nữa thông thường hơn, khai thác không khó nhọc và nguy hiểm vì mọc sẵn trên đất là núi rừng, có nhiều thứ cây già hơn nghìn năm không mục nát được. Như gỗ lim (người Bồ Đào Nha gọi là Palo Ferro, nghĩa là cọc sắt để chỉ rõ tính cách gỗ nặng hơn cả gỗ mun vì chìm xuống nước mau hơn; sắc giống như sắt gỉ; cứng như sắt, đem búa đóng đanh tốt vào thì một người khoẻ đến đâu dùng tay không cũng không nhổ lên được, dùng kim thường nhổ cũng còn khó nhọc). Gỗ lim kỵ với sắt: lim làm han và ăn sắt gỉ.
Ngoài ra còn nhiều thứ gỗ cũng tốt như lim: nhà vua không cho phép đẵn nên ta không đóng được tàu chiến đẹp bằng gỗ mun. Mun không được nhiều, và tốt như mun Mozambique. Quế, mọc ở phía nam xứ Đông Kinh, ở phía bắc xứ Đường Trong và ở phía nam xứ này chỗ tiếp với Chiêm Thành, không nhiều và tốt như quế Tích Lan. Nhưng quế nam đắt hơn và rất được người Nhật chuộng dùng, thế nên có nhiều người đi kiếm. Nhưng vua cấm ngặt ai không có phép thì không được bóc mà có phép cũng phải chở qua cung vua. Quế thơm nhưng (muốn lấy quế) phải xông vào rừng sâu đầy thú ác, nước độc khí thiêng. Thú dữ còn có bề chống giữ đề phòng; chớ nước độc khí thiêng dù có đem thuốc giải trừ rất hay, không chết ở dưới chân cây, về đến quê nhà cũng ốm liệt giường liệt chiếu.
Dùng kiếm thử sừng tê
Rừng còn có cọp, gấu, lang, hươu, hoẵng, thỏ, lợn lòi, voi khỉ và ít nhiều tê giác. Sừng tê giác rất được chuộng dùng ở Ấn Độ và các nước lân bang Trung Quốc. Sừng tê dùng để giải độc nên ai có của cũng cố tích trữ ở trong nhà, nhất là do tại các miền này, các dân thường có ác tục là bỏ thuốc độc hại lẫn nhau.
Cũng có kẻ nói quả quyết rằng nếu giẫm phải gai chỉ cần đem tán một ít sừng tê thành bột hòa vào với nước rồi dùng nước ấy rửa chỗ đau, thì không làm nhức buốt gì, cái gai cứ tự nhiên lòi ra rất dễ dàng và chẳng đau đớn. Các vị quan Tàu chức cao và lắm của lúc thết tiệc các bạn thân, chỉ rót rượu vào chén làm bằng sừng tê để tỏ ra rằng họ sang, để khỏi sợ say vì sừng tê có tính chất giải độc.
Cũng như ở nơi khác, dân Nam muốn thử xem sừng tê có tốt hay không, đem treo thanh kiếm bằng một sợi dây rồi cầm sừng tê để gần kiếm; nếu tay chuyển sừng đi mà kiếm quay theo thì sừng tốt, nếu kiếm đứng yên thì sừng không có giá trị gì cả. Cũng có kẻ không thử thế chỉ xem nếu trong giữa sừng có vân vàng mọc toả ra đến khắp ngoài rìa thì cho là sừng tốt. Nếu sừng vừa có vân vừa làm quay được thanh kiếm thì họ sẵn lòng bỏ ra mấy trăm đồng vàng mà chuốc…
Người Đông Kinh hơn người Trung Hoa là còn biết dùng sừng tê làm cán gươm, chuôi dao để phòng hơi độc của thuốc giải độc mà luôn luôn họ giắt trong người.
Họ cũng nuôi dê, bò, trâu, ngựa nhiều nhưng còm, bé như ngựa Ba Lan. Ngựa mua ở các xứ lân cận vào đẹp lớn tốt hơn nhưng đã bị thiến rồi; quốc chủ các nước này một là muốn giữ lợi, hai là sợ bán ngựa giống cho một nước một ngày kia có thể trở nên thù địch của mình, nên không muốn giống ngựa của mình có ở nước khác. Ngựa không bịt móng vì đất ở vùng quê không có đá không hại chân. Họ cũng không dùng đinh thúc ngựa nhưng cầm roi lông. Họ cho rằng cưỡi ngựa mà ngựa không có nhạc đeo, thì người cưỡi ngựa thành lố bịch, cưỡi như thế cũng không khác cưỡi bò. Nhưng trong lúc để tang vua hay các thân quyến của vua, ai cưỡi ngựa có nhạc thì sẽ bị phạt một món tiền to.
(*) Đông Kinh là tên của Hà Nội từ năm 1430 tới 1831. Đông Kinh được phương Tây nói trại là Tonkin, để chỉ miền Bắc VN thời đó

G.F de Marini 
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)