24/12/2024

‘Lắp ráp’ mắt người

Đột phá trong tế bào gốc cho phép giới khoa học nuôi các bộ phận của mắt người trên đĩa thí nghiệm và ‘lắp ráp’ những phụ kiện thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

 

‘Lắp ráp’ mắt người

 

Đột phá trong tế bào gốc cho phép giới khoa học nuôi các bộ phận của mắt người trên đĩa thí nghiệm và ‘lắp ráp’ những phụ kiện thành một sản phẩm hoàn chỉnh.





 

Nhiều hy vọng chữa mù lòa bằng cách nuôi giác mạc từ tế bào gốc – Ảnh: Shutterstock


Viễn cảnh mắt người được nuôi cấy trong điều kiện phòng thí nghiệm sẽ sớm được triển khai trên thực tế sau khi các chuyên gia của Đại học Osaka (Nhật Bản) tuyên bố tìm được phương pháp mới giúp biến các tế bào gốc thành nhãn cầu ở người. Theo nhà sinh học hàng đầu Kohji Nishida, một mẩu da của người trưởng thành là đủ để nuôi thành công võng mạc, giác mạc, thuỷ tinh thể và những bộ phận chủ chốt của mắt người. Để giúp hình dung được quá trình này, các chuyên gia đã cung cấp một đoạn băng cho thấy sự tăng tưởng của tế bào gốc đa năng iPS của người trong vài tuần, khi chúng đồng thời hình thành 4 vòng tròn đồng tâm. Mỗi vòng tròn hiển thị những đặc điểm của những phần khác nhau của mắt người, bao gồm giác mạc, thuỷ tinh thể và võng mạc.
Trong quá trình thử nghiệm, đội ngũ chuyên gia Nhật Bản đã xoay xở để cấy và phát triển vỏ bọc của giác mạc ở thỏ, và theo thời gian chữa khỏi tình trạng mù lòa cho đối tượng thí nghiệm. Theo đó, các giác mạc được nuôi trên đĩa thí nghiệm đã được cấy cho thỏ bẩm sinh bị thiếu hụt bộ phận này, giúp chúng khôi phục thị lực. Và trong khi con người vẫn chưa trải nghiệm được các lợi ích tiềm năng từ đột phá mới của y học, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian. “Chúng tôi đang chuẩn bị triển khai các cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên để cấy mắt cho người nhằm khôi phục chức năng thị giác”, theo ông Nishida viết trong báo cáo đăng trên chuyên san uy tín Nature. Nhà sinh học dự đoán rằng trong vòng 3 năm nữa, con người có thể đủ sức vượt qua nạn mù lòa bằng cách nuôi giác mạc từ tế bào gốc.
“Cuộc nghiên cứu này chứng tỏ nhiều dạng khác nhau của tế bào gốc ở người có thể đảm nhiệm các chức năng của giác mạc, thủy tinh thể và võng mạc”, theo một thành viên của nhóm là Giáo sư Andrew Quantock của Đại học Cardiff (Anh). “Quan trọng hơn hết, nó cho thấy một dạng tế bào gọi là corneal epithelium có thể được nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm trước khi cấy vào mắt thỏ, cho phép khôi phục thị lực”, theo giáo sư người Anh. Ấn tượng hơn nữa, đây không phải là đột phá liên quan đến thị lực duy nhất mà các chuyên gia quốc tế công bố mới đây. Trong một cuộc nghiên cứu khác, các bác sĩ đã có thể đảo nghịch tình trạng mù loà ở 12 trẻ bị chứng đục nhân mắt bẩm sinh. Bằng cách loại bỏ thủy tinh thể bị hỏng và “thúc giục” các tế bào kế cận điều chỉnh thiệt hại, các phẫu thuật gia đã có thể nghĩ ra một phương pháp điều trị hoàn toàn mới cho một trong những căn bệnh về mắt phổ biến nhất hiện nay, theo bác sĩ Kang Zhang của trường y thuộc Đại học California tại San Diego, người tham gia phát minh ra kỹ thuật này.

Tụ Yên