23/12/2024

Người ở Kratie cạn dần hi 
vọng với Mekong

Khi dòng nước từ thượng nguồn lững lờ trôi về giữa dòng Mekong thì người dân Kratie (phía bắc thủ đô Phnom Penh, Campuchia) nói đã muộn rồi.

 

Người ở Kratie cạn dần hi 
vọng với Mekong

 

 

Khi dòng nước từ thượng nguồn lững lờ trôi về giữa dòng Mekong thì người dân Kratie (phía bắc thủ đô Phnom Penh, Campuchia) nói đã muộn rồi. 

 

 

 

 

Người ở Kratie cạn dần hi 
vọng với Mekong
Dãy cát ở Kratie nổi lên bất thường khi nước trên dòng Mekong xuống thấp, người dân không còn kiếm đủ cái ăn trên dòng sông này nữa – Ảnh: Tiến Trình

Từ nhiều năm nay họ mất đi nguồn sống, mất dần mất mòn, đến năm nay thì thật sự họ bị đưa vào cơn thắt ngặt.

Thành phố Kratie nằm bên dòng Mekong thơ mộng, gần đây đã nổi lên những dải cát dài, bóp dòng sông thành đoạn gấp khúc, uốn qua dãy cồn cao. Nhiều người sống lâu năm ở Kratie nói mọi năm những dải cát này thường nổi lên rất muộn, nhưng năm nay nó xuất hiện bất thường.

Chỉ riêng chuyện thiếu nước thôi, người dân ở đây năm nay đã khổ nhiều rồi. Còn con cá, con mắm từ khi mấy ổng đắp đập cũng bị mất tiêu luôn

Ông KOENG SITH

Cho nước lên thì lên, 
cho rút thì rút

Những ngày này, nước từ thượng nguồn lờ lững chảy qua Kratie, đổ về hướng hạ nguồn Phnom Penh. Nông dân, ngư dân tặc lưỡi than trời vì “bị đoạ đày” qua một mùa nước kém chưa từng có.

Nhưng khi nước bất ngờ đổ về thì nhiều người sống ở Kratie lại lắc đầu bất mãn. Bởi những thiệt hại của họ do dòng nước bị thiếu kém đã diễn ra trong nhiều năm.

Có chăng năm nay thì họ phải đối diện với sự thật bẽ bàng là dưới sông, dòng Mekong đã nghèo kiệt nguồn cá; trên đồng, dòng Mekong đã không còn cho nước tới bưng, tới biền để cứu vớt một vụ mùa trắng tay.

Người ở Kratie biết nguyên cớ do đâu, và họ phải chấp nhận sự thật chua chát: cạn dần hi 
vọng với Mekong.

Ông Koeng Sith, một hộ dân ở Rokacandal, Kratic (Kratie), nói mấy ngày nay thông tin thời sự báo phía thượng nguồn Trung Quốc xả đập giúp nước về Kratie cao được ba, bốn tấc.

Nhưng điều đó không giúp được cho cuộc sống người dân ở đây tốt hơn. “Mấy ông ở trên thượng nguồn muốn cho nước lên thì nước lên, cho nước rút thì nước rút. Chỉ riêng chuyện thiếu nước thôi, người dân ở đây năm nay đã khổ nhiều rồi. Còn con cá, con mắm từ khi mấy ổng đắp đập cũng bị mất tiêu luôn” – ông Sith nói.

Để thấy được những mất mát vì Mekong bị ứ ở thượng nguồn, nhiều người dân ở Kratie chỉ chúng tôi tìm ra giữa sông, nơi những xóm bè của người Campuchia gốc Việt nhiều đời gắn bó với khúc sông này. Họ nói rằng nhiều xóm người gốc Việt sống suốt năm trên sông, nên dòng sông thay đổi thế nào thì họ biết hơn ai hết.

Cạn kiệt cá

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến xóm bè thuộc vách xã Kluong Koh Trong (TP Kratie). Gia đình Việt kiều Lê Minh Đàng (64 tuổi) nói họ đang bị nợ chất chồng vì nhiều năm nay bám vào con cá trên sông.

Ông Đàng nói mọi năm người dân ở đây chài lưới lấy cá lớn đi bán mua gạo, cá nhỏ làm cá mồi nuôi cá trong bè. “Nhưng sáu, bảy năm nay cá trên sông ngày mỗi ít. Năm sau đi chài lưới chỉ bằng một phần ba năm trước, còn đến bây giờ thì không còn cá để người ăn, nói chi để làm cá mồi” – ông Đàng thở dài.

Không còn nguồn cá mồi, tình thế khó khăn, các hộ nuôi cá trên sông ở đây phải đi vay nóng với lãi 10%/tháng để mua cám trộn cháo cho cá ăn cầm chừng.

Ông Đàng nói vì thường xuyên thiếu nguồn thức ăn, cá bè chết dần cho đến nay chỉ còn những chiếc 
bè thưa thớt.

Gần nhà ông Đàng, gia đình ngư dân Nguyễn Văn Nghĩa (57 tuổi) cũng chung cảnh ngộ. Ông Nghĩa nói nguồn cá trên sông Mekong cạn kiệt đã thay đổi thói quen nuôi cá của người dân dọc hai bờ sông.

Bấm bụng vay tiền lãi cao để mua thức ăn cho cá. Nhưng cá chết liên tục nhiều năm. Lứa cá này chết thì ông lại thả lứa cá khác để “gối đầu”, rồi cá lại chết.

Ông Nghĩa nói ông đi hỏi những nhà chuyên môn thì được giải thích do nước thượng nguồn bị chặn làm thay đổi dòng chảy khiến rong tảo, dịch bệnh phát triển hại cá.

“Chúng tôi sống ở đây mấy đời, cá mú có bị hề hấn gì đâu. Vậy mà từ khi phía trên thượng nguồn đắp đập thủy điện thì cá thưa thớt dần” – ngư dân Huỳnh Văn Cứ nói. “Trăm phần trăm là tại mấy cái đập chặn sông” – ông nói, rồi lắc đầu bất lực.

Bỏ xứ ra đi

Ông Đàng cho biết do cuộc sống ngày càng thắt ngặt, nên nhiều người dân ở Kratie đã bỏ xứ ra đi.

Gần nhà ông Đàng là nhà Ba Vui đã đi khỏi từ hai năm trước, nhà Út Quyên bỏ đi năm rồi, nhà Ba Tây mới đi năm nay, rồi nhà ông Triệu, bà Hiền, ông Đen… cũng lần lượt quảy gói rời sông đi nơi khác kiếm kế sinh cơ.

Người gốc Campuchia thì lên rừng làm gỗ, còn người gốc Việt thì đi khắp nơi buôn bán, làm thuê kiếm sống. “Xóm tôi trước trên 50 hộ dân, giờ chỉ còn hơn 20 hộ” – ông Đàng cho biết.

Đối diện với khu người Việt là xã Sop, Prek Pro Sop, nhiều hộ dân trồng lúa, trồng rẫy cũng than trời vì nước sông cạn kiệt.

Nhiều người dân cho biết tình trạng người dân bỏ xứ đi chỉ diễn ra trong 5 năm nay. Những người sống dựa vào dòng Mekong đã dần mang theo những thất vọng để bôn ba khắp nơi, khi dòng sông là nguồn sinh kế của họ đột nhiên không còn cho họ đủ cái ăn hằng ngày.

“Không chỉ có người gốc Việt dưới sông, mà người Campuchia có ruộng, có rẫy cũng bỏ đất hoang làm nghề khác” – ông Lê Văn Thái (60 tuổi) nói.

Phía sau nhà ông là cánh đồng rộng mênh mông đã bị bỏ hoang từ nhiều tháng nay. “Năm trước nước sông còn cao, chảy vào sông Krakor lên ruộng người ta làm lúa được. Năm nay nước không tới được mé sông nên ruộng khô, người ta bỏ luôn” – ông Nắk, một nông dân ở xã Rokacandal, cho biết.

Lời than vãn cứ kéo dài miên man. Mà nào chỉ có nông dân. Ngay cả thương lái cũng khóc ròng cho biết: “Chuyện chưa hề có trong lịch sử đã xảy ra, đó là thành phố ven sông Mekong như Kratie lại rơi vào cảnh thiếu cá. Mỗi ngày chúng tôi phải nhập đủ loại cá nuôi từ Việt Nam, qua trung gian tỉnh Kampong Cham”.

Khi chúng tôi hỏi về nước trên sông đang dâng lên từng ngày, nhờ phía thượng nguồn xả đập thuỷ điện, ông Sray Co Sol, chủ tịch Uỷ ban hành chính xã Rokakandal, nói mọi chuyện “chẳng thấm vào đâu”.

Ông Sol nói vì phần lớn đất nông nghiệp là ở trên bưng. “Họ ứ nước đã rồi giờ xả ra cũng đâu thấm gì. Mùa màng không làm được rồi. Các con sông cũng đã khô hết rồi. Giờ có cho nước xuống cũng đã bị thiệt hại rồi” – ông Sol bức xúc.

TIẾN TRÌNH