23/12/2024

“Cưa chân” núi Lang Biang

Chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh Đà Lạt) đang bị hàng trăm hộ dân kéo máy xúc, máy ủi san bằng để dựng nhà kính trồng hoa.

 

“Cưa chân” núi Lang Biang 

 

Chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh Đà Lạt) đang bị hàng trăm hộ dân kéo máy xúc, máy ủi san bằng để dựng nhà kính trồng hoa. 

 

 

 

 

"Cưa chân” núi Lang Biang 
San ủi đất tạo mặt bằng trồng rau, hoa ngay chân Lang Biang – Ảnh: Mai Vinh

 

 

 

Chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh Đà Lạt) đang bị hàng trăm hộ dân kéo máy xúc, máy ủi san bằng để dựng nhà kính trồng hoa. Cảnh quan nên thơ ở đây đang bị tàn phá với tốc độ cao trên diện rộng.

Không chỉ vùng đệm bao quanh danh thắng Lang Biang bị đào nát, khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang cũng có nguy cơ bị xâm hại.

San đồi dựng nhà kính

Hàng trăm người dân đốn hạ cà phê, mang máy ủi máy xúc san phẳng những quả đồi ở vùng giáp ranh Lang Biang để trồng hoa, trồng rau hoặc cho những hộ dân khác thuê canh tác rau, hoa.

Những quả đồi không bị san phẳng thì bị san ủi một phần khiến cảnh quan nham nhở những mảng màu xanh đỏ pha trộn giữa cỏ và đất đỏ. Quang cảnh xung quanh chân núi Lang Biang đang bị biến dạng.

Khi chúng tôi đến khu vực này, ông Văn Bá Khánh – người có khu đất ở thôn Đăng Gia Rít B (thị trấn Lạc Dương) nằm dưới chân Lang Biang – đang tất bật tổ chức san đất chuẩn bị trồng khoai tây.

Theo ông Khánh, người dân nào có khoảnh đất trên đồi cũng thuê máy đào máy xúc san phẳng để trồng rau, hoa.

Từ khu đất của ông Khánh nhìn sang chân núi Bà (nằm trong quần thể Lang Biang), những khu nhà kính rộng lớn đã hình thành, xen kẽ là những khu vực người dân vẫn tiếp tục đào xới, các loại máy móc chạy ầm ầm ngày đêm để kịp bàn giao mặt bằng cho người dân xuống giống.

Ông Khánh cho hay chỉ mới một năm trước, vùng này là những quả đồi xanh cỏ hoặc trồng toàn cà phê.

Anh Dương Hữu Thiện, người thuê hơn 5.000m2 đất ở khu vực chân núi Bà của một hộ người dân tộc Cil, cho biết đang huy động nhân công đào thêm ao chứa nước ở giữa khu đất, sau đó sẽ dựng nhà kính trồng hoa.

Theo anh Thiện, phải dựng nhà kính vì chủ những khu đất đang san ủi cũng sẽ dựng nhà kính, nếu không sẽ bị ảnh hưởng tới mức trồng trọt không như ý muốn.

Trong khi đó, sau khi phá bỏ 4 sào cà phê nhưng không rành trồng hoa màu, ông Ya Thương (thôn Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương) cũng thuê máy xúc san bằng khu đất nằm lưng chừng đồi thành từng mảnh vuông vức và cho người khác thuê để dựng nhà kính trồng hoa.

Ngay khu vực trung tâm thị trấn Lạc Dương, việc san đồi dựng nhà kính cũng diễn ra nhiều năm nay, diện tích càng lúc càng lớn.

Từ phía UBND huyện Lạc Dương nhìn về phía trái của khu du lịch Lang Biang, những dãy nhà kính đã phủ trắng.

Tương tự, từ trên đỉnh Lang Biang nhìn xuống cũng thấy một màu trắng nhà kính thay cho quang cảnh những quả đồi trùng điệp trải dài quanh khu vực Lang Biang cách đây vài năm.

Tan nát vùng đệm

Ông Phạm Triều, chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết diện tích đồi (vùng đệm) dưới chân Lang Biang là đất nông nghiệp đã cấp cho người dân cách đây nhiều năm, chủ yếu trồng cà phê. Năm 2015, cà phê rớt giá lại bị sương muối phủ hư hại nên người dân đồng loạt phá bỏ và san phẳng đồi để trồng hoa màu.

Theo ông Triều, việc san ủi có làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của danh thắng Lang Biang nhưng đây là vùng nông nghiệp hợp pháp, người dân có quyền san lấp để canh tác nên huyện gặp khó khăn trong ngăn chặn việc san ủi đồi núi gây thay đổi cảnh quan.

Theo ông Triều, UBND huyện Lạc Dương xác định nếu vùng đệm quanh chân Lang Biang không được bảo vệ sẽ tổn hại đến danh thắng Lang Biang nên việc cấp phép san lấp được giám sát, 6 năm trở lại đây huyện chưa cấp thêm một thửa đất nông nghiệp nào.

Chỉ những khu vực gần đường, gần khu dân cư hoặc những quả đồi nằm lọt thỏm trong vùng sản xuất nông nghiệp mới được phép san phẳng hoặc theo kiểu ruộng bậc thang.

“Chưa có tiêu chí rõ ràng, chúng tôi chỉ linh động dựa theo độ cao của từng thửa đất trên đồi mà có cho phép san ủi hay không” – ông Triều cho biết.

Ông Lê Chí Quang Minh, trưởng Phòng tài nguyên – môi trường huyện Lạc Dương, cho rằng đã tung lực lượng theo dõi việc san ủi đất nhưng không tránh được việc người dân lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để san lấp.

Mới đây, UBND huyện Lạc Dương đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 8 trường hợp san ủi ngoài phạm vi cấp phép và không được cấp phép với tổng diện tích hơn 15.000m2.

Theo một cán bộ Phòng tài nguyên – môi trường huyện Lạc Dương, do trồng hoa trong nhà kính lợi nhuận cao nên người dân tìm mọi cách san bằng đất để dựng nhà kính. “Không cho thì lách đầu này đầu kia để san ủi đồi núi cho bằng được” – vị này nói.

Theo TS Lâm Ngọc Tuấn, trưởng khoa môi trường ĐH Đà Lạt, ngoài vùng lõi của danh thắng bị tác động xấu, việc san lấp ồ ạt đồi núi quanh chân núi Lang Biang còn ảnh hưởng đến vùng bên dưới Lang Biang, trong đó có Đà Lạt.

Theo ông Tuấn, khi vùng đệm bị tổn thương với diện tích lớn, chuyện vùng lõi Lang Biang bị tổn thương chỉ là vấn đề thời gian.

“Việc biến đổi địa hình ở đây sẽ tăng xói mòn, tăng hệ số dòng chảy, giảm hệ số thấm khiến khu vực Đà Lạt dễ dàng xảy ra lũ khi mưa lớn và nước ngầm cũng suy giảm mạnh” – ông Tuấn khuyến cáo, đồng thời đề nghị phải có đánh giá tác động môi trường và quy hoạch lại hoạt động sản xuất nông nghiệp ở vùng đệm để giảm thiểu tác động tiêu cực đến Lang Biang và Đà Lạt.

Quy hoạch lại để bảo vệ Lang Biang

Bà Nguyễn Thị Nguyên, giám đốc Sở Văn hoá – thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết hoạt động sản xuất nông nghiệp dùng nhà lưới, nhà kính gây xâm hại đến danh thắng Lang Biang đã được cảnh báo.

Người dân san lấp không chỉ vùng đệm mà còn bên trong danh thắng. Việc này có trách nhiệm của Vườn quốc gia Bidoup – núi Bà. Danh thắng Lang Biang đẹp hài hoà nhờ vùng đệm, nếu bị phá tan hoang như hiện nay sẽ khiến Lang Biang xấu đi rất nhiều.

Theo bà Nguyên, sở sẽ đề xuất với UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch lại khu vực danh thắng Lang Biang và vùng đệm, trong đó sẽ xác định đối với vùng đệm, ở độ cao nào được san lấp làm nông nghiệp, còn ở độ cao nào được sản xuất nhưng không được thay đổi cảnh quan, để từ đó có giải pháp bảo vệ hiệu quả.

Cuối tháng 12-2015, UNESCO đã trao công nhận Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang gồm Vườn quốc gia Bidoup – núi Bà và đỉnh Lang Biang là khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của thế giới với tổng diện tích khoảng 260.000ha, có vùng lõi khoảng 57.000ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái và phân khu nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Bidoup – núi Bà nằm ở độ cao 2.167 – 2.287m (so với mực nước biển); vùng đệm khoảng 90.000ha gồm một phần diện tích các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Đà Lạt.

MAI VINH ([email protected])