Giác quan thứ sáu từ thiết bị cấy não
Nghiên cứu mới cho thấy năng lực tưởng chừng chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng sẽ có thể trang bị cho người, chẳng hạn như khả năng nhìn ánh sáng hồng ngoại.
Giác quan thứ sáu từ thiết bị cấy não
Nghiên cứu mới cho thấy năng lực tưởng chừng chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng sẽ có thể trang bị cho người, chẳng hạn như khả năng nhìn ánh sáng hồng ngoại.
Các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị cấy não để mang lại cái gọi là “giác quan thứ sáu” cho chuột, cho phép chúng phát hiện và phản ứng trước những nguồn ánh sáng mà bình thường vô hình trước mắt loài vật này.
Triển vọng mới
Kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng não người có thể được điều chỉnh để tương thích với các dạng nhập dữ liệu ánh sáng mới, mở ra triển vọng giúp nhân loại có được những giác quan lẽ ra chỉ thuộc về siêu nhân hoặc các nhân vật tồn tại trong phim truyện viễn tưởng. Theo đó, giới chuyên gia cho rằng có thể cài đặt những cảm biến tiếp thu các dạng ánh sáng khác như tia cực tím, vi sóng hoặc thậm chí tia X bằng cách sử dụng thiết bị cấy não.
Trong cuộc nghiên cứu được công bố trên chuyên san Journal of Neuroscience, các nhà khoa học cấy 4 nhóm điện cực vào phần não chịu trách nhiệm cho cảm giác truyền từ râu chuột. Mỗi nhóm được kết nối với cảm biến chuyển đổi ánh sáng hồng ngoại thành tín hiệu điện tử mà não hiểu được. Các thí nghiệm được thiết kế để xác định xem liệu chuột được cấy não có khả năng phát hiện ánh sáng hồng ngoại hay không. Với một cảm biến, chuột mất đến một tháng mới thích nghi với các tín hiệu truyền về não, cho phép chúng phát hiện ánh sáng hồng ngoại trên chuồng và nhấn vào nút bên dưới. Tuy nhiên, chuột được cài 4 cảm biến cùng lúc có thể nhanh chóng sử dụng được “siêu năng lực” mới trong chưa đầy 4 ngày.
Diễn dịch ánh sáng
Trưởng nhóm nghiên cứu là TS Miguel Nicolelis, nhà khoa học thần kinh thuộc Trung tâm y khoa của Đại học Duke (Mỹ), cho hay dự án trên chứng tỏ năng lực thích nghi của não động vật có vú. “Trong vài ngày, chuột học được cách sử dụng bộ phận giả để theo dõi các đối tượng có liên quan đến ánh sáng hồng ngoại trong môi trường của chúng”, theo TS Nicolelis diễn giải. Kết quả là neocortex, vùng vỏ não liên quan đến năng lực nghe nhìn ở động vật có vú, và cũng là phần vỏ não hình thành sau cùng trong lịch sử tiến hoá của nhân loại, được chứng minh có thể sẵn sàng hấp thu những nguồn thông tin hoàn toàn mới, và sử dụng thông tin này cho việc sản xuất các hành vi thích nghi sau này.
Theo trang tin New Scientist, cuộc nghiên cứu sau đó cho thấy chuột thậm chí còn học hỏi nhanh hơn nếu bơm trực tiếp thông tin vào vỏ não thị giác. Chúng chỉ mất 7 giờ để thích nghi với nguồn dữ liệu mới, có lẽ vì vỏ não thị giác vốn đảm nhiệm chức năng diễn dịch ánh sáng. TS Nicolelis cho hay nhóm của ông đang hy vọng sẽ triển khai thêm các thí nghiệm mới với những phần khác nhau của quang phổ, sử dụng cùng lúc ánh sáng thường và hồng ngoại.
Phi Yến