Thời tiết đảo chiều liên tục, đề phòng sâu bệnh hoành hành
Trong 7 ngày từ 26.3 – 1.4, đợt không khí lạnh có cường độ mạnh cuối mùa tràn về sẽ làm thời tiết nửa phía bắc thay đổi đột ngột.
Thời tiết đảo chiều liên tục, đề phòng sâu bệnh hoành hành
Trong 7 ngày từ 26.3 – 1.4, đợt không khí lạnh có cường độ mạnh cuối mùa tràn về sẽ làm thời tiết nửa phía bắc thay đổi đột ngột.
Trời còn rét ngày thứ bảy, chủ nhật với nhiệt độ ban đêm 12 – 15 độ C, vùng núi dưới 10 độ C
Sau đó không khí lạnh suy yếu nên nhiệt độ tăng dần, chỉ rét đêm về sáng, mưa nhỏ. Từ ngày 30.3, áp thấp nóng từ phía tây lấn mạnh sang gây nắng nóng trở lại ở vùng tây bắc, phía tây các tỉnh bắc miền Trung kéo dài đến cuối tuần sau với nhiệt độ cao nhất có nơi 34 – 35 độ C, còn ở phía đông nhiều mây, mưa nhỏ mưa phùn và sương mù khá dày đặc ảnh hưởng đến giao thông và là điều kiện để bệnh đạo ôn, sâu bệnh gây hại phát triển trên các trà lúa, hoa màu vụ xuân hè.
Trong khi đó, nắng hạn ở miền Nam và Tây nguyên tiếp tục gay gắt trong những ngày cuối tuần này, nhiệt độ cao nhất ở miền Đông Nam bộ 35 – 37 độ C, có nơi trên 37 độ C, các nơi khác từ 34 – 35 độ C. Thời gian nắng kéo dài hơn 10 – 12 tiếng mỗi ngày với cường độ bức xạ mạnh, lượng bốc hơi, độ ẩm thấp nhất 30 – 40%, trung bình ngày 65 – 75%, đặc biệt nắng nóng từ sau 9 – 10 giờ sáng cho đến chiều nên tình hình hạn hán, thiếu nước ngọt rất nghiêm trọng, nhiều nơi cây chết khô và nguy cơ cháy nổ rất cao ở hầu hết các tỉnh nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Bên cạnh đó, do không khí lạnh khuếch tán xuống làm nhiệt độ ban đêm giảm nhẹ từ chủ nhật đến thứ hai, trời hơi se lạnh và xuất hiện sương mù, mù khô.
Cùng nắng nóng, mặn tiếp tục tăng trong 7 ngày tới do đợt triều cường giữa tháng 2 âm lịch lại thêm gió chướng thổi mạnh, dồn nước vào các vùng cửa sông, đẩy mặn vào sâu hơn trong sông và kênh rạch nội đồng. Tỉnh Bến Tre mặn 1%o vào sâu 80 – 85 km trên sông Hàm Luông và 65 – 70 km trên các sông Cửa Đại, Cổ Chiên. Nước mặn xâm nhập đến hầu hết những vùng trồng cây ăn quả tập trung của các tỉnh Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng… khiến cây có nguy cơ rụng hoa, trái. Do vậy, bà con cần chờ nước kém, mặn giảm và đo mặn trước khi tưới, lấy nước vào các vườn cây ăn trái ven sông. Cần lưu ý là hạn hán, xâm nhập mặn còn kéo dài hai tháng nữa nên phải tăng cường đê bao để tránh nước mặn xâm nhập, hạn chế tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi nồng độ mặn vượt 2%o. Đối với một số cây mẫn cảm với mặn (sầu riêng) thì không tưới khi nồng độ mặn xấp xỉ 1%o trở lên.
Thời tiết thay đổi liên tục, miền Trung cũng đang hạn hán, chú ý bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại trên lúa giai đoạn làm đòng – trổ, nạn chuột cắn phá. Miền Nam cần theo dõi bệnh rầy nâu và bệnh đạo ôn lá, cổ bông trên lúa do ngày nóng, đêm se lạnh, sáng sớm có sương mù, mù khô.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan