23/12/2024

Chúa nhật Lễ Lá – Mùa Chay C – 2016: Đức Giêsu là quà tặng quý giá nhất của lòng Chúa thương xót

Chúng ta bước vào Tuần Thánh để sống lại Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Đây là dịp thuận tiện nhất để cảm nghiệm được tột đỉnh lòng thương xót của Cha Trên Trời khi ban tặng Người Con Một của Ngài để cứu độ chúng ta.

 Chúa nhật Lễ Lá – Mùa Chay C – 2016

Đức Giêsu là quà tặng quý giá nhất

của lòng Chúa thương xót

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn,HKK

Chúng ta bước vào Tuần Thánh để sống lại Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Đây là dịp thuận tiện nhất để cảm nghiệm được tột đỉnh lòng thương xót của Cha Trên Trời khi ban tặng Người Con Một của Ngài để cứu độ chúng ta. Người Con ấy đã làm người, trở thành Đức Giêsu Nazareth, đã chịu chết để hoà giải chúng ta với Chúa Cha, đã sống lại để chia sẻ cho chúng ta thần tính của Người. Vì thế Đức Giêsu Kitô là quà tặng quý giá nhất của Chúa Cha giàu lòng thương xót. Trong ít phút này chúng ta cùng suy niệm điều đó.

1. Quà tặng quý giá nhất của Chúa Cha

Trong công trình tạo dựng con người và vũ trụ, Chúa Cha đã ban tặng cho muôn loài những quà tặng cao quý là sự thật vô biên, điều tốt tuyệt vời và vẻ đẹp kỳ diệu mà con người có thể khám phá qua những hiểu biết, tìm tòi nơi các khoa học. Ngài dựng nên con người giống hình ảnh Ngài với tinh thần siêu việt luôn hướng tới vô biên để có thể tiếp xúc với Thiên Chúa là nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng, quyền năng vô tận, hạnh phúc vô cùng. Nhờ tinh thần đó, con người chúng ta cũng có thể gặp gỡ các tinh thần khác là các thiên thần, cả quỷ dữ là thiên thần sa ngã luôn cám dỗ con người, các hồn người đã khuất và vũ trụ vạn vật là những đứa em được Cha Trên Trời giao phó cho ta để điều khiển chúng (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 108-114, 130).

Khi con người đầu tiên là Ađam-Evà phạm tội bất tuân, cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, loài người chúng ta đã mất nhiều quà tặng quý giá Cha ban. Chúng ta không còn dễ dàng tiếp xúc với người Cha của mình. Chúng ta sống khốn khổ, nghèo túng, bệnh tật, ngu dốt, xấu xí và mỗi giây phút sống là tiến gần đến cái chết. Vạn vật vì liên kết với con người trong tương quan với vật chất nên cũng chịu chung cảnh hư nát đó (x. Rm 8, 18-23). Tuy nhiên ẩn sâu trong cõi lòng của muôn loài, tất cả đều muốn sống mãi, đẹp mãi, trẻ mãi theo ân phúc Cha ban.

Thiên Chúa không phải chỉ muốn phục hồi hình ảnh mình trong con người và vạn vật để trở lại tình trạng trước khi Ađam-Evà phạm tội. Ngài còn muốn chia sẻ thần tính mình cho loài người, đón nhận họ là con cái của mình khi cho Con Một Ngài trở thành người để đền tội thay cho con người. Chúa Cha có thể đơn phương tuyên bố tha thứ cho con người, nhưng nếu làm thế, con người vẫn chỉ là những thụ tạo được tha thứ chứ chưa phải là những người con theo tình yêu thương xót của Chúa Cha.

Để thực hiện được công trình thần hoá này, Ngôi Lời Thiên Chúa đã tình nguyện trở thành con người, mang lấy một thân xác vật chất giống như muôn loài trong vũ trụ, để có thể thay mặt cho tất cả nói lên lời xin lỗi của con người và hoà giải với Chúa Cha đồng thời cũng là cầu nối để chuyển thông thần tính.

Ta thử dùng 1 thí dụ cho dễ hiểu. Khi 2 đứa trẻ bất hoà với nhau vì đứa này chửi đứa kia là đồ ăn cắp, thì chỉ cần một người bạn của 2 đứa làm trung gian để giải hoà và và đứa trẻ xúc phạm nói lời xin lỗi là đủ. Nhưng khi đứa trẻ nói lời xúc phạm ấy với một người lớn có địa vị cao như chủ tịch nước, tổng thống hay ông vua trị vì một nước thì không phải ai cũng có thể hoà giải đôi bên. Cần phải có một người trung gian vừa ngang hàng với người bị xúc phạm, đồng thời cũng liên hệ với người có hành vi xúc phạm, để nối kết và hoà giải.

Công trình hoà giải với Thiên Chúa cũng tương tự như thế. Hành động xúc phạm đến Thiên Chúa có tính cách nặng nề vô cùng nên con người không thể tự mình đền bù và hoà giải. Cần có 1 Đấng ngang bằng với Thiên Chúa để hành động của vị đó mang tính tuyệt đối, có giá trị vô cùng, lan rộng đến mọi nơi, mọi thời và mọi loài trong vũ trụ. Đấng đó cũng phải là con người, mang thân xác vật chất, để lời xin lỗi thật sự là của con người và muôn loài, chứ không phài là lời nói thay của một người xa lạ, không thật lòng ăn năn, sám hối.

Như thế, khi “yêu thương thế gian đến độ trao ban Người Con Một” (x. Ga 3,16), Chúa Cha giàu lòng thương xót đã trao cho ta tất cả thần tính của Ngài và Ngôi Lời làm người là quà tặng quý giá nhất của lòng Chúa xót thương ta.

2. Đức Giêsu là gương mẫu cao cả nhất của lòng thương xót

Trong đời sống trần thế, nhất là trong mầu nhiệm Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu là gương mẫu cao cả nhất thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha.

Một khi trở thành người giống chúng ta về mọi phương diện, chỉ trừ tội lỗi, Ngôi Lời Thiên Chúa cảm thương những nỗi yếu hèn của ta (x. Dt 4,15). “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 8-9).

Trong những năm sống ẩn dật tại Nazareth, Đức Giêsu lớn lên, phát triển mọi khả năng thể xác và tinh thần. Người học hành, làm việc, vui chơi, hoà mình với mọi người để chia sẻ niềm vui, bình an, ân sủng của Chúa Cha cho tất cả những người và vật liên hệ với mình. Trong 3 năm hoạt động công khai, Người rao giảng Tin Mừng cứu độ, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, cho kẻ chết sống lại và làm nhiều dấu lạ để diễn tả tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta hiểu rằng: mỗi người con của Chúa Cha đều có thể và phải hành động giống như Người để trở nên dung mạo sống động của Chúa Cha giàu lòng thương xót cho muôn vật, muôn loài.

Trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giêsu diễn tả tột đỉnh lòng thương xót của Chúa Cha là Đấng không đòi tội phạm phải chết muôn đời, dầu họ đáng chết, nhưng lại để cho Người Con vô tội của Ngài chết thay cho mọi người. Tình yêu thương xót của Chúa Cha thật vô cùng vĩ đại và cao thượng vì dám hy sinh người con cả vô cùng quý giá để cứu đàn em thứ qua việc tự nguyện chịu khổ hình của Chúa Giêsu. Người “đã yêu cho đến cùng” để diễn tả Thiên Chúa là Tình Yêu trong mầu nhiệm Vượt Qua của đời mình. Người đã vâng lời cho đến chết để đền bù tội bất tuân của loài người và đã cam chịu tất cả những khổ đau, tủi nhục mà không oán hận, nhưng lại xin Chúa Cha tha cho những kẻ đóng đinh mình.

Người đã lấy tinh thần không thể chết để tiêu diệt sự chết đã thống trị thế giới vạn vật, khi con người phạm tội cắt đứt với nguồn sống là Thiên Chúa. Rồi Người đã sống lại để thông ban cho loài người và vạn vật sự sống kỳ diệu của chính Con Thiên Chúa. Như thế, khi diễn tả lòng thương xót của Chúa Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng lòng thương xót không phải là một thài độ thương hại tiêu cực, hạ thấp giá trị hay làm nhục người thụ hưởng, nhưng lại nâng cao và tôn trọng người đón nhận như là những người con đích thực của Chúa Cha.

Kết luận

Bước vào Tuần Thánh để kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta hãy xác tín một lần nữa rằng Người chính là quà tặng quý giá nhất cúa lòng Chúa Cha xót thương ta. Đồng thời ta cũng xin Chúa Giêsu cho ta biết diễn tả  tình yêu thương xót thành những hành động tích cực, cụ thể cho muôn loài để cũng trở thành hình ảnh sống động của Chúa Cha giàu lòng thương xót như Người.