26/12/2024

Châu Á chịu nhiều thiên tai nhưng châu Phi dễ tổn thương nhất

Ấn Độ có 1 tỉ người có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ các thảm hoạ thiên nhiên cùng với TQ, Philippines, Nhật… nằm trong số 10 quốc gia có nhiều người đối mặt với thiên tai nhất.

 

Châu Á chịu nhiều thiên tai nhưng châu Phi dễ tổn thương nhất

 

Ấn Độ có 1 tỉ người có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ các thảm hoạ thiên nhiên cùng với TQ, Philippines, Nhật… nằm trong số 10 quốc gia có nhiều người đối mặt với thiên tai nhất.

 

 

 

Châu Á chịu nhiều thiên tai nhưng châu Phi dễ tổn thương nhất
Động đất Nepal năm 2015 khiến nhiều toà nhà bị hư hại nghiêm trọng Ảnh: Reuters

Theo bản đánh giá toàn cầu mới nhất của công ty quản lý rủi ro Verisk Maplecroft có trụ sở tại Anh thì châu Á có nhiều người dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các thảm hoạ tự nhiên nhưng các quốc gia châu Phi lại là nơi bị tổn thương nhiều nhất từ các thảm hoạ này.

Reuters ngày 23-3 dẫn báo cáo của Verisk Maplecroft cho biết nguyên nhân khiến châu Phi trở thành nơi dễ bị tổn thương nhất là do sự bất ổn chính trị, nạn tham nhũng, nghèo đói và bất bình đẳng.

Ấn Độ có 1 tỉ người nguy cơ chịu ảnh hưởng thảm họa thiên nhiên

Theo số liệu, Ấn Độ có 1 tỉ người có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ các thảm họa thiên nhiên cùng với Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Philippines, Nhật và Pakistan nằm trong số 10 quốc gia có nhiều người đối mặt với thiên tai nhất.

Nhóm nghiên cứu cho biết khoảng 1,4 tỉ người tại Nam Á từng đối mặt với ít nhất là một thảm họa tự nhiên lớn như bão, lũ lụt hay động đất.

Tuy nhiên danh sách các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì thiên tai, bao gồm khả năng chuẩn bị, ứng phó và phục hồi từ thảm họa tự nhiên lại thuộc về các nước ở châu Phi, đặc biệt là các nơi đang xung đột như Nam Sudan, Burundi và Eritrea.

Nhiều tổn thương ở châu Phi và các khu vực khác là kết quả của việc quản trị kém, trong đó có tham nhũng, dẫn đến việc không có khả năng thực hiện các chính sách giảm thiểu rủi ro thiên tai.

“Xung đột gần đây hoặc lâu dài có thể làm xói mòn khả năng phục hồi của xã hội. Về lý thuyết thì có quy hoạch đô thị. Vì vậy rõ ràng tham nhũng cũng là một vấn đề” – nhà phân tích Richard Hewston của công ty Verisk Maplecroft nhận định.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý tại Nhật, Đài Loan và Hồng Kông, hơn 85% dân số của các nước này từng tiếp xúc với ít nhất một thảm hoạ tự nhiên.

Tuy nhiên cả 3 quốc gia này đều được xếp vào các nước ít bị tổn thương với các dữ liệu ghi lại ít hơn 32.000 trường hợp tử vong do thiên tai gây ra từ năm 1990 đến nay.

Mặt khác, Haiti ít tiếp xúc với các thảm họa tiềm năng nhưng lại rất dễ bị tổn thương. Dữ liệu của công ty Verisk Maplecroft ghi nhận hơn 230.000 ca tử vong tại Haiti từ năm 1990 đến nay, trong đó trận động đất hồi năm 2010 là thiên tai khiến nhiều người dân nước này thiệt mạng nhất.

Tokyo, Jakarta và Quảng Đông là nơi nguy cơ bị thiên tai nhất

Các nhà nghiên cứu cho biết nói riêng về thành phố thì Manila là thành phố hứng chịu thiên tai nhiều nhất với gần như tất cả 23 triệu dân nơi này đều sống trên đường đi của các cơn bão và nhiều người dân Manila cũng phải đối mặt với các đợt sóng thần cũng như động đất.

Bản đánh giá cũng nhận định rằng 7 thành phố lớn khác tại Nhật, Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ, đặc biệt là Tokyo, Jakarta và Quảng Đông là nơi mà nhiều người dân có nguy cơ bị thiên tai nhất.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng tốc độ phát triển chóng mặt tại các nước châu Á như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và Philippines đóng góp rất ít vào việc giảm thiểu rủi ro thiên tai trong khu vực đó.

ANH THƯ