27/12/2024

Mặn tấn công nguồn nước sinh hoạt Sài Gòn

Theo báo cáo ngày 22.3 của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nguồn nước sông Sài Gòn đang bị xâm nhập mặn nghiêm trọng khiến tình hình cung cấp nước của các nhà máy nước như Tân Hiệp, Bình An bị ảnh hưởng.

 

Mặn tấn công nguồn nước sinh hoạt Sài Gòn

 

Nhà máy nước Tân Hiệp phải nhiều lần ngừng bơm nước thô từ sông Sài Gòn từ đầu năm đến nay – Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo báo cáo ngày 22.3 của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nguồn nước sông Sài Gòn đang bị xâm nhập mặn nghiêm trọng khiến tình hình cung cấp nước của các nhà máy nước như Tân Hiệp, Bình An bị ảnh hưởng.

Liên tục ngừng bơm vì mặn

Đặc biệt từ ngày 25.1.2016 đến nay Nhà máy nước (NMN) Tân Hiệp phải 15 lần dừng bơm nước thô tại trạm bơm Hoà Phú do nước sông Sài Gòn có độ mặn quá cao. Cụ thể, trong tháng 1 phải dừng bơm nước thô 4 lần, độ mặn cao nhất đo được 366 mg/lít; tháng 2 phải dừng bơm nước thô 2 lần, độ mặn cao nhất 340 mg/lít; tháng 3 ngừng bơm nước 9 lần, độ mặn cao nhất 330 mg/lít.

Trả lời Thanh Niên, ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết việc nhiễm mặn của sông Sài Gòn đã ảnh hưởng nhiều đến công suất hoạt động của NMN Tân Hiệp. Sản lượng nước sạch bơm ra mạng lưới của NMN Tân Hiệp chỉ khoảng 178.000 – 220.000 m3/ngày, bằng 50% so với bình thường. Nhưng nhờ có sự trợ giúp của NMN Kênh Đông (sử dụng nước của kênh Đông – tuyến kênh thuỷ lợi, không bị nhiễm mặn, sử dụng chung đường ống với NMN Tân Hiệp) nên tổng sản lượng nước bơm ra khỏi NMN Tân Hiệp vẫn đảm bảo với công suất từ 370.000 – 393.000 m3/ngày.

Tuy nhiên, nếu tình hình nhiễm mặn tiếp tục tăng cao, NMN Tân Hiệp sẽ buộc phải ngưng lấy nước thô từ sông Sài Gòn kéo dài 12 – 16 giờ trong ngày. Khi đó, Sawaco phải tăng công suất các NMN khác trong hệ thống để bổ sung nguồn nước cho TP.HCM. Bên cạnh đó, Sawaco cũng tiến hành điều tiết mạng lưới để điều chuyển nguồn nước cho các khu vực bị ảnh hưởng; luôn sẵn sàng xe bồn, bồn chứa cố định để hỗ trợ cấp nước.

Trong trường hợp nhiễm mặn buộc ngưng lấy nước thô từ sông Sài Gòn kéo dài hơn 16 giờ trong ngày, ngoài những giải pháp trên, theo ông Giang, Sawaco phải triển khai biện pháp cấp nước khẩn cấp tạm thời. Tăng cường vận chuyển nước bằng xe bồn, lắp đặt các bồn chứa nước tập trung đến các bệnh viện, trường học, cơ quan trọng yếu, các khu vực không thể điều tiết mạng lưới cấp nước đến.

Nghiên cứu xử lý nước mặn thành ngọt

Theo ông Giang, TP.HCM sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý hồ đầu nguồn như Trị An, Dầu Tiếng vận hành xả nước đẩy mặn kịp thời. Sawaco đã kiến nghị UBND TP.HCM chủ trương đầu tư hồ dự trữ nước thô cho NMN sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn tại khu vực Củ Chi. Ngắn hạn, sẽ sớm xây dựng hồ dự trữ dung tích chứa từ 1 – 3 ngày cung cấp nước thô cho NMN Tân Hiệp. Sau đó, xây dựng hồ dự trữ dung tích chứa tối thiểu 15 ngày. Hồ kết hợp đa chức năng vừa dự trữ cấp nước sinh hoạt vừa điều hoà chống ngập.

GS-TSKH Lê Huy Bá lo lắng: “Tình trạng mặn xâm nhập (cùng với nước biển dâng) sẽ làm giảm công suất cấp nước của các nhà máy xử lý nước. Vì vậy, phải làm những hồ chứa nước thô dung tích lớn để trữ nước. Khi độ mặn trên sông tăng thì sử dụng nước từ các hồ này, dung tích mỗi hồ phải trên 1.000 m3. “Hồ Dầu Tiếng có tiềm năng trữ nước rất lớn, cần nâng cấp và đào sâu thêm. Nguồn nước kênh Đông (nước ngọt) nên nghiên cứu sử dụng tưới cho những loại cây trồng phù hợp, phải thay đổi cách tưới theo hướng hiện đại (tưới nhỏ giọt) để tiết kiệm nước”, ông Bá nói và đề xuất TP.HCM cần sớm nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt, nhất là tại vùng Nhà Bè, Cần Giờ…

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT TP.HCM, độ mặn quan trắc trên sông Nhà Bè – Đồng Nai từ ngày 8 – 14.3 là 13,67%o, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 9,04%o; trên sông Sài Gòn, khu vực H.Bình Chánh, Q.9 cũng có độ mặn tương đương. Nếu không có mưa nước thượng nguồn về ít, thời gian tới nồng độ mặn sẽ tiếp tục tăng do việc xả nước đẩy mặn từ hồ Dầu Tiếng gặp khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước cho người dân làm ruộng trong vụ hè thu sắp tới, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND các huyện tăng cường trữ nước vào các ao và vùng trũng, quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống thuỷ lợi, ao, vùng trũng và có biện pháp phân phối nước hợp lý, chống rò rỉ, thất thoát; vận động người dân nạo vét, tu bổ, gia cố, sửa chữa hệ thống kênh tưới; thường xuyên kiểm tra vận hành công trình thuỷ lợi, các cống lấy nước, kênh, mương và khắc phục kịp thời các cống rò rỉ, đẩy nhanh tiến độ các công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện. Các quận huyện phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà để xác định lịch tưới.

Xâm nhập mặn đang tăng nhanh

Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ cho biết tình hình xâm nhập mặn trên hệ thống sông Nhà Bè – Đồng Nai và sông Sài Gòn đang tăng nhanh. Độ mặn cao nhất tại mũi Nhà Bè trên sông Đồng Nai là 13,32‰; năm 2015 là 9,04‰. Còn tại hệ thống sông Sài Gòn: vùng Thủ Thiêm, độ mặn cao nhất 6,03‰, so với cùng tuần năm 2015: 3,49‰.

Khu vực quận 1, 2, 3 và Q.9: Tại bến phà Cát Lái, độ mặn lớn nhất đạt trị số là 8,45‰, cao hơn so với cùng tuần năm 2015 là 4,9‰. Trong tuần này, diễn biến thời tiết càng phức tạp khi nắng nóng gay gắt, nền nhiệt trung bình từ 35 – 360C, nhiều nơi 370C.

Nền nhiệt cao kết hợp với đợt triều cường giữa tháng 2 âm lịch nên tình hình xâm nhập mặn trên sông rạch thành phố trong tuần tới sẽ tăng mạnh, kết hợp với thời kỳ cao điểm mùa khô năm 2016 ranh mặn tại mũi Nhà Bè, cầu Ông Thìn có thể đạt ngưỡng 14 -16‰, trạm Cát Lái và Thủ Thiêm độ mặn dao động quanh ngưỡng 7 – 10‰ và kênh C, kênh Xáng độ mặn trên 4‰. Tình hình khô hạn năm 2016 dự báo kéo dài đến tháng 6.2016.