Coi chừng ‘nhập khẩu’ phá rừng
Chuyên san khoa học Science Advances số tháng 3 đăng báo cáo mới của một nhóm chuyên gia thuộc Đại học bang Michigan (Mỹ) về vấn đề tài nguyên rừng của Trung Quốc.
Coi chừng ‘nhập khẩu’ phá rừng
Chuyên san khoa học Science Advances số tháng 3 đăng báo cáo mới của một nhóm chuyên gia thuộc Đại học bang Michigan (Mỹ) về vấn đề tài nguyên rừng của Trung Quốc.
Đây vốn là một báo cáo khoa học đơn thuần nhưng nếu đọc kỹ nội dung sẽ không khỏi giật mình về nguy cơ “nhập khẩu” phá rừng đang hiển hiện tại nhiều nước, nhất là VN.
Cụ thể, sau thời gian bị tàn phá cực kỳ nghiêm trọng để phục vụ cho giai đoạn “phát triển nóng” của Trung Quốc, diện tích rừng nước này đang dần phục hồi khá ổn định. Số liệu về giai đoạn 2000 – 2010 cho thấy khoảng 1,2% diện tích Trung Quốc đã được phủ xanh trở lại. Điều đáng nói là ngoài các chính sách như mạnh tay với phá rừng và quyết liệt triệt phá khai thác gỗ lậu, Bắc Kinh còn giải quyết bài toán rừng của mình bằng biện pháp ồ ạt nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nhiều nước.
Theo báo cáo, hiện nước này là một trong những nhà nhập khẩu gỗ lớn nhất thế giới. Số liệu từ Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) cho thấy trong giai đoạn nói trên, VN đứng thứ ba trong các nước xuất khẩu gỗ cho Trung Quốc thu về 695 triệu USD, sau Nga (887 triệu USD) và Indonesia (880 triệu USD). Trong khi đó, từ năm 2014, Bộ Công thương VN đã ra thông tư về việc tạm ngưng tạm nhập tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia sang nước thứ ba nhưng giai đoạn tháng 1-6.2015, xuất khẩu gỗ từ VN sang Trung Quốc vẫn đạt 425 triệu USD, chủ yếu là nguyên liệu và sản phẩm thô, theo Tổ chức Forest Trends cũng như Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN.
Phần lớn gỗ nhập được Trung Quốc chế biến ra thành phẩm bán sang các thị trường phát triển như Mỹ và EU. Từ đó, không thể không có ấn tượng rằng để vừa phục hồi rừng của chính mình vừa tiếp tục thu lợi từ lâm sản, Trung Quốc đã “chuyển” phá rừng (cả khai thác hợp pháp lẫn chặt phá lậu) sang nước khác và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
Trong khi đó, nhờ chính sách quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của nhiều phía, độ che phủ rừng ở VN đang tăng ổn định. Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm, phần lớn chỉ còn lại rừng nghèo. Đặc biệt năm 2005, tức nằm trong giai đoạn phục hồi rừng của Trung Quốc, FAO xếp VN là nước có tỷ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria.
Hậu quả của phá rừng thì ai cũng rõ khi đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn tài nguyên gỗ quý hiếm “chảy máu” nghiêm trọng, hậu quả của bão tố, lũ lụt ngày càng khủng khiếp. Mất rừng cũng có nghĩa là “tấm bọt” hấp thu khí CO2, một trong những tác nhân gây khí thải nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu, bị teo tóp lại. Trong khi đó, VN nằm trong số những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, những con số nói trên là thống kê chính thức còn lợi nhuận phi pháp từ buôn lậu thì khó mà đo đếm được. Phải chăng tình trạng lâm tặc ngày càng lộng hành hung hăng đến mức liên tục tấn công kiểm lâm thời gian qua một phần cũng xuất phát từ đây?
Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020 nước ta sẽ phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên 44 – 45%. Thiết nghĩ để đạt mục tiêu này, có lẽ các nhà hoạch định chính sách và giới hữu quan cũng cần cảnh giác để VN không trở thành “thị trường thân thiết” cho chính sách “xuất khẩu” phá rừng của Trung Quốc.
Trọng Kha