Thái Lan đối phó hạn hán kỷ lục
Các khách sạn lớn của Thái Lan đang chuẩn bị những biện pháp để đối phó với hạn hán, trong khi người dân và du khách được khuyên tiết kiệm nước, nhất là khi Tết té nước Songkran sắp tới.
Thái Lan đối phó hạn hán kỷ lục
Các khách sạn lớn của Thái Lan đang chuẩn bị những biện pháp để đối phó với hạn hán, trong khi người dân và du khách được khuyên tiết kiệm nước, nhất là khi Tết té nước Songkran sắp tới.
Một con kênh cạn nước ở tỉnh Nakhonsawan phía bắc Bangkok ngày 12-3 – Ảnh: Reuters |
Theo Bangkok Post, các khách sạn thành viên thuộc Hiệp hội Khách sạn Thái Lan (THA) đang tổ chức các chiến dịch tiết kiệm nước, sau khi được cảnh báo tình trạng khô hạn năm nay có thể tồi tệ nhất trong lịch sử.
Chủ tịch THA Surapong Techaruvichit cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu các khách sạn thành viên hợp tác để cùng tiết kiệm nước. Khô hạn được dự đoán là một vấn đề lớn mà cả nước sẽ cùng phải đối mặt”. Nhìn chung, các khách sạn đều đã có kinh nghiệm từ những đợt hạn hán trước.
Kêu gọi tiết kiệm nước
Người dân địa phương và khách du lịch được khuyên nên tiết kiệm nước trong mùa Tết té nước Songkran nổi tiếng sẽ diễn ra vào tháng 4. Bộ Du lịch và thể thao Thái Lan đang lên kế hoạch vận động người Thái và du khách chơi lễ Songkran rẩy một ít nước lên tay nhau để chúc may mắn theo cách truyền thống thay vì tạt nguyên xô nước như lâu nay.
Thậm chí Bộ trưởng Du lịch Kobkarn Wattanavrangkul còn ra lệnh cho các quan chức cung cấp thông tin về tình trạng hạn hán ở Thái Lan cho du khách nước ngoài đến nước này trong lễ Songkran.
Trong khi đó, Chủ tịch phân hội phía đông của THA Sanpech Supabowornsthian nói các khách sạn ở khu vực miền đông Thái Lan sẽ không bị thiếu nước bởi họ đã có sự chuẩn bị tốt. Nhiều khách sạn, đặc biệt các khách sạn lớn, có hồ chứa nước dự trữ riêng và một số đã mua thêm nước.
“Nhiều khách sạn ở vùng này đã trải qua việc thiếu nước hồi năm ngoái nên họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Họ không muốn gặp phải vấn đề cũ” – ông Sanpech nói.
Ở Phuket, THA cho hay các khách sạn đủ nước dùng tới tháng 6. Chủ tịch phân hội phía nam của THA Krisada Tansakul nói nhiều khách sạn sẽ mua nước từ các nhà cung cấp và một số khác có giếng để sử dụng trong mùa khô. Thông thường nước máy chỉ chiếm 30-40% lượng nước sử dụng ở Phuket. Phần còn lại đến từ các nguồn khác.
Tại thành phố phía bắc Chiang Mai, nhiều khách sạn đang thực hiện chiến dịch tiết kiệm nước và chuẩn bị nguồn nước ngầm để sử dụng.
Cắt giảm nước vào ban đêm
Trong khi đó, như Bangkok Post cho biết, Cục Thương mại nội địa Thái Lan khẳng định người dân sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc cấp nước trong mùa nóng. Cả Công ty Cấp thoát nước thủ đô (MWA) và công ty cấp thoát nước ở các tỉnh đã xác nhận đủ nguồn nước cung cấp trong mùa khô kéo dài đến tháng 7.
MWA nói cơ quan này đã chuẩn bị các biện pháp đối phó với hạn hán và thiếu nước ở Bangkok và hai tỉnh lân cận là Nonthaburi và Samut Prakan. MWA đã giảm áp lực nước máy trong hệ thống cấp nước ở Bangkok từ 23g đến 5g sáng hôm sau để cắt giảm lượng nước sinh hoạt. MWA cũng khuyên tốt hơn hết mọi người nên tiết kiệm nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một người Việt sống lâu năm tại Bangkok là chị Trần Thanh Hiền cho biết tình trạng khô hạn và thiếu nước xảy ra ở vùng quê, nông dân bị ảnh hưởng nhưng người dân Bangkok chưa bị tác động trực tiếp nên còn chủ quan, vẫn vô tư xài nước. Riêng nhà chị đã có biện pháp tiết kiệm nước là dùng nước qua sử dụng không có xà bông để tưới cây.
Liên quan đến việc Thái Lan lấy 47 triệu m3 nước từ sông Mekong đưa vào sông Huay Luang ở tỉnh Nong Khai gây quan ngại đối với các nước láng giềng, kênh ABC của Úc dẫn lời tiến sĩ Somkiat Prajamwong thuộc Cục Tưới tiêu hoàng gia Thái Lan thanh minh rằng các trạm bơm nước chỉ hoạt động tạm thời để hỗ trợ người dân trong cơn khủng hoảng khô hạn.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ 43 của Uỷ ban liên hợp Uỷ hội sông Mekong quốc tế diễn ra từ ngày 15 đến 17-3 ở Cần Thơ, Việt Nam đã bày tỏ quan ngại và đề nghị Thái Lan cung cấp thông tin cụ thể về dự án chuyển nước từ Huay Luang, một dòng nhánh của sông Mekong, để sử dụng cho nông nghiệp.
Tại phiên họp, đoàn Việt Nam nhấn mạnh tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đã tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, kêu gọi các nước thành viên uỷ hội hợp tác và điều phối trong việc xả nước các đập thuỷ điện dòng nhánh và có biện pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả dòng nước xả trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng hiện nay.
Theo trang ABC, dự án Huay Luang có quy mô khá nhỏ nhưng Thái Lan đã cấp phép cho một trạm bơm nước lớn hơn nhiều trong vùng này có thể chuyển 150m3 nước mỗi giây từ dòng Mekong. Tiến sĩ Somkiat giải thích rằng có sự hiểu lầm ở đây và lượng nước mà Thái Lan lấy không đem lại tác động đáng kể. |