Thánh Địa cần một lòng thương xót không biên giới
“Thánh Địa cần một lòng thương xót không biên giới” sẵn sàng đón nhận và dung nạp mọi cộng đồng tôn giáo hiện diện ở đây. Đó là lời kêu gọi của Đức cha William Shomali, Giám mục Phụ tá Toà Thượng phụ Jerusalem, tại Hội nghị Liên tôn do ngài chủ trì, trong khuôn khổ Năm Thánh. Đại diện của các tôn giáo khác nhau đã trình bày “lòng thương xót của Thiên Chúa” theo góc nhìn của tôn giáo mình.
Thánh Địa cần một lòng thương xót không biên giới
WHĐ (16.03.2016) – “Thánh Địa cần một lòng thương xót không biên giới” sẵn sàng đón nhận và dung nạp mọi cộng đồng tôn giáo hiện diện ở đây. Đó là lời kêu gọi của Đức cha William Shomali, Giám mục Phụ tá Toà Thượng phụ Jerusalem, tại Hội nghị Liên tôn do ngài chủ trì, trong khuôn khổ Năm Thánh. Đại diện của các tôn giáo khác nhau đã trình bày “lòng thương xót của Thiên Chúa” theo góc nhìn của tôn giáo mình.
Hội nghị do Đại học Giáo hoàng của Dòng Salêdiêng tổ chức vào ngày 10 tháng 3 tại Jerusalem với chủ đề “Lòng thương xót không biên giới: Cử hành Lòng thương xót của Thiên Chúa trong Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo”. Trong số các tham dự viên, có thẩm phán của toà án Hồi giáo Sharia ở Jerusalem Iyad Zahalka và giáo sĩ Do Thái giáo David Rosen.
Trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô về chủ đề lòng thương xót, Đức Giám mục Shomali nói rằng cả ba tôn giáo độc thần đều nhìn nhận lòng thương xót là “một trong những phẩm tính quan trọng nhất của Thiên Chúa”. Ngài nhận định: “Có một khía cạnh của lòng thương xót vượt ra khỏi ranh giới của Giáo hội Công giáo: Lòng thương xót loại trừ tất cả các hình thức bạo lực và phân biệt đối xử”. Vì vậy, theo Đức cha, lòng thương xót là một lối ứng xử và là một tiêu chí “quan trọng cho Trung Đông và Thánh Địa, nơi mà hận thù và bạo lực đã đè bẹp lòng từ bi thương xót.”
Đức cha Shomali nhấn mạnh cần phải dung hoà lòng thương xót với công lý; ngài nói, điều quan trọng là giảng dạy và phổ biến mô hình “lòng thương xót đối với người khác” trong việc giáo dục người trẻ.
Đức cha nhấn mạnh rằng “giáo dục có một vai trò rất quan trọng; có thể cổ vũ hoà bình hay căm ghét, lòng thương xót hay báo thù”, và ngài đề nghị “đưa ra khỏi chương trình giáo dục trong các trường học của chúng ta những gì gây thương tổn đến hình ảnh của người khác hoặc những gì làm gia tăng tình trạng loại trừ”. Đức cha kết luận: “Chúng ta cần xây dựng các chương trình giáo dục mới với sách giáo khoa chứa đựng các giá trị chung, trong đó có lòng thương xót.”