Học sinh làm ‘nhà máy lọc dầu’
Lo lắng trước tình trạng nhiều cơ sở sản xuất thải nước lẫn dầu ra môi trường, 4 học sinh đã nghiên cứu phương pháp phân tách dầu khỏi nước và tái chế dầu thải an toàn.
Học sinh làm ‘nhà máy lọc dầu’
Lo lắng trước tình trạng nhiều cơ sở sản xuất thải nước lẫn dầu ra môi trường, 4 học sinh đã nghiên cứu phương pháp phân tách dầu khỏi nước và tái chế dầu thải an toàn.
Lọc dầu bằng… dầu
Hai học sinh chuyên hoá Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội là Nguyễn Trần Thái Sơn (lớp 12) và Nguyễn Hà Trang (lớp 11) đang nghiên cứu để hoàn thiện hơn quy trình và máy phân tách dầu khỏi nước thải. Dự án bắt đầu từ tháng 8.2015 với tổng chi phí khoảng 7 triệu đồng.
Chiếc máy lọc dầu này hoạt động theo 3 công đoạn, trong đó việc khuấy đều dầu trẩu biến tính vào nước thải chứa dầu là quan trọng, giúp dầu nổi lên rồi tiến hành phân tách. Để thiết bị không cồng kềnh mà nước được lọc kỹ, Sơn và Trang tạo ra các vách ngăn dích dắc. Sau khi nước được tách, dầu sẽ chảy sang bể lắng.
Ban đầu, Sơn và Trang chế nước thải gồm dầu nhờn, xà phòng, chất tẩy rửa và phân tách thử, sau đó đến một cơ sở sản xuất biến thế ở Bắc Ninh và một tiệm rửa xe ở Hà Nội để xử lý mẫu nước thải tại đây. Kết quả thật bất ngờ khi Trung tâm phụ gia dầu mỏ thuộc Viện Hóa học công nghiệp VN xác định phương pháp của hai học sinh này có thể tách được 99,96% hàm lượng dầu ra khỏi nước.
Phân tách dầu – nước không phải là đề tài mới, nhưng Sơn cho biết cái mới trong “dự án” là tính ứng dụng cao khi dầu trẩu có giá chỉ 14.000 đồng/lít và rất dễ mua. Trong vòng chung kết phía bắc cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tại TP.Hải Phòng, dự án này đã đoạt giải nhất trong lĩnh vực hóa học và các tác giả đang mong muốn đưa vào ứng dụng thực tế.
Dùng nhựa thông tái chế dầu nhờn
Giữa năm 2015, khi vừa đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn (tỉnh Thanh Hoá), Nguyễn Đức Minh (lớp 10 chuyên hoá) đã cùng Lê Ngân Hà (lớp 10 chuyên ngoại ngữ) nghiên cứu phương pháp tái chế dầu nhờn thải an toàn (đặt tên là LSR10). Cả hai quyết tâm thực hiện đề tài này sau khi thấy nhiều thợ sửa xe máy đổ thẳng dầu nhớt xuống cống thoát nước, gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi phân loại dầu thải theo mức độ ô nhiễm, Minh và Hà đem lọc qua máy ly tâm, xử lý bằng nhựa thông và một vài hoá chất khác rồi lắng ủ, loại bỏ cặn tái sinh. Quy trình tái chế rất đơn giản đã giúp 2 học sinh thu được dầu nhờn tái sinh sạch. Kết quả kiểm nghiệm tại Trung tâm phụ gia dầu mỏ thuộc Viện Hoá học công nghiệp VN (Hà Nội) cho thấy mẫu dầu nhờn tái sinh của Minh và Hà đạt tiêu chuẩn SN500 dành cho dầu gốc thuộc API nhóm I do Viện Nghiên cứu dầu mỏ Mỹ quy định.
Phương pháp LSR10 của Minh và Hà được cho là sáng tạo khi đã kết hợp chất trợ lắng và chất hấp thụ để tăng chất lượng dầu tái sinh, có thể áp dụng cho các loại dầu thải nguồn gốc khác nhau. Sau khi đoạt giải nhất trong lĩnh vực hoá học, cả hai đang tìm nhà đầu tư để áp dụng phương pháp này trên quy mô công nghiệp.
Vũ Ngọc Khánh