26/12/2024

Ca cấy ghép tử cung đầu tiên thất bại

Hôm 9-3, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Cleverland (Mỹ) chính thức xác nhận ca cấy ghép tử cung đầu tiên cho Lindsey, một phụ nữ 26 tuổi, đã thất bại.

 

Ca cấy ghép tử cung đầu tiên thất bại

 

 

Hôm 9-3, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Cleverland (Mỹ) chính thức xác nhận ca cấy ghép tử cung đầu tiên cho Lindsey, một phụ nữ 26 tuổi, đã thất bại. 

 

 

 

 

Ca cấy ghép tử cung đầu tiên thất bại
Cô Lindsey khi được phẫu thuật ghép tử cung hồi tháng 2 – Ảnh chụp màn hình

“Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo bệnh nhân Lindsey gặp biến chứng đột ngột, dẫn đến việc loại bỏ tử cung cấy ghép” – người đại diện của bệnh viện này cho biết.

Nguyên nhân xảy ra biến chứng vẫn đang được các bác sĩ tìm hiểu. Trong khi đó, sức khoẻ Lindsey vẫn ổn và dần hồi phục.

“Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến các bác sĩ. Họ đã phản ứng rất nhanh để đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn cho tôi. Tôi rất tiếc vì mình đã mất tử cung. Nhưng dẫu sao tôi cũng rất trân trọng những lời chúc và cầu nguyện mà mọi người đã dành cho mình” – cô nói.

Ca cấy ghép kéo dài chín giờ được thực hiện hôm 24-2 tại Bệnh viện Cleverland. Các bác sĩ đã tiến hành ghép tử cung của một phụ nữ 30 tuổi đã qua đời cho Lindsey. Ngay từ khi sinh ra, Lindsey không có tử cung nhưng buồng trứng vẫn hoạt động bình thường.

Trong hơn 250 phụ nữ nộp đơn xin cấy ghép tử cung, các bác sĩ tại Bệnh viện Cleverland tiến hành kiểm tra sức khoẻ và chỉ chọn ra 10 người cho chương trình thử nghiệm lâm sàng, trong đó có Lindsey.

Bệnh nhân được cấy ghép sẽ nằm lại bệnh viện để theo dõi trong vòng 1 – 2 tháng, sau đó trở về nhà sinh hoạt bình thường nhưng phải uống thuốc chống thải ghép và kiểm tra sức khoẻ hằng tháng.

Trong trường hợp tốt nhất, một năm sau ca cấy ghép, bệnh nhân sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm và phẫu thuật sinh con vào thời điểm thích hợp. Sau hai lần sinh, các bác sĩ sẽ gỡ bỏ tử cung để bệnh nhân có thể ngưng dùng thuốc chống thải ghép.

BÌNH MINH