02/11/2024

Cảnh báo nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam

Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika (nghi gây bệnh teo não, đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh), khi không cần thiết.

 

Cảnh báo nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam

Hành khách được kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất để dự phòng bệnh Zika - Ảnh: Nguyên Mi

Hành khách được kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất để dự phòng bệnh Zika – Ảnh: Nguyên Mi

Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika (nghi gây bệnh teo não, đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh), khi không cần thiết.

Hôm nay (8.3), Bộ Y tế dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết tính đến ngày 7.3, đã có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika. Trong đó, có nhiều nước trong khu vực và sát biên giới Việt Nam. Lào là nước mới nhất ghi nhận có sự lưu hành của vi rút Zika.
Các nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika xâm nhập hoặc có sự lây truyền vi rút Zika là: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, đặc biệt là Campuchia, Lào, Trung Quốc là những nước có chung đường biên giới với nước ta.
Ngoài ra, có 3 quốc gia ghi nhận ca bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục là Pháp, Ý và Mỹ.
Một số quốc gia cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika xâm nhập sau khi về từ vùng có dịch gồm: Đức, Hà Lan, Úc, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Cuba, Utah, Đan Mạch, Nga.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc vi rút Zika. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch là rất lớn.
Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết.
Những người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khoẻ trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”. Cụ thể, người dân cần áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy) cho gia đình và khu vực mình sinh sống như: lật úp các dụng cụ, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, lon, hộp bia nước ngọt, lốp xe, vật dụng phế thải…; thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ… Đây chính là các vật dụng có khả năng chứa nước và là ổ chứa, nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.

 

Số điện thoại đường dây nóng tư vấn, báo các trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika là 0989 671 115.

Có hai nghiên cứu độc lập gần đây trong phòng xét nghiệm về sự tác động của vi rút Zika với tế bào não do các nhà khoa học của Brazil và Trường đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy vi rút có thể xâm nhập và tấn công huỷ hoại tế bào não làm tế bào não không thể tiếp tục phát triển. Đây là bằng chứng quan trọng về mối liên quan giữa vi rút Zika và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lưu ý kết quả trong phòng xét nghiệm có thể sẽ không giống như thực tế xảy ra trên cơ thể người. Do đó, đến nay, WHO vẫn chưa khẳng định chắc chắn về mối liên quan giữa vi rút Zika và chứng đầu nhỏ và cần có thêm những bằng chứng khoa học để khẳng định.