25/12/2024

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-3-2016

VATICAN – Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6-3-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu tín thác nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài chia buồn với các nữ tu thừa sai bác ái vì đại tang. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự hiện diện của 40.000 tín hữu hành hương, ĐTC diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Luca trong Thánh lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay về dụ ngôn người con trai hoang đàng trở về.

 Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-3-2016 

 

 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-3-2016 – OSS_ROM

VATICAN – Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6-3-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu tín thác nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài chia buồn với các nữ tu thừa sai bác ái vì đại tang.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự hiện diện của 40.000 tín hữu hành hương, ĐTC diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Luca trong Thánh lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay về dụ ngôn người con trai hoang đàng trở về.

Bài huấn dụ của ĐTC

Trong chương trương thứ 15 của Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta thấy 3 dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn con chiên lạc tìm lại được (cc. 4-7), dụ ngôn đồng tiền lại tìm thấy (cc. 8-10), và dụ ngôn dài về người con trai hoang đàng, hay đúng hơn, về người cha thương xót (cc. 11-32). Hôm nay, trong hành trình mùa chay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta dụ ngôn thứ ba này, trong đó vai chính là người cha và 2 người con. Trình thuật cho chúng ta thấy một vài đặc điểm của người cha: đó là một người luôn sẵn sàng tha thứ và hy vọng dù điều gì xảy ra đi nữa. Nhất là nổi bật lòng bao dung của ông trước quyết định của người con út rời nhà ra đi: lẽ ra ông có thể chống lại, vì biết rằng người con ấy chưa trưởng thành, trái lại ông để đứa con ra đi, tuy thấy trước những rủi ro có thể xảy ra. Thiên Chúa cũng hành động như thế đối với chúng ta: Ngài để cho chúng ta tự do, dù ta có thể sai lầm, vì khi tạo dựng chúng ta, Chúa đã ban cho chúng ta hồng ân cao cả là tự do. Chúng ta có nghĩa vụ sử dụng tốt tự do ấy.


Nhưng sự tách biệt của người con ấy chỉ là về mặt thể lý; người cha vẫn luôn mang người con ấy trong con tim; ông tin tưởng chờ đợi con trở về; ông chăm chú nhìn con đường với hy vọng thấy con trở về. Và một hôm ông thấy người con xuất hiện từ xa (xc. 20). Lúc ấy ông xúc động, chạy ra đón con, ôm con và hôn. Thật là dịu dàng dường nào!

Người cha cũng dành thái độ ấy cho người con cả, là người vẫn luôn ở nhà, và nay người con này tức giận và phản đối vì không hiểu và không chia sẻ tất cả lòng từ nhân đối với đứa em đã lầm lỗi. Người cha ra ngoài để gặp người con cả và nhắc nhở cho anh ta rằng cha con vẫn luôn ở với nhau, và có chung mọi điều (c. 31), nhưng cần phải vui mừng đón tiếp người em trở về nhà.

Trong dụ ngôn này ta cũng có thể thấy hình bóng người con thứ ba, âm thầm!, đó là người con “không giữ cho mình đặc ân giống như [Cha], nhưng đã huỷ bỏ mình, mặc lấy thân phận người tôi tớ” (Pl 2,6-7). Người con-tôi tớ này là sự nối dài đôi vòng tay và trái tim của Cha: Người đã đón nhận người con hoang đàng và rửa đôi chân bẩn thỉu của người con ấy; Người đã chuẩn bị bữa tiệc để mừng lễ tha thứ. Người là Chúa Giêsu, dạy chúng ta hãy có lòng “thương xót như Cha”.

Hình ảnh người cha trong dụ ngôn biểu lộ con tim của Thiên Chúa. Người là Cha thương xót, Đấng yêu thương chúng ta trong Chúa Giêsu vượt ra ngoài mọi giới hạn, luôn chờ đợi chúng ta hoán cải mỗi khi chúng ta lầm lạc; Ngài chờ đợi chúng ta trở về khi chúng ta xa lìa Ngài vì nghĩ rằng mình có thể không cần Chúa; Ngài luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay dù điều gì xảy ra đi nữa. Như người cha trong Phúc Âm, Thiên Chúa cũng tiếp tục coi chúng ta là con cái của Ngài khi chúng ta lạc đường, và Ngài đến gặp chúng ta với tất cả sự dịu dàng khi chúng ta trở về cùng Ngài. Những lầm lỗi chúng ta phạm, cả những tội trọng, không làm suy giảm tình thương trung tín của Ngài. Trong bí tích hòa giải, chúng ta luôn có thể tái khởi hành: Ngài đón nhận chúng ta, trả lại cho chúng ta phẩm giá làm con cái của Ngài.

ĐTC kết luận: Trong giai đoạn Mùa Chay này cho đến Lễ Phục Sinh, chúng ta được kêu gọi tăng cường hành trình hoán cải nội tâm. Chúng ta hãy để cho cái nhìn đầy yêu thương của Cha chúng ta đạt tới chúng ta và hết lòng trở về cùng Ngài, loại bỏ mọi thái độ thoả hiệp với tội lỗi. Xin Đức Trinh Nữ Maria tháp tùng chúng ta cho đến vòng tay âu yếm của lòng thương xót của Chúa.

Chia buồn và ca ngợi

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC bày tỏ sự gần gũi với các nữ tu thừa sai bác ái đang chịu đại tang đổ ập trên các chị cách đây 2 ngày trong vụ 4 nữ tu bị sát hại tại Aden, Yemen, nơi các chị săn sóc giúp đỡ những người già. 

ĐTC nói: “Tôi cầu nguyện cho các chị và những người khác bị giết trong cuộc tấn công, cũng như cho thân nhân của họ. Xin Mẹ Têrêsa tháp tùng vào thiên đàng những người con của Mẹ tử đạo vì bác ái, và chuyển cầu cho hoà bình và sự tôn trọng thánh thiêng đối với sự sống con người.”

ĐTC nói thêm: “Như một dấu chỉ dấn thân cụ thể cho hoà bình và sự sống tôi muốn nhắc đến sáng kiến lập các hành lang nhân đạo cho người tị nạn, mới được khởi xướng ở Italia. Dự án tiên phong này liên kết tình liên đới với an ninh, giúp nâng đỡ những người đang trốn chạy chiến tranh và bạo lực, như hàng trăm người tị nạn đã được chuyển đến Italia, trong đó có các trẻ em, bệnh nhân, người tàn tật, góa phụ chiến tranh với con cái, và những người già. Tôi cũng vui mừng vì sáng kiến này có tính chất đại kết, được sự hỗ trợ của Cộng đồng Thánh Egidio, Liên hiệp các Giáo hội Tin Lành Italila, Giáo hội Valdesi và Metodist.

ĐTC chào thăm các nhóm tín hữu hành hương và ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài và các cộng sự viên bắt đầu tuần tĩnh tâm từ tối nay đến thứ sáu tới đây.

Giống như năm ngoái, tuần tĩnh tâm của ĐTC và các vị lãnh đạo tại Toà Thánh diễn ra tại Trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của Tu đoàn Thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.
 

 

G. Trần Đức Anh OP