Ông Nguyễn Văn Thuỳ, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường), cho biết những ngày gần đây đơn vị này tiếp nhận nhiều cuộc gọi của người dân, hỏi về chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội.
Dân Hà Nội sợ… không khí
Ông Nguyễn Văn Thuỳ, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường), cho biết những ngày gần đây đơn vị này tiếp nhận nhiều cuộc gọi của người dân, hỏi về chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, băn khoăn của người dân là từ thông tin có tính chất cảnh báo về chất lượng không khí đo từ trạm Đại sứ quán Mỹ, lắp đặt tại trụ sở số 7 phố Láng Hạ, Q.Đống Đa, được cập nhật trên trang web của đại sứ quán. Cụ thể, có thời điểm chỉ số môi trường không khí AQI (Air Quality Index) của trạm đo này luôn ở mức cao, nằm trong dải màu đỏ, thể hiện chất lượng không khí môi trường ở mức “không lành mạnh”, gây tác hại cho sức khoẻ con người. Các nhóm người nhạy cảm với môi trường được cảnh báo không nên ra ngoài.
Thông tin quan trắc không khí từ trạm đo đặt tại Đại sứ quán Mỹ, trong những ngày gần đây, chỉ số AQI có thời điểm lên tới 254, cảnh báo chất lượng môi trường ở mức xấu, thậm chí còn đạt tới giá trị cực đại lên tới 388, tương ứng với mức nguy hại trong thang cảnh báo tác động của AQI đối với sức khỏe con người.
Ông Thùy cho rằng chỉ số AQI nếu chỉ đo ở một thời điểm, không thể phản ánh được tình trạng chung của ô nhiễm môi trường hay xu thế ô nhiễm của môi trường. Có thể ở thời điểm đo, không khí có một luồng bụi vẩn lên hoặc do mật độ phương tiện giao thông quá dày gây khói bụi, hoặc ảnh hưởng từ các khu vực sản xuất xung quanh. Để đánh giá chính xác chất lượng không khí trong ngày, phải tính toán các thông số ghi nhận trong 24 giờ liên tục. Và việc phân tích số liệu trên toàn thành phố không thể được thực hiện dựa trên số liệu từ một thiết bị quan trắc duy nhất. Số liệu từ trạm đo này chỉ cung cấp chỉ số chất lượng không khí chính xác tại khu vực gần Đại sứ quán Mỹ.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Dương Hoàng Tùng chia sẻ, cá nhân ông cũng truy cập vào trang thông tin của Đại sứ quán Mỹ. Theo ông Tùng, chỉ số AQI được cập nhật ở đây là chỉ số trung bình giờ chứ không phải chỉ số trung bình ngày. Thế nên nếu AQI có ở mức nguy hại trên 300 thì cũng tồn tại ở một thời điểm nào đó trong ngày. “Nhưng thực tế, môi trường không khí ở Hà Nội có ô nhiễm và vấn đề này cũng đã được cảnh báo từ lâu”, ông Tùng nói.
Trước sự quan tâm của nhiều người, sáng 4.3, Trung tâm quan trắc môi trường đã công bố các chỉ số môi trường không khí quan trắc tại Hà Nội trong khoảng ngày 27.2 – 2.3 trên trang web của đơn vị. Cụ thể, với cách tính AQI của VN, chỉ số nồng độ bụi PM 2.5, là hạt bụi có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet có khả năng đi sâu vào phế nang, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, ghi nhận tại trạm đo Trung tâm quan trắc môi trường, khu vực Gia Lâm là 178. Ở chỉ số này, chất lượng môi trường được xếp hạng kém, các nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở bên ngoài. Ông Thùy giải thích, do trong những ngày vừa qua thời tiết tại Hà Nội khá hanh khô, độ ẩm không khí trung bình khoảng 74% và có thời điểm chỉ là 62%… nên đã góp phần khiến nồng độ bụi PM 2.5 tăng cao.