“Báu vật” trên đỉnh Ngok Ply
Nơi ngọn núi Ngok Ply quanh năm bao phủ bởi sương mù giá lạnh, người Ca Dong ở làng Tapyêu (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có một gia sản mà theo họ còn quý hơn vàng.
“Báu vật” trên đỉnh Ngok Ply
Nơi ngọn núi Ngok Ply quanh năm bao phủ bởi sương mù giá lạnh, người Ca Dong ở làng Tapyêu (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có một gia sản mà theo họ còn quý hơn vàng.
Rừng lồ ô trên đỉnh núi Ngok Ply – Ảnh: Lê Trung |
“Không biết khu rừng lồ ô có từ khi nào và cũng chẳng thống kê được diện tích, số lượng bao nhiêu nhưng dân làng Tapyêu ý thức rằng đó tài sản, là món quà vô giá mà cha ông để lại cho con cháu đời sau. Chúng tôi nhắc nhở dân làng không được chặt phá bừa bãi mà phải gìn giữ khu rừng lồ ô xanh tốt để chúng mãi là gia sản của dân làng |
Ông Nguyễn Đôi Hồng (phó chủ tịch UBND xã Trà Vinh) |
Đó là khu rừng lồ ô bạt ngàn nằm chót vót trên đỉnh Ngok Ply mà ông cha của họ từ đời xưa đã vun vén, gìn giữ đến tận ngày nay.
Những cây lồ ô có kích thước còn lớn hơn cả tre, có cây gần cả trăm đốt chọc thẳng trời xanh, là nơi để sương mù làm tổ trên ngọn. Người làng Tapyêu bấu víu vào khu rừng lồ ô, họ tin rằng đó là báu vật do thần linh ban tặng cho miền sơn cước này.
Đối diện rừng lồ ô
Từ TP Đà Nẵng chúng tôi “hành quân” lên xã vùng cao Trà Vinh. Từ trung tâm xã phải cuốc bộ hơn ba giờ đường rừng mới đến làng Tapyêu, đây được xem là ngôi làng xa xôi, cách trở nhất của núi rừng Quảng Nam với hơn 200 nóc nhà xếp dãy hình cánh cung nằm nép mình dưới chân núi Ngok Ply. Đường vào làng khá lầy lội nên ôtô, xe máy không đến được.
Ngồi nghỉ trên một mỏm đá, chúng tôi gặp hai người dân làng Tapyêu dùng một cây tre to và dài để khiêng hàng hóa cồng kềnh.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về cây tre to quá khổ, những người đàn ông khiêng hàng đáp gọn: “Không phải tre đâu, lồ ô đấy. Lồ ô ở đây to cao, rắn chắc gấp mấy lần tre. Có cả một khu rừng bạt ngàn, toàn lồ ô cao to trên ngọn Ngok Ply đấy! Không tin mấy anh lên thôn hỏi dân làng là biết”.
Tò mò, muốn tận mắt gặp khu rừng lồ ô to quá khổ, chúng tôi năn nỉ một nhóm thanh niên làng Tapyêu dẫn đường lên núi. “Khu rừng lồ ô này đẹp y như trong phim ấy, đi bộ gần hai giờ mới tới. Mùa này trên đó nhiều sương mù, lạnh cóng người, các anh nhắm có đi nổi không?” – anh Hồ Văn Tiến nghi ngờ hỏi trước khi nhận được cái gật đầu của chúng tôi.
Từ bản, chúng tôi len lỏi trên con đường mòn chưa đầy nửa mét dẫn sâu vào rừng. Sương mù dày đặc quấn lấy khu rừng mang theo khí lạnh tê người. Những con vắt ẩn trong các lùm cây hai bên đường cứ dai dẳng bám vào chân người hút máu.
Gần hai giờ leo núi, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy cánh rừng lồ ô huyền bí nằm ở độ cao gần 1.000m y như lời giới thiệu của dân làng.
Trước mắt chúng tôi hiện ra một khu rừng lồ ô xanh mướt, cây cao vun vút mọc chen chúc. Hai bên con đường dẫn sâu vào rừng, lồ ô uốn cong đan vào nhau đẹp như tranh vẽ. Lồ ô cao và to hơn tre rất nhiều, chúng mọc dọc lối đi, tỏa ra hai bên sườn núi, trải kín vực sâu và vươn mình lên nền trời cao vút.
Theo anh Hồ Văn Lai, người làng Tapyêu, lồ ô ở đây trung bình có chu vi thân từ 5-10cm, dài 30-50 đốt, mỗi đốt dài hơn nửa mét. Nhưng cũng có những cây có chu vi “khủng” từ 15-20cm, dài cả trăm đốt, mỗi đốt có khi dài hơn 1m. Trung bình một khóm lồ ô từ 20-30 cây, nhưng có khóm gần cả trăm cây.
“Không biết rừng lồ ô này có từ bao giờ nhưng khi tôi sinh ra đã thấy bố mẹ chặt về để làm nhà, làm chuồng trại, đan gùi rồi” – anh Lai kể. Rồi anh Lai dùng rựa chặt một cây lồ ô có chu vi khoảng 15cm, cao hơn 50m mọc tựa vào vách núi. Cả nhóm người phải rất vất vả khi hạ cây lồ ô xuống và kéo ra bởi nó quá cao và to.
Lồ ô được người làng đập giập phơi khô để lát sàn nhà – Ảnh: Lê Trung |
Món quà của thần linh
Tối đến, gió vùng cao rít liên hồi, lạnh tê tái. Bên bếp lửa, thanh niên trong bản dùng những ống lồ ô non to nấu cơm, nướng thịt rừng. Cơm nấu trong lồ ô sực mùi thơm và rất ngọt. Dân làng Tapyêu thường tìm những ống lồ ô non có chu vi hơn 10cm, dài 1m để nấu cơm. Một ống như vậy có thể nấu cho 4-5 người cùng ăn.
Theo dân làng, cây lồ ô ở đây được dùng làm sàn nhà là phổ biến. Người dân chặt những cây lồ ô to, đập giập rồi phơi ngay tại khu rừng. Sau khi khô, dân làng khiêng về lát sàn nhà. Hàng trăm nóc nhà ở thôn đều dùng sàn nhà bằng lồ ô thay vì gỗ.
Anh Đinh Văn Phong, cũng là người làng Tapyêu, cho hay sàn nhà mà làm bằng lồ ô thì nấm mốc không bám được, khói bếp không làm đen sàn, côn trùng cũng chẳng bén mảng tới, sàn có màu vàng óng, độ bóng láng rất lâu. Đi đến nhiều ngôi nhà trong thôn chúng tôi khá ấn tượng vì sàn nhà làm bằng lồ ô của họ lúc nào cũng sạch, đẹp, bóng.
Những cây lồ ô có kích thước “khủng” được dân làng dùng làm trụ nhà, kèo, chuồng trâu, kho thóc, cây nhỏ làm đồ mỹ nghệ, gùi và nhiều vật dụng khác trong nhà. Ở làng có hàng trăm kho thóc được làm từ cây lồ ô. “Đặc biệt, làm bẫy thú rừng thì không một thứ cây rừng nào bì kịp vì độ sắc bén của thanh chông làm từ lồ ô” – anh Phong kể thêm.
Già làng Tapyêu Hồ Văn Kim (74 tuổi) hồ hởi nói: “Rừng lồ ô trên núi Ngok Ply là món quà vô giá mà thần linh ban tặng cho dân làng Tapyêu. Từ khi lập làng là đã có rừng lồ ô rồi, cha ông còn trồng thêm và giữ gìn xanh tốt đến ngày nay”. Già Kim cũng không lý giải được vì sao rừng lô ô ở đây lại có kích thước và chiều cao “khủng” như vậy.
“Chỉ biết cuộc sống người dân từ xưa đến nay đều dựa vào lồ ô, dân làng ai cũng yêu quý thứ cây ấy. Nguồn sống của dân làng Tapyêu đều nhờ vào lồ ô. Đó là một loài cây linh thiêng mà chỉ ở ngọn Ngok Ply mới có” – già Kim bộc bạch.
Rời làng Tapyêu, chúng tôi được dân làng tặng một ống nước làm bằng thanh lồ ô được chạm trổ rất đẹp. “Làng chẳng có quà chi đáng giá, chỉ có vật phẩm làm bằng lồ ô tặng khách phương xa đem về dưới xuôi làm kỷ niệm” – già Kim nói rồi vuốt râu cười khà khà.
Măng cứu tinh Những người lớn tuổi trong làng Tapyêu kể rằng những năm đói khổ thiếu cái ăn, dân làng đều vào khu rừng lồ ô chặt măng về luộc. Lồ ô “khủng” thì măng cũng “khủng”. Măng của lồ ô ở đây chu vi tới 20cm, cao hơn 1m. Đem búp măng ấy về luộc cho cả nhà ăn mấy ngày không hết. Già làng Hồ Văn Kim kể măng lồ ô mọc theo mùa, từ tháng 9-12 (âm lịch). Những khi nước lũ chia cắt làng, dân làng Tapyêu không ra được trung tâm xã để mua thức ăn thì măng lồ ô là cứu tinh của họ trong những ngày mưa gió. |